Thứ Sáu, 28/02/2020 07:02

Mong ước được tái định cư

Có hộ khẩu và nhà ở riêng nằm trên mảnh đất chung của cha mẹ cho, nhưng khi đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) lại không được bố trí tái định cư (TĐC) hộ phụ.

Giải phóng mặt bằng “nhỏ giọt”

Bà Nguyễn Thị Bé trong căn nhà tại khu vực Eo Bầu

Những ngày gần mưa bão, bà Nguyễn Thị Bé ngụ tại 48 đường Xuân 68, phường Thuận Lộc (TP. Huế) thêm lo lắng khi không biết tương lai ba mẹ con bà sẽ sinh sống ở đâu. Trong khi đó, bà con hàng xóm ở khu Eo Bầu thuộc Kinh thành Huế đã cơ bản về sinh sống ổn định tại khu TĐC Bắc Hương Sơ.

Bà Bé cho biết: “Từ năm 1968 thì cha mẹ tôi tới đây sinh sống trên mảnh đất rộng 320,7m2. Anh trai tôi và tôi khi mỗi người lập gia đình cũng được cha mẹ cho xây nhà riêng trên mảnh đất này để sinh sống. Căn nhà tôi rộng gần 40m2, là nơi sinh sống của vợ chồng và 2 đứa con, cũng là chỗ kinh doanh buôn bán nuôi gia đình”.

Để thực hiện giải tỏa khu vực Eo Bầu thuộc dự án (DA) di dời dân cư, GPMB khu vực I di tích Kinh thành Huế, ngày 31/8/2020, UBND TP. Huế ban hành quyết định thu hồi toàn bộ thửa đất này. Mặc dù có nhà riêng, hộ khẩu riêng gồm bà Bé, chồng và 2 người con, nhưng khi thực hiện bồi thường, TĐC thì TP. Huế chỉ bố trí một lô đất TĐC cho hộ chính là cha mẹ bà Bé và một lô TĐC cho hộ phụ là gia đình anh trai bà Bé. Riêng hộ gia đình bà Bé thì không được hưởng chính sách này.

“Tôi lấy chồng và có 2 con cùng sinh sống tại căn nhà này từ lâu. Do khu vực này là đất di tích nên chúng tôi không được cấp “sổ đỏ”, không tách được đất. Đến tháng 3/2021, tôi với chồng mới ly hôn, nhưng 3 mẹ con tôi vẫn sinh sống tại đây. Vậy mà tôi không được bố trí TĐC vì lý do tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất, chồng tôi không sinh sống thường xuyên”, bà Bé lo lắng.

Ông Đặng Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết, việc hộ bà Bé không được hưởng chính sách TĐC hộ phụ là do “không hình thành được cặp vợ chồng cùng sinh sống trên thửa đất bị thu hồi”, chiếu theo quy định khung chính sách di dời dân cư, GPMB khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế do UBND tỉnh ban hành.

Bà Bé cho biết, gia đình bà có 4 khẩu, gồm chồng, bà Bé và 2 người con cùng chung sống ở căn nhà trên; có hộ khẩu riêng từ 2007 và mãi đến năm 2021 mới ly hôn, nghĩa là sau thời điểm ban hành quyết định thu hồi. Vậy, vì sao lại “không hình thành được cặp vợ chồng cùng sinh sống”?

 Lý giải về điều này, ông Thắng cho biết là căn cứ vào Công văn ngày 20/8/2020 của UBND phường Thuận Lộc xác nhận hộ bà Bé chỉ có 3 mẹ con bà này sinh sống trước thời điểm tháng 12/2018, còn chồng bà Bé không sinh sống tại đây. Công văn ngày 29/3/2022 của UBND phường Thuận Lộc cũng khẳng định, trước thời điểm tháng 12/2018, chồng bà Bé không sinh sống thường xuyên tại 48 đường Xuân 68.

“Trước thời điểm này chồng tôi cũng vì công việc thỉnh thoảng đi làm ăn xa. Việc ly hôn là nỗi đau của gia đình tôi. Khi xây dựng khung chính sách DA thì các cơ quan chức năng đều khẳng định sẽ vận dụng chính sách đặc thù, có lợi nhất cho người dân. Vậy mà đứng trước nguy cơ ăn nhờ ở đậu vì không hưởng được chính sách hộ phụ nay, tôi và các con của mình sẽ sinh sống chỗ nào đây?”, bà Bé ngậm ngùi.

Ông Thắng cho biết, do thời điểm vợ chồng bà Bé ly hôn rơi vào giai đoạn “chuyển giao” thực hiện khung chính sách DA. Vậy nên sắp tới, tổ tư vấn bồi thường GPMB TP. Huế sẽ họp để lấy ý kiến từng thành viên về việc có bố trí TĐC lô phụ cho bà Bé hay không để tham mưu UBND TP. Huế quyết định lần cuối.

“Trên 70% thành viên nghiêng về phương án nào thì sẽ tham mưu cho lãnh đạo TP. Huế phương án đó. Trong trường hợp bà Bé không đồng ý với quyết định của UBND TP. Huế thì có thể khiếu nại lên các cấp cao hơn và cuối cùng là khiếu kiện ra tòa án để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”, ông Thắng nhấn mạnh.

DA di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2021) hoàn thành di dời, xây dựng khu TĐC cho trên 3.467 hộ dân; giai đoạn 2 (2022-2025) hoàn thành di dời, xây dựng khu TĐC cho trên 1.950 hộ dân. Từ tháng 2/2020, DA bắt đầu triển khai, các gia đình ở khu vực di dời sau khi nhận tiền đền bù, đất TĐC đã tự tháo dỡ nhà cửa để đến nơi ở mới.

Bài, ảnh: Hà Nguyên - Minh Thuận

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những ngôi nhà bên núi
Những ngôi nhà bên núi

Nhiều cụm dân cư ở vùng A Lưới, Nam Đông với đặc thù sống ven triền núi, sông suối vẫn thấp thỏm trong mùa mưa lũ vì nỗi lo lũ quét, lũ ống, trượt lở đất. Giấc mơ tái định cư (TĐC) luôn “chập chờn” trong mỗi cuộc di dân đến nơi an toàn mỗi mùa thiên tai, gió chướng…

Mong ngóng triển khai các dự án tái định cư an toàn
Mong ngóng triển khai các dự án tái định cư an toàn

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở ở các địa phương, đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT đã có quyết định về chủ trương đầu tư dự án (DA) Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khẩn cấp. Người dân mong ngóng các DA được triển khai để được tái định cư (TĐC) an toàn.

Kỳ vọng vụ hè thu được mùa
Kỳ vọng vụ hè thu được mùa

Năm nay, vụ lúa hè thu ở A Lưới không gặp khô hạn như những năm trước. Chính quyền địa phương và người dân đang chủ động nhiều giải pháp với hy vọng thêm một vụ lúa được mùa.