Thứ Tư, 21/11/2018 15:14

Luyện thi trong âu lo

Hơn 2 tuần nữa, học sinh lớp 9 ở TP. Huế sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022. Hầu hết phụ huynh, học sinh đều chung tâm trạng lo lắng khi việc ôn luyện bị gián đoạn và không biết liệu có dời lại ngày thi do diễn biến của dịch bệnh?

Giữ nguyên phương án thi vào lớp 10 ở các trường trung học phổ thôngHọc sinh sẽ bắt đầu thi vào lớp 10 từ ngày 5 đến 7/6

Miệt mài luyện thi trực tuyến

Hai ngày cuối tuần của đầu tuần tháng 5, thời điểm tập trung cao độ cho việc học sinh thành phố luyện thi vào lớp 10 thì trường học đóng cửa. Các trung tâm luyện thi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Những nhóm học thêm tại gia thu hẹp lại và nhiều nơi … tạm nghỉ. Cũng đúng thôi, học trong tâm trạng nơm nớp lo âu, chẳng biết các F đang ở tọa độ nào quanh mình (!). Nhiều gia đình đã tính đến phương án thuê gia sư về nhà cho con ôn luyện, một thầy và một trò sẽ giải đề tốt hơn, nhưng suy đi, tính lại, chẳng may tiếp xúc với F1, F2, con lại không đi thi được, hóa ra “xôi hỏng, bỏng không”.

Học online cũng lắm nỗi lo

Không còn cách nào khác là cho con học trực tuyến, một phần là lâu nay các em có thời gian làm quen theo hình thức này; hơn nữa, không còn nhiều thời gian để chờ đợi khi ngày thi cận kề. Nhìn vào chỉ tiêu và số lượng học sinh đăng ký các trường tốp trên, nhiều phụ huynh thở dài thườn thượt, chỉ tiêu của Trường THPT Hai Bà Trưng là 616 em mà có đến hơn 1.000 em đăng ký; còn Trường THPT Nguyễn Huệ ngót nghét gần 900 em đăng ký. Thế nên, nhiều phụ huynh tự an ủi, khó thì khó cả làng, lo chi, các trường tốp giữa chỉ tiêu cũng còn nhiều đấy thôi.

Trường THPT Hai Bà Trưng là sự lựa chọn của nhiều học sinh

Nói vậy nhưng nhiều người vẫn lo sốt vó và bắt đầu lên kế hoạch sắm điện thoại, máy tính và lắp đặt gói mạng internet tốc độ cao để con học online thuận lợi nhất. Thực ra, không phải ai cũng có điều kiện, như hai vợ chồng anh Nguyễn Tỵ, công nhân của một công ty gỗ xuất khẩu trên địa bàn TP. Huế đang rất khó khăn khi thất nghiệp. Thế nhưng, nhận được chưa đến chục triệu đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp, cũng phải bóp “hầu bao” trích ra 5 triệu đồng để mua cho cô con gái chiếc điện thoại thông minh. Chị vợ an ủi chồng, thôi thì tằn tiện, cố gắng động viên con để thi tốt, trước sau chi cũng phải mua điện thoại, lên lớp 10 con còn phải học dài dài.

Con học online không có giờ giấc ổn định, thậm chí, có khi cả nhà đang ăn cơm, có khi cả nhà đã lên giường ngủ thì cô lại gọi tập trung vào học, hiểu nôm na, cô giáo sắp xếp được giờ nào thì trò cứ răm rắp nghe theo. Thế nên, nhiều gia đình mọi hoạt động đều để ở chế độ “im lặng”, cốt để phục vụ các sĩ tử vượt rào trong kỳ thi sắp đến. “Nó học chẳng có giờ giấc gì cả, đôi khi mới học toán xong, nghỉ tầm 10 phút thì quay sang học Anh văn. Rồi lắm lúc buổi sáng phải dậy 5h sáng để gửi bài tập cho cô và tầm 7h thì bắt đầu vào học. Cả nhà có mấy chục mét vuông mà mỗi khi con học online đều đi nhẹ, nói khẽ nhưng thời điểm này thấy con ngồi ở nhà để học nên tôi cũng yên tâm”, anh Hoàng Văn Nghĩa, phụ huynh có con học lớp 9 ở Trường THCS Hùng Vương cho hay.

Tìm thầy cho con học online trong thời điểm này không dễ. Sốt ruột nên nhiều người muốn tìm giáo viên dạy kèm online để con thu nạp kiến thức nhiều hơn. Thầy có kinh nghiệm thì nhiều nhưng thầy làm chủ bục giảng online, truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu và có sức bền khi dạy hàng giờ đồng hồ không phải ai cũng làm được. Nhiều cô giáo dạy văn chia sẻ, mình đã từ chối dạy kèm vì rất mệt. Vả lại không có thời gian, lớp này học xong thì lớp khác nối tiếp, chưa kể, mạng rớt, rồi có em thoát ra ngoài không quản lý được lớp học. Cũng không ít phụ huynh than thở, đã hai lần xin đổi lớp học luyện thi online khi giáo viên dạy nhanh, cháu vừa ghi âm, vừa chép mà vẫn không kịp. Tất nhiên, trong thời điểm này, đây được xem là giải pháp tối ưu nhưng vẫn có nhược điểm là khó giám sát quá trình học cũng như chữa bài làm cho học sinh. Vì vậy, hiệu quả ôn tập không thể như dạy học trực tiếp trên lớp cũng là điều dễ hiểu.

Tình nguyện viên hỗ trợ

Làng SOS Huế có nhiều học sinh năm nay thi lên lớp 10. Sức học của các em không đồng đều, nhưng cũng may ngay trong làng có đội ngũ tình nguyện viên là những giáo viên sẵn sàng hỗ trợ. Không có smartphone, làng SOS Huế cài đặt các phần mềm trên máy tính sẵn có để phục vụ học sinh ôn tập. Một “phòng máy” tạm thời được lắp đặt tại thư viện, nơi đủ yên tĩnh để các em luyện thi. Giáo viên đang tập trung hệ thống kiến thức theo từng chương, từng chủ đề, đặc biệt, nhiều bài giảng được quay video rồi chuyển cho các em ôn tập. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Làng SOS Huế cho biết, sau khi các trường công bố danh sách đăng ký và chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều em đã lo lắng nên điều chỉnh lại nguyện vọng cho phù hợp. Thời điểm này, chúng tôi khuyến cáo các em hạn chế đi ra ngoài vì nhiều em sức đề kháng không tốt, phải tập trung cho việc thi cử.

Quan điểm của ngành giáo dục khi ra đề thi năm nay là không đánh đố học sinh, bám sát chương trình sách giáo khoa. Bởi phạm vi kiến thức không nằm ngoài chương trình học, nội dung cơ bản theo đúng chuẩn kiến thức và chuẩn kỹ năng đã đề ra. Vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý các con nắm vững các kiến thức cơ bản, làm các dạng bài tập để rèn luyện kỹ năng và đăng ký nguyện vọng dự thi phù hợp với khả năng học tập của con và điều kiện của gia đình. Theo cô Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, học thêm ngoài học chương trình chính khóa ở trường không phải là yếu tố quyết định học sinh sẽ thi đỗ hay không. Điều quan trọng nhất là sự tự giác, khả năng học tập và đặc biệt trong thời gian dịch bệnh hiện nay, khả năng tự học của học sinh mới mang tính quyết định.

Phụ huynh âu lo, liệu Thừa Thiên Huế có dời phương án thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 như nhiều tỉnh, thành khác? Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân thông tin, sở đã lên nhiều kịch bản để đảm bảo một kỳ thi an toàn. Chẳng hạn, tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì sở sẽ tổ chức thi như bình thường; nếu vẫn diễn biến phức tạp, sở sẽ căn cứ vào từng tình huống để có thể lùi thời gian thi lại trước ngày khai giảng năm học mới. Tình huống xấu nhất dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, có trường hợp thí sinh dự thi là các F thì sở sẽ tổ chức thi nhiều đợt. Trong đó sẽ bố trí các phòng thi, hội đồng thi và đề thi riêng có từng nhóm thí sinh thuộc diện F1, F2...

Lo lắng nhưng vẫn lạc quan và hy vọng. Dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và học sinh sẽ được đến trường thi theo kế hoạch. Các em có thể tiếp thu những bài học chưa trọn vẹn, song, sẽ là vốn kiến thức quý giá suốt bao năm đèn sách để mỗi sĩ tử chọn được cho mình một ngôi trường như mơ ước.

Bài, ảnh: HUẾ THU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.