Thứ Sáu, 26/02/2016 21:45

Luôn tự hào là những người chiến sĩ

Sáng 26/8, tại TP. Huế, những chàng trai mười tám, đôi mươi của 40 năm trước ở Sư đoàn 4, Quân khu 9 lại có dịp được gặp nhau để hồi tưởng về những ngày đấu tranh ở mặt trận Tây Nam của Tổ quốc và chiến trường Campuchia.

Những người lính vẫn chưa trở vềNghĩa tình người lính

Cuộc gặp mặt để tưởng nhớ và tưởng niệm về những người bạn, những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đất bạn; để cảm nhận được hồn nước anh linh, ẩn tàng sự chiến tranh trong hòa bình của Tổ quốc của những năm 1978 – 1989.

 Họ gặp nhau trong niềm vui cháy mãi

Những chàng trai trẻ ngày ấy giờ là những người cao tuổi. Họ gặp nhau trong những cái bắt tay thật chặt và nụ cười hóm hỉnh xen lẫn những giọt nước mắt rưng rưng vì xúc động. Ngày tháng trôi qua, thời gian có thể làm họ chùn bước chân, nhưng sẽ không bao giờ và mãi mãi không quên họ là những chiến sĩ.

“Trở về từ nơi tuyến đầu lửa đạn, những vùng đất xa xôi, nơi rừng thiêng, nước độc đầy gian khổ, chúng tôi không bao giờ quên anh em, đồng đội năm xưa. Gặp nhau hôm nay, chúng tôi không chỉ được nhìn thấy nhau, được nghe những câu chuyện kể về cuộc sống mưu sinh, mà còn làm sống lại những kỷ niệm hào hùng qua năm tháng ở chiến trường”, ông Hoàng Ngọc Do, Trưởng ban Liên lạc đồng đội cựu chiến binh Sư đoàn 4, Quân khu 9 tại Thừa Thiên Huế xúc động.

Mở màn chiến dịch biên giới Việt Nam – Campuchia, lực lượng của Quân khu 9 tham gia gồm 5 sư đoàn bộ binh, trong đó có Sư đoàn 4 và 12 tỉnh đội ở mọi miền của đất nước, với các trung đoàn trực thuộc: Tăng thiết giáp, công binh, pháo binh, trinh sát, thông tin, vận tải và quân y. 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, trú xã Phong Chương (Phong Điền) bùi ngùi: “Tháng 8/1978, tôi lên đường nhập ngũ, được biên chế vào sư đoàn bộ binh, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tháng 11/1982, khi tham gia trận đánh tại địa phận tỉnh Cô Kông để giải phóng toàn tuyến biên giới Campuchia và Thái Lan tôi đã bị thương ở chân trái, với tỷ lệ thương tật 81%. Dù thương tật, nhưng với tôi, được gặp mặt các đồng chí, đồng đội đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ là sự may mắn. Trong cuộc trường chinh gian khổ và ác liệt đó, không ít đồng đội của tôi đã ngã xuống”.

Sau 12 năm chiến tranh biên giới (1977 – 1989), toàn Quân khu 9 có đến 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh; khoảng 41.000 thương binh; khoảng 5.000 người bị thương nặng phải có người phục vụ suốt đời. “Đó là những con số minh chứng cho sự tàn khốc, ác liệt của cuộc chiến vì đất nước và Tổ quốc thiêng liêng. Có rất nhiều kỷ niệm, nhưng chúng tôi có quyền tự hào là đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ mặt trận phía Tây Nam và chiến trường Campuchia”, ông Trịnh Quốc Đông, trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông (TP. Hà Nội) chia sẻ.

Dù tuổi cao, sức khỏe yếu, nhưng trong từng câu chuyện của những cựu chiến binh Sư đoàn 4, Quân khu 9 hôm nay, vẫn đau đáu một hoài niệm về những đồng chí, đồng đội của mình. Ông Nguyễn Thanh Hữu, trú tại xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết: “Kết thúc cuộc chiến, chỉ tính riêng Sư đoàn 4, có khoảng 8.000 đồng chí thương binh; khoảng 1.000 đồng chí thương binh nặng và có khoảng 4.000 đồng chí đã hy sinh”.

Viết tiếp chặng đường vẻ vang của dân tộc, những người lính năm xưa tiếp tục phát huy bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận lao động sản xuất, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, giúp nhau phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, họ còn thường xuyên làm tốt công tác từ thiện nhân đạo; tăng cường các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài của địa phương. Màu xanh của những cánh đồng lúa, của những cánh rừng… hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của họ. Vì họ chính là những chiến sĩ của Sư đoàn 4, Quân khu 9 .

Bài, ảnh: Anh Phong

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Phần thưởng quý giá
Phần thưởng quý giá

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển năm 2022 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng bằng khen trong thực hiện chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Đó là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân.

Tình nồng ấm trên biên giới A So
Tình nồng ấm trên biên giới A So

Thời tiết ở biên giới khắc nghiệt, chúng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm của những người lính đã mang lại niềm vui cho người dân vùng biên giới A So...