Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Người bị xơ gan do rượu đang trẻ hóa
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), xơ gan do rượu là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh gan liên quan đến việc lạm dụng thức uống chứa cồn. Xơ gan do rượu là tình trạng tổn thương gan mạn tính kéo dài và không hồi phục do rượu gây ra.
Tình trạng này là một phần của quá trình phát triển bệnh gan, có thể bắt đầu với bệnh gan nhiễm mỡ, sau đó tiến triển thành viêm gan do rượu, rồi sau cùng là xơ gan do rượu. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp một người có thể bị xơ gan, nhưng trước đó chưa từng phải đối mặt với tình trạng viêm gan do rượu. Với văn hóa sử dụng rượu phổ biến ở Việt Nam, rượu bia là nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan được phát hiện. Khi được đưa vào cơ thể, rượu sẽ làm tổn hại các tế bào gan một cách từ từ. Ban đầu, rượu có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, sau đó là viêm gan mạn tính và cuối cùng là xơ gan. BS Nguyên cho biết, mới đây, BV Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp 30 tuổi ở Bắc Ninh bị đột quỵ não vì uống nhiều rượu.
Còn BS Hoàng Đình Thành - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BV đa khoa Tâm Anh) cho biết, xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa (tạo sẹo) ở gan do nhiều tác nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn như viêm gan virus và nghiện rượu mãn tính. Gan sẽ cố gắng tự phục hồi sau mỗi lần bị tổn thương. Quá trình phục hồi này sẽ hình thành các mô sẹo, tổn thương càng kéo dài, càng nhiều mô sẹo được hình thành. Xơ gan có thể gây ra các tổn thương gan không thể phục hồi, làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan, đe dọa tính mạng người bệnh. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là mấu chốt để hạn chế những tổn thương này và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Trên thực tế lâm sàng, trước đây, bệnh xơ gan do rượu thường gặp ở những người có tuổi, nay độ tuổi đang trẻ dần. Có những người bệnh chỉ có gần 50 tuổi nhập viện khám đã bị xơ gan. Đáng lo ngại là xơ gan không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ điều trị triệu chứng, bởi gan đã xơ, không còn tác dụng lọc, thải độc cho cơ thể. Chỉ khi được thay gan thì bệnh mới khỏi.
Triệu chứng nhận biết và hướng điều trị
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội) cho biết, rượu bia là đồ uống chứa cồn, người uống cảm thấy hưng phấn, có ham muốn nhảy nhót, trò chuyện khi uống lượng nhỏ. Giai đoạn tiếp theo, một số người cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu hoặc buồn ngủ. Đặc biệt, sử dụng quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn còn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe về tim mạch, gan, thận, tuỵ, thần kinh, nội tiết.
Theo các chuyên gia y tế, khi uống rượu bia quá nhiều cơ thể sẽ không thể cung cấp đủ các loại enzym để chuyển hóa. Khi đó các chất độc hại sẽ không thể đào thải và tồn dư lại trong gan. Lượng chất độc này dần phá hủy các tế bào gan và làm giảm chức năng gan. Ở giai đoạn đầu xơ gan do rượu, những tế bào lành sẽ hoạt động nhiều hơn để bù lại, bởi thế người bệnh không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng tái diễn lâu dài, các tế bào lành cũng không còn khả năng bù nữa, tổn thương cũng dần lan ra xung quanh. Khi đó, bệnh đã trở nên nghiêm trọng và gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
Bởi vậy, gần như tất cả các bệnh nhân ở thời kỳ đầu, xơ gan thường không có triệu chứng, về sau bệnh tiến triển, các triệu chứng xuất hiện ở người bệnh như cơ thể ngứa ngáy, khó chịu; vàng mắt, vàng da do trong máu tích tụ nhiều bilirubin; người bệnh thường chán ăn, mệt mỏi, ăn không ngon; có thể buồn nôn và nôn; chức năng gan tổn hại nhiều làm giảm hoạt động tổng hợp chất đông máu nên dễ dàng phát hiện ra các vết bầm tím trên da… Nặng hơn có những triệu chứng của biến chứng như nôn ra máu và đi đại tiện phân đen do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, hôn mê gan, suy thận, các biểu hiện nhiễm khuẩn hoặc do xơ gan ung thư hóa...
Theo BS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy (BV đa khoa Tâm Anh Hà Nội), đối với xơ gan do rượu bước đầu tiên trong liệu trình điều trị là phải ngưng uống rượu. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy những cải thiện tích cực sau khoảng 3 tháng giảm rượu bia.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị ngộ độc rượu, người nhà nên giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có bác sĩ tới cấp cứu. Không để người ngộ độc rượu một mình, để tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Nên để bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi, có thể để nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.
Theo Đại đoàn kết