Thứ Tư, 16/12/2015 11:16

Mạo danh & mạo nhận

Nghĩa của hai từ này là gì, đương nhiên là đã có từ điển tiếng Việt. Sự tiện dụng của từ điển số cũng sẽ ngay lập tức trả lại kết quả cho bất cứ ai đó còn phân vân, hay muốn tìm hiểu một cách xác đáng hơn, cụ thể hơn. Điều có thể chắc chắn là bản thân hai từ mạo danh hay mạo nhận đã chứa trong nó hành vi không trong sáng.

Cảnh báo giả danh công chức ngành thuếMạo danh cảnh sát phòng cháy chữa cháy để thu lợi bất chính

Điều mà tôi muốn đề cập ở đây lại bắt đầu từ một văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế về việc gần đây, có một số đối tượng đã mạo danh cán bộ của đơn vị này để liên hệ với các doanh nghiệp để bán sách, bán tài liệu hay mời tập huấn có thu tiền. Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi đến các cơ quan thông tin báo chí (và cả trên website của sở này) cho hay, sở không có bất cứ yêu cầu nào tới người dân và doanh nghiệp ở mọi hình thức. Đồng thời khẳng định, đây là việc lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước để lừa đảo, trục lợi và làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của đơn vị.

Việc mạo danh, lợi dụng danh nghĩa của cơ quan này, đơn vị kia cho đến bây giờ không còn là điều lạ lẫm nữa, thậm chí nó còn diễn ra hàng ngày, ở nhiều hình thức khác nhau, gây phiền hà cho các đơn vị mà những đối tượng này hướng đến. Tất nhiên, việc khai thác này dựa trên vai trò, chức năng, sự cần thiết và tầm quan trọng hay sự chi phối của một đơn vị nào đó đối với các doanh nghiệp hay người dân; chí ít thì việc mạo danh cũng phải đưa đến cho các đối tượng một nguồn lợi nào đó (thông qua việc ủng hộ quỹ tương trợ, quỹ từ thiện...). Nhiều thủ trưởng cơ quan, giám đốc doanh nghiệp vẫn hay phàn nàn với chúng tôi về việc bị làm phiền theo kiểu này với các cuộc điện thoại đề nghị mua sách/tài liệu từ cơ quan này tổ chức nọ. Họ gọi điện thoại bất kể giờ giấc và kiên trì đến độ khiến nhiều người, để khỏi mệt mỏi thì hoặc phải tắt điện thoại (chặn số thì sẽ có cuộc gọi từ số khác); hoặc phải ừ đại để kết thúc phiền nhiễu. Cho dù, đó cũng chỉ là những kết thúc tạm thời vì ít lâu nữa, sẽ có những cuộc điện thoại khác với những đề nghị mua hay ủng hộ khác. Vấn đề là ở chỗ, khi kiểm tra ngược lại cơ quan được nêu tên khi được yêu cầu, bản thân các cơ quan đó cũng ngạc nhiên, áy náy và phẫn nộ nữa khi tên tuổi bị mạo danh và lạm dụng vì mục đích xấu. Cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, nhiều đơn vị đã phải ra văn bản gửi đi để tránh tình trạng nhũng nhiễu này.

Mặc dù là hai trạng thái khác nhau, nhưng theo chúng tôi, giữa mạo danh (mạo tên người khác) và mạo nhận (nhận càn, nhận bừa là ai đó) đôi khi là biến thể của một hành vi mờ ám, để đánh lừa và trục lợi cho cá nhân. Điều này không khó để nhận diện trong cuộc sống. Bỏ qua cho một hành động nhỏ cũng có nghĩa là đã dung túng và tạo cơ hội cho một sự mờ ám khác. Và khi những điều này được cộng thêm/nhân lên, có khi sẽ dẫn đến một sự mất kiểm soát và sẽ mất nhiều thời gian, công sức để tạo dựng lại uy tín, vị trí, chỗ đứng... Đấy mới chỉ là những hệ lụy nhìn từ góc độ kinh tế- xã hội, còn khi mạo danh và mạo nhận về chính trị, hậu quả sẽ nghiêm trọng và khó lường hơn rất, rất nhiều lần.

 Để dẹp bớt và loại bỏ hành vi này, bên cạnh vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng cần phải kiên quyết và thẳng thừng từ chối/loại bỏ những hành vi nhũng nhiễu.  Khi chúng ta kiên quyết, nghĩa là góp phần vì một môi trường làm việc tích cực và lành mạnh.

An Nhi

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mạo danh cán bộ công an để lừa đảo
Mạo danh cán bộ công an để lừa đảo

Công an huyện Quảng Điền thông tin, đang vào cuộc điều tra một người mạo danh cán bộ Công an Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.