Thứ Sáu, 20/05/2016 13:45

Mỗi học sinh là mỗi giáo án

Dạy cho học sinh chuyên biệt nên các giáo viên ở Trường tiểu học (TH) Thuận Thành (TP. Huế) không thể soạn trước giáo án, bởi mỗi học sinh đặc biệt phải có một giáo trình khác nhau.

Lớp học chuyên biệt và những người cô đặc biệtTết thiếu nhi cho học sinh Trường Chuyên biệt Tương lai

Với mỗi em học sinh chuyên biệt, cô giáo sẽ có một phương pháp, chương trình dạy khác nhau

Những giờ dạy đặc biệt

Tiếng đàn piano vang lên cao vút, xung quanh đó, các em học sinh của lớp chuyên biệt Niềm tin, Trường TH Thuận Thành (TP. Huế), đang hóa trang hay cầm bông hoa, thao tác những cử chỉ đơn giản, dàn dựng một tiết mục văn nghệ đơn sơ cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trường TH Thuận Thành được sự tài trợ của Hiệp hội Eurasia (Thụy Sĩ) bắt đầu có các lớp học dành cho trẻ chuyên biệt từ năm 2000. Hiện, trường có 3 lớp học Niềm tin, Hy vọng và Tình bạn giáo dục các trẻ tự kỷ, khiếm khuyết về trí tuệ, khó khăn về ngôn ngữ, khó khăn về học, rối loạn hành vi… 50 em học sinh nhận được sự giảng dạy của 6 cô giáo đã được chuyên gia Thụy Sĩ đào tạo chuyên môn giáo dục đặc biệt và tham gia các khóa tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cô Phan Tố Trinh, Tổ trưởng Tổ Chuyên biệt, Trường TH Thuận Thành, chia sẻ: “Đối với học sinh chuyên biệt, mỗi em có một hoàn cảnh riêng, một thế giới riêng, có hành vi và cảm nhận khác nhau. Để có thể giúp các em ý thức được xã hội, hòa nhập với cộng đồng thì phải có phương pháp và chương trình dạy khác nhau, không em nào có chương trình hay giáo án giống nhau”.

Các cô giáo cố gắng để giúp đỡ các em làm từng việc nhỏ nhất, như vệ sinh cá nhân, phân biệt màu, tập vận động đơn giản, học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều chỉnh phù hợp với khả năng của từng em. Em N.K, 8 tuổi, học sinh lớp Niềm tin, mắc hội chứng khó khăn về học và giảm trí tập trung, xúc động: “Con thương các cô giáo lắm. Nhờ được cô giáo dạy bảo mà con biết đọc và biết viết. Con cũng quý mến bạn bè trong lớp nữa”.

“Cô giáo cần kỹ năng lắng nghe sâu, dùng trái tim và tình yêu thương để biết được nhu cầu của các em, thấy được vẻ đẹp và những khả năng riêng của mỗi em để có những phương pháp can thiệp khác nhau”, cô Lê Thị Vĩnh Quân, giáo viên Chuyên biệt, Trường TH Thuận Thành bộc bạch.

Giáo dục trẻ biết sẻ chia

Điều ấm áp nhất là ở Trường TH Thuận Thành, không chỉ các cô dạy cho học sinh chuyên biệt, mà từ cách giáo dục và môi trường, chính các em trong lớp chuyên biệt biết giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi xúc động bắt gặp hình ảnh một em học sinh lớp Hy vọng mắc hội chứng tự kỷ đeo quai giày giúp bạn chậm phát triển trí tuệ cùng lớp. Trong lớp Niềm tin có một em không định hướng được, không hề biết xung quanh có gì, mỗi lần em đến lớp, các bạn mỗi người một tay, người đỡ cặp xách giúp bạn, người cởi mũ cất, người lại rót cho bạn ly nước.

Cô Lê Thị Mai Lan, Hiệu trưởng Trường TH Thuận Thành, cho hay: “Sự sẻ chia được lan tỏa khi cả học sinh bình thường đều chú ý giúp đỡ các bạn các lớp chuyên biệt. Trong môi trường giáo dục bao dung, giàu lòng nhận ái, trẻ học được cách sẻ chia, cho đi vô điều kiện và không kỳ thị đối với những người có khiếm khuyết”.

Thành quả lớn nhất mà các cô giáo đạt được là giúp trẻ chuyên biệt có thể tham gia học hòa nhập. Ở Trường TH Thuận Thành, hiện đã có 24 em học sinh chuyên biệt được học hòa nhập với các bạn bình thường cùng trang lứa. Những em khác, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học cơ bản sẽ được giới thiệu việc làm tại các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật. “Dạy học sinh bình thường đã khó, dạy cho học sinh chuyên biệt còn khó hơn, đòi hỏi các cô giáo tình thương, lòng nhân ái và sự cố gắng cập nhật kiến thức, năng lực giáo dục đặc biệt để giúp các em tiến bộ hơn”, cô Lê Thị Mai Lan nói.

Bài, ảnh: Phước Ly

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận tâm chăm sóc, dạy dỗ học sinh chuyên biệt
Tận tâm chăm sóc, dạy dỗ học sinh chuyên biệt

Đó là tiêu chí mà Trường tiểu học Thuận Thành (TP. Huế) đặt ra khi dạy cho học sinh chuyên biệt. Giáo viên toàn tâm, toàn ý vào tiến trình làm việc, thay vì phải chăm chăm vào kết quả.

“Trường học hạnh phúc”
“Trường học hạnh phúc”

Dự án “Trường học hạnh phúc” được lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, ứng dụng mô hình học tập cảm xúc và xã hội. Dự án được thí điểm tại 6 trường từ tiểu học đến trung học phổ thông tại Huế.