Khách nước ngoài tham quan, mua sắm tại phố đi bộ Võ Thị Sáu. Ảnh: MC
Nói thách, cò mồi…
Là thành phố du lịch, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam nên thời gian qua, TP. Huế đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông dẫn đến các địa điểm tham quan du lịch; chỉnh trang các công viên, điểm xanh; hoàn thiện hạ tầng không gian hai bờ sông Hương; xây dựng nhà vệ sinh công cộng… Nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách, như: Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, Phố đêm Hoàng thành Huế, Phố ẩm thực Nguyễn Văn Huyên…
11 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Huế ước đạt gần 1,7 triệu lượt, tăng 160% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 230%. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế vẫn còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan, như khủng hoảng chính trị ở châu Âu; việc phát sinh một số dịch bệnh mới và tình hình dịch bệnh ở một số khu vực đang còn căng thẳng, nhất là ở các thị trường khách trọng điểm, truyền thống.
Mặc dù số lượng khách tăng cao, song con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có. Một trong những nguyên nhân khiến một số du khách “một đi không quay trở lại” đó là tình trạng tranh giành khách giữa các phương tiện vận chuyển; vấn nạn nói thách, cò mồi, chửi khách, chèo kéo tại các chợ truyền thống và cửa hàng kinh doanh… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch và con người Huế. Mặt khác, sản phẩm du lịch trên địa bàn vẫn còn đơn điệu, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm chưa phong phú và chưa có các trung tâm giới thiệu sản phẩm đặc sản Huế và hàng lưu niệm phục vụ du khách...
Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô Du lịch TP. Huế, ông Nguyễn Tấn Xuyên, hiện lượng xe xích lô ở thành phố có khoảng 1.000 chiếc, tuy nhiên số xe xích lô trong nghiệp đoàn chỉ có 185 chiếc, do vậy vấn đề cạnh tranh rất khốc liệt, giá cả không thống nhất, mạnh ai nấy làm, tour tuyến không rõ ràng, đi không đến nơi, về không đến chốn hay bỏ khách giữa đường... đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và lòng tin của du khách.
Xây dựng môi trường du lịch phải bắt đầu từ những nhân viên bán hàng phục vụ khách du lịch
Xây dựng môi trường du lịch
Huế có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ như có Quần thể di tích Cố đô Huế; cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, hài hòa; đa dạng phong phú các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; đặc biệt là vẻ đẹp trong văn hóa, đạo đức, tính cách con người Huế. Thế mạnh khác biệt thật sự của du lịch, dịch vụ Huế nằm ở chiều sâu văn hóa đang chất chứa trong mỗi con người, gia đình xứ Huế.
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho rằng, để du lịch, dịch vụ Huế phát triển, mỗi người dân Huế phải thật sự là một “đại sứ du lịch”, phải yêu quý, tôn trọng và cung cấp dịch vụ cho khách du lịch một cách chu đáo, tương xứng với tình yêu mà mỗi người dân Huế dành cho mảnh đất này để chuyển tải tình yêu đó cho du khách.
Thời gian qua, tỉnh và thành phố đã có nhiều nỗ lực cải thiện MTDL trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, tồn tại kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, một số bất cập, mới phát sinh cần được chấn chỉnh kịp thời. Trong bối cảnh du lịch Thừa Thiên Huế nói chung, TP. Huế nói riêng đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển, khi mà nhà ga T2 sân bay Phú Bài chuẩn bị đưa vào hoạt động, đê chắn sóng cảng Chân Mây tiếp tục được nâng cấp, hạ tầng đô thị phục vụ du lịch liên tục phát triển, các chính sách kích cầu đã và sẽ được triển khai cùng với sự đổi mới trong hoạt động khai thác Festival Huế và Quần thể di tích cố đô Huế, việc nhanh chóng triển khai nâng cấp MTDL hiện nay là hết sức cần thiết.
Theo đó, TP. Huế yêu cầu các ban ngành, địa phương nghiên cứu, phối hợp triển khai các tiêu chí nhằm hướng đến xây dựng MTDL văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc. Trong đó, tiếp tục vận động các hộ kinh doanh hỗ trợ cho du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí; đầu tư mới nhà vệ sinh công cộng; hạn chế bóp còi xe trong các tuyến phố du lịch, điểm tham quan, trường học; không chèo kéo, "cò khách"; hạn chế karaoke tại các vùng có điểm kinh doanh lưu trú; xây dựng tuyến phố, điểm dịch vụ du lịch, chợ thân thiện; kiểm tra, giám sát hoạt động của xích lô; lắp đèn đỏ ưu tiên và vận động thực hiện nhường đường cho người đi bộ qua đường. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành và ban quản lý các chợ tiếp tục vận động mặc áo dài ngũ thân (cách điệu để thuận tiện với làm dịch vụ) cho đội ngũ làm dịch vụ; hình thành không gian ẩm thực chay, ẩm thực dân gian (ưu tiên trong các tuyến phố đi bộ, phố đêm, công cộng); hình thành không gian giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, biểu diễn ca Huế, nhạc Huế tại trục đường Lê Lợi…
Bài, ảnh: Thanh Hương