Thứ Năm, 08/08/2013 09:05 (GMT+7)
Mùa hoa cải
Lúc hàng vạn thọ trước hiên nhà chúm chím, cũng là lúc hoa cải vàng rực trên nương rẫy. Không phải một mà kéo dài nhiều năm như vậy. Đó là thời gian sau ngày đất nước hòa bình.
Cứ phát rẫy xong, khi sắn còn nhỏ, chú tôi vãi xen trong sắn những luống cải cay. Vãi cải cay để muối dưa ăn tết. Nhiều lắm, bạt ngàn… nên dưa cải trở thành món ăn thường xuyên trong những bữa cơm từ trước kéo dài đến sau tết.
|
Sắc vàng hoa cải. Ảnh: Bảo Trân |
Một thời đói khổ đến nỗi không đủ sức để thưởng thức cái đẹp của hoa cải nở vàng rực triền đồi. Rồi hôm qua, trên đường về Quảng Điền, Hương Trà, lại thấy từng vạt cải trải thảm vàng trên triền sông. Cải chạy dài theo ven đường tàu đoạn qua Văn Xá. Thì ra, hoa cải cũng có ý rằng, mùa xuân đang về.
Không phải hoa cải chỉ đẹp khi nằm trong ký ức, mà hoa cải đẹp một cách dung dị ngay trước mặt mình, khi từng làn gió xuân thổi nhẹ, làm từng lớp sắc vàng lao xao như sóng.
Chữ nghĩa cũng trở nên lạ lẫm. Tôi không biết chắc chắn lắm nhưng tại sao đã cận tết rồi, người nông dân không thu hoạch mà cứ để những vạt cải kia lên ngồng như thế ? Tại sao cứ để cải đứng như vậy để làm triền sông vàng rực ? Và tại sao làm mất thì giờ cho những cô cậu học trò thích ảnh? Tôi tin rằng sắc vàng của hoa cải đã không ít lần gieo vào lòng người những rung cảm trước cái đẹp của cây cỏ, thiên nhiên...
“Ầu ơ… gió đưa hoa cải lên trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Rất nhiều lần mẹ hát ru em tôi bằng câu hát ru này. Cứ mỗi lần nghe mẹ “ Ầu ơi… hoa cải”, trong đầu óc non nớt của tôi lại thấy hoa cải giống như một thiên thần. Và cũng mang máng thương phận rau răm, thương cả thiên thần hoa cải khi người đi người ở lại. Cắc cớ chi ai đưa hoa cải lên trời!?
Ký ức vẫn còn đấy, nó vẫn nằm yên. Có ai đó nói rằng, giàu có chưa hẳn là sống trên một đống tiền mà con người giàu có là con người có nhiều ký ức. Và ký ức không bao giờ ngủ, nó chỉ mơ màng như thể ở đâu đó.
Chiều nay tôi dọn góc vườn. Vãi một vạt cải bên triền đồi. Hy vọng rằng nó sẽ thắp lên một màu vàng của ký ức.
Nguyên Lê