Thứ Hai, 27/01/2020 13:29

Lừa đảo ngày càng tinh vi

Thời gian gần đây, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người bằng các “chiêu trò” hết sức tinh vi. Tuy đã được lực lượng chức năng cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy” của các đối tượng.

Lừa đảo bằng tin nhắn tuyển dụng“Giữ ấm” hơi Người, “truyền lửa” mai sau - Kỳ III: Soi gương Người vào muôn ngườiGiúp sức cho “người nước ngoài giàu có” lừa đảo, bị phạt 7 năm 6 tháng tù

Các đối tượng lừa đảo lập trang, nhắn tin mời chào người dân với mục đích lừa đảo

“Sập bẫy”

Gần đây nổi lên việc, người dân bị các đối tượng dùng những lời mời chào, quảng cáo từ các trang mạng xã hội hứa hẹn về một công việc ổn định, lương cao rồi lừa “bán” sang Campuchia.

Anh T, trú tại TP. Huế cho biết, vì muốn có việc làm, nên đã nghe theo các đối tượng sang Campuchia. Thế nhưng, sau hơn 1 tháng bị giam lỏng, vì không chịu nổi cuộc sống ở đây, anh đã cầu cứu gia đình bỏ số tiền hơn 60 triệu đồng để chuộc anh về Việt Nam. Có tiền, các đối tượng mới thả cho anh về.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, hiện đơn vị đã tiếp nhận hơn 10 đơn trình báo của người dân liên quan đến việc con, em mình bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trái phép.

Với chiêu lừa khác, chị Nguyễn Thị H. (SN 1995), trú tại phường Trường An (TP. Huế) đã bị các đối tượng lừa đảo 120 triệu đồng. Chị H. kể lại, khi đang sử dụng facebook thì nhận được tin nhắn tuyển cộng tác viên Lazada. Vì muốn có việc làm, kiếm thêm thu nhập, chị đã xin tham gia và được một đối tượng gọi điện thoại tự xưng bên hệ thống Lazada hướng dẫn cách làm cộng tác viên.

Đối tượng này đã gửi cho chị H. một trang giả website của Lazada. Đồng thời, yêu cầu chị H. kích vào mua các sản phẩm trên trang này. Số tiền chị H mua sẽ được hoàn lại cùng với tiền hoa hồng trên mỗi sản phẩm.

Tin lời, “đơn hàng” đầu tiên chị H. giao dịch 100 ngàn đồng và được đối tượng chuyển khoản lại cho chị cả gốc lẫn hoa hồng là 118 ngàn đồng. Giao dịch “đơn hàng” thứ 2 giá trị 1,2 triệu đồng, chị H. được chuyển lại hơn 1,5 triệu đồng.

Tiếp đó, chị H. tiếp tục thực hiện lần lượt các “đơn hàng” thứ 3, 4, 5, nhưng các đối tượng không chuyển khoản lại cho chị với nhiều lý do. Chúng yêu cầu chị H. mua thêm nhiều đơn hàng khác mới chuyển khoản lại với số tiền cao hơn. Không chút đắn đo, chị H. chuyển các “đơn hàng” khác với tổng số tiền lên đến 120 triệu đồng. Khi chị H. không còn tiền để giao dịch “đơn hàng” và biết mình bị lừa thì các đối tượng cắt đứt liên lạc và chiếm luôn số tiền của chị.

Trước đó, bà P. (SN 1964), ở phường An Cựu (TP. Huế) nhận được điện thoại từ các số điện thoại của một số người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ công an của Bộ Công an. Họ yêu cầu bà P. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền đang gửi tại các ngân hàng với thông báo là, bà  P. liên quan đến vụ án ma túy và rửa tiền. Tin lời, bà P. bị các đối tượng lừa 1,3 tỷ đồng.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh thông tin, thực tế thời gian qua cho thấy, có rất nhiều kiểu lừa đảo của các đối tượng mà người dân phải hết sức cảnh giác.

Đó là, lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn; sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu người bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Không những thế, các đối tượng còn khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của người bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của họ để chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt. "Mời đầu tư tiền ảo", "chuyển tiền nhầm", "gửi lệnh truy nã", "dỗ ngọt phụ nữ đơn thân"... cũng là những chiêu thức lừa đảo của các đối tượng mà người dân cần hết sức lưu ý.  

Luôn cảnh giác

Trước thực tế này, Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã liên tục phát đi thông báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên hệ thống loa truyền thanh, dán thông báo tại các nơi công cộng, đăng tải trên hệ thống cổng thông tin của đơn vị công an.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh xử lý các đối tượng lừa đảo, Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương đề ra 7 giải pháp phòng ngừa. Ngoài sự nỗ lực đấu tranh của lực lượng công an, thì người dân cần đề cao cảnh giác không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Trung tá Hoàng Quốc Phong, Trưởng Công an phường Phú Thượng (TP. Huế) lưu ý, người dân phải hết sức cảnh giác trước các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp tiến hành tố tụng để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Tuyệt đối không chụp ảnh và cung cấp các thông tin họ tên, số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền cho người không rõ nhân thân, lai lịch.

Không ít điều tra viên của Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương cũng khuyến cáo, người dân không truy cập các đường link lạ được chia sẻ trên mạng internet. Khi nhận được yêu cầu mượn tiền của người thân qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Messenger, cần phải gọi điện thoại để xác nhận. Khi nhận cuộc gọi có mã vùng quốc tế cần rà soát các mối quan hệ ở nước ngoài để kiểm chứng.

“Không nghe lời yêu cầu, dụ dỗ của các đối tượng trên mạng xã hội cài đặt các ứng dụng (app) trên điện thoại để vay tiền qua mạng internet. Đối với tài khoản Facebook, Zalo, Gmail... cần phải đặt mật khẩu và xác thực nhiều lớp để phòng bị các đối tượng lạ chuyển quyền sử dụng (hack). Khi xảy ra các tình huống kịp thời thông báo cho các cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn phối hợp đấu tranh”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khuyến cáo.

Bài, ảnh: Anh Phong

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

75 người dùng di động Việt Nam nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online
75% người dùng di động Việt Nam nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Ba nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng Việt Nam
Ba nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng Việt Nam

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa điểm ra 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, qua đó giúp người dùng nhận biết để phòng tránh.

Bắt giam Tổng Giám đốc Công ty đấu giá Toàn Cầu
Bắt giam Tổng Giám đốc Công ty đấu giá Toàn Cầu

Ngày 29/12, nguồn tin của phóng viên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình vừa tiến hành bắt giam ông Hoàng Minh Toàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh theo lệnh truy nã.