Thứ Tư, 06/09/2017 17:14

Miễn giảm tiền trọ, hỗ trợ sinh viên trong mùa dịch COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều chủ trọ ở Huế đã đưa ra thông báo miễn giảm tiền trọ nhằm hỗ trợ, động viên sinh viên.

Các trường đã triển khai phòng dịch, chuẩn bị đón sinh viên trở lạiĐại học Huế thông báo cho sinh viên đi học trở lại từ 2/3Sinh viên Đại học Huế sẽ đi học trở lại từ ngày 17/2Kiểm soát sinh viên, chủ động phòng dịch virus corona

Một khu trọ ở đường Trần Quang Khải, TP. Huế hỗ trợ giảm tiền trọ cho sinh viên

Chủ trọ miễn giảm, sinh viên phấn khởi

Trở lại Huế để chuẩn bị học tập, Thanh Hường, sinh viên Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế khá bất ngờ và vui mừng khi được chủ trọ thông báo giảm 50% tiền trọ cho tháng đã qua. Thanh Hường phấn khởi: “Kỳ nghỉ tết không ở lại nhưng vì giữ trọ nên thông thường sinh viên vẫn phải trả tiền, nhiều khi cũng ấm ức nhưng về lý phải trả. Dịch COVID-19 khiến sinh viên phải nghỉ thêm hơn cả tháng, trong khi đó tiền triệu đối với sinh viên không hề nhỏ, vì vậy, được miễn giảm là một niềm vui rất lớn”.

Theo khảo sát, hiện nay tại Huế có khá nhiều khu trọ thông báo miễn giảm tiền trọ cho sinh viên, với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau. Trong đó, chủ yếu nhất là hình thức giảm 50 – 100% tiền trọ của tháng sinh viên về quê, không ở trọ. Một số chủ trọ còn hỗ trợ từ 200.000 – 500.000 đồng hay 30 – 50% trong tháng tư hoặc một vài tháng tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Nhiều sinh viên khẳng định có thêm động lực và niềm vui khi được chủ trọ quan tâm, hỗ trợ

Oanh Oanh, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chia sẻ: “Ở điểm trọ em ở, chủ trọ đã thông báo giai đoạn dịch giảm 200.000 đồng trong tháng 3 và 50% trong tháng 4. Giai đoạn hè vào khoảng tháng 6 – 7 cũng sẽ giảm 50%. Điều đó giảm bớt gánh nặng kinh tế cho em và các bạn cùng trọ”.

Anh Đặng Kim Bảo Thái, chủ trọ ở đường Trần Quang Khải, TP. Huế tâm sự, việc giảm tiền trọ xuất phát từ sự tự nguyện muốn hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên. “Khu trọ của tôi có đến 40 phòng và đã được thuê hết nên không phải giảm tiền trọ để kích cầu hay do ai bắt buộc mà mục đích để giúp đỡ một phần cho sinh viên, bởi có nhiều trường hợp tâm sự trong giai đoạn dịch, gia đình họ cũng khó khăn. Thực ra, với một tháng giảm 50%, chỗ trọ của mình thất thu đến khoảng 20 triệu đồng nhưng vẫn cố gắng để hỗ trợ các em. Thời gian tới, tùy tình hình dịch bệnh, mình mới có thể đưa ra những quyết định liên quan đến việc giảm tiền trọ”.

Lan tỏa hành động đẹp

Cùng với việc giảm giá trọ, những ngày qua, một số cán bộ, giảng viên và chủ trọ cũng đồng thời chia sẻ các thông tin kêu gọi hỗ trợ, giảm tiền trọ cho sinh viên. Trên facebook cá nhân, chị Na, chủ của khu trọ ở đường Hồ Đắc Di cho biết, hiểu được những khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh, bản thân chị cũng đưa ra các quyết định giảm tiền trọ cho sinh viên. Đó cũng được xem như góp phần chia sẻ trách nhiệm xã hội. Đồng thời, mong muốn các chủ trọ khác cũng chung tay áp dụng việc giảm giá trọ trong giai đoạn có dịch bệnh để phần nào hỗ trợ, giúp sinh viên sinh yên tâm học tập và làm việc.

ThS. Trương Thế Quy, cán bộ Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế - người từng lên facebook kêu gọi chủ các nhà trọ hỗ trợ cho sinh viên chia sẻ, sinh viên miền Trung khó khăn, đa phần gia đình bố mẹ nông dân và thời gian qua do tình hình dịch bệnh nên việc nuôi trồng bị ảnh hưởng. Việc góp một lời kêu gọi giúp sinh viên để lan tỏa những ý nghĩa nhân văn, qua đó không chỉ động viên, giúp sinh viên bớt khó khăn mà còn để sinh viên cảm nhận được tình cảm của con người Huế, mảnh đất Huế.

Trên thực tế, sau những lời kêu gọi, lượng chủ trọ hưởng ứng “chính sách” giảm giá trọ tăng lên, niềm vui từ sinh viên cũng được chia sẻ, lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Một cán bộ của ĐH Huế tâm sự, hiện nay nhiều trường ĐH tại Huế đã tổ chức việc dạy học trở lại. Từ những quan tâm của cán bộ, giảng viên hay hỗ trợ của các chủ trọ sẽ tạo động lực hơn để các em quay trở lại trường, hạn chế một phần tình trạng sinh viên do nghỉ lâu, nảy sinh tâm lý chán nản, muốn nghỉ học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn
Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn

Tranh cổ động kỷ niệm ngày thành lập Đảng, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp hay tranh chân dung về các vị lãnh tụ... vốn là đề tài không dễ với những người còn non tuổi nghề như sinh viên. Bằng cảm nhận, niềm tin với Đảng, Bác Hồ và tri ân những người có công với đất nước, nhiều sinh viên khối ngành nghệ thuật đã đặt được trọn cảm xúc với những đề tài mỹ thuật lớn.

Sinh viên ra trường làm việc trái ngành Muôn vàn lý do
Sinh viên ra trường làm việc trái ngành: Muôn vàn lý do

Học một ngành, làm một ngành là thực tế không xa lạ với nhiều sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp. Thực trạng trên đặt ra câu hỏi: “Lãng phí 4-5 năm học đại học (ĐH), có phải do lỗi từ công tác hướng nghiệp?”.

Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT
Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT

Sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành giáo dục, trong đó nỗi lo ở bậc đại học (ĐH) là ảnh hưởng vấn đề “liêm chính học thuật”. Song, trước xu thế của thời đại, việc chủ động đón nhận và định hướng người học tiếp cận các giá trị tích cực mà ChatGPT là điều nên làm.