Chủ Nhật, 20/01/2019 06:45

Mỗi đại biểu phải phát huy trách nhiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân

Hôm nay (20/7), Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021- 2026 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Báo Thừa Thiên Huế có cuộc phỏng vấn ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu được bầu làm Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Thừa Thiên Huế

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu

Xin chào ông và xin chúc mừng ông vừa được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, sẽ có những thuận lợi gì trong việc lắng nghe tâm tư và giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri, thưa ông?

Tôi nghĩ ở bất kỳ cương vị công tác nào, bản thân cũng phải luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Mỗi ĐBQH cần làm tốt vai trò trung tâm trong hoạt động của cơ quan dân cử; phát huy đầy đủ, tích cực trách nhiệm, phải luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Có thể nói việc tiếp công dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công dân là một trong những nội dung quan trọng mà người đứng đầu cấp ủy cũng như người đại biểu dân cử phải thực hiện. Tôi cho rằng, việc đảm nhận các chức vụ này sẽ rất thuận lợi và bố trí nhiều thời gian hơn trong việc lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó sẽ có những kiến nghị, đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, sẽ tiến hành giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Thông qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ cung cấp thêm những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; những khó khăn, vướng mắc gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là nguồn thông tin quý giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành những nghị quyết lãnh đạo toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Kỳ họp lần này có vai trò quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026. Để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri cũng như vai trò của người đại biểu dân cử, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động như thế nào, thưa ông?

Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV có 7 đại biểu; trong đó có 1 đại biểu tái cử và 6 đại biểu trúng cử lần đầu. Các đại biểu đều có trình độ chuyên môn cao và đã trải qua nhiều cương vị công tác sẽ là điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của Quốc hội.

Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong các hoạt động lập pháp, giám sát và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong hoạt động lập pháp, Đoàn sẽ mở rộng các kênh lấy ý kiến rộng rãi của cử tri, các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, chuyên gia đóng góp cho các dự án luật. Trong hoạt động giám sát, Đoàn sẽ triển khai đồng bộ, cụ thể và sát với tình hình thực tiễn của tỉnh để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu trong một lần đến hiện trường chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân mất tích tại sông Rào Trăng (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)

Quá trình công tác, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ xây dựng quy chế phối hợp với HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh; cùng với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ địa phương, thực sự là cầu nối giữa tỉnh và các cơ quan Trung ương.

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có sự phân công, điều phối hoạt động giữa các ĐBQH trong Đoàn nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của các ĐBQH và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH trong nhiệm kỳ này.

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác, các vị ĐBQH tỉnh sẽ có những hoạt động gì, thưa ông?

Đây là kỳ họp có vai trò rất quan trọng, đặt nền tảng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm tới. ĐBQH tỉnh sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm cao trong việc thảo luận và lựa chọn những người lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ để đưa đất nước ta vượt qua đại dịch, tiếp tục phát triển theo định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Ngoài ra, đoàn sẽ tích cực nghiên cứu để tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính 5 năm, các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác... Qua đó, góp phần vào sự thành công chung của kỳ họp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Tôi tin tưởng rằng, với sự tín nhiệm của cử tri, trong nhiệm kỳ mới này, các vị ĐBQH tỉnh sẽ phát huy trách nhiệm, nâng hoạt động của Đoàn ĐBQH đáp ứng sự mong đợi của cử tri tỉnh nhà, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.

Xin cảm ơn ông!

Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế gồm 7 đại biểu do UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu làm Trưởng đoàn; bà Nguyễn Thị Sửu, TUV làm Phó Trưởng đoàn chuyên trách. Các đại biểu còn lại gồm: Ông Lê Hoài Trung, UVTW Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng; GS. TS Phạm Như Hiệp, TUV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; ông Nguyễn Thanh Hải, TUV, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh.

 

Thái Bình (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người chỉ huy trưởng mẫu mực, trách nhiệm
Người chỉ huy trưởng mẫu mực, trách nhiệm

“Là một cán bộ luôn gương mẫu, trách nhiệm và luôn hết lòng vì công việc”. Đó là những đánh giá của anh em, bạn bè và đồng đội khi nói về Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) phường Thuận An, TP. Huế - Lê Nông.

Trách nhiệm và gần gũi
Trách nhiệm và gần gũi

Gương mẫu, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc nhưng cũng rất gần gũi và hòa đồng với cấp dưới, tận tình chăm lo chu đáo cho chiến sĩ. Đó là những nhận xét của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lợi, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn

Được xem là một trong những vùng đất bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản, nhưng thực tế hiện nay Huế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều bất cập, khó khăn. Từ việc khoanh vùng, cho đến kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích cho đến việc huy động các nguồn lực “hồi hương” cổ vật…

Xả thải vô trách nhiệm, dân khổ
Xả thải vô trách nhiệm, dân khổ

Những ngày giáp Tết Quý Mão, hàng trăm bao tải rác thải độc hại, như bao túi ni lông, xăm cao su... không biết từ đâu bỗng dưng xuất hiện tại khu vực trên một cách ngổn ngang và từng đống lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, làm nhiều người dân địa phương bức xúc.