Thứ Năm, 10/03/2016 13:55

Mưa qua mùa trung thu

Gần như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp rằm tháng tám âm lịch, trời Huế cứ mưa dầm. Tiếng mưa hòa cùng tiếng trống lân vẫn giục giã vọng lại từ phố xa phố gần.

Những đoàn lân lớn chạy xe tải đi múa theo "hợp đồng" thì thời tiết thế nào cũng múa. Đây là những đoàn lân mang tính biểu diễn của người lớn. Nhìn họ biểu diễn thấy rất hấp dẫn nhưng thú thực là nó thiếu đi nét hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ nên xem chỉ một vài lần là thấy bão hòa rồi...

Tôi vẫn thích hơn mấy đội lân nhỏ ở các khu phố. Các em đi bộ hoặc đôi khi nhờ một bác xích lô chở đi múa trong khu phố của mình rồi loanh quanh ở những khu vực gần nơi các em ở. Các em múa không dẻo, tiếng trống lại không vang nhưng nhìn lại thích bởi những nét tinh nghịch của trẻ thơ thể hiện qua từng động tác nhảy lân hay ông địa phe phẩy chiếc quạt, xoa xoa cái bụng tròn mà người lớn đôi khi không thể làm được...

Nhưng trời mưa thì thấy thương cho mấy đội lân nhỏ của mấy đứa trẻ. Nhớ năm ngoái, bà xã của tôi là một giáo viên cấp 2 ở một trường trong thành phố kể: Có mấy em học sinh xin với cô chủ nhiệm là trung thu ni sẽ về nhà cô múa lân và mấy em hứa nếu cô đồng ý thì sẽ chăm học hơn. Thế mà đến chiều 13 tháng 8, bà xã đi dạy về trong mưa nói mấy đứa học sinh trong lớp buồn lắm vì đã góp tiền mua đầu lân rồi áo quần, trống, mặt nạ ông địa rồi mà trời lại mưa không biết có kịp tạnh trong 2 đêm tới để đi múa lân không.

Tuổi thơ của tôi không nhớ có bao mùa trung thu có trăng sáng và mấy trung thu phải tiu nghỉu ngồi nhà vì mưa. Chỉ nhớ là có một mùa trung thu mô đó, trời chợt mưa rồi chợt tạnh. Đêm trung thu mà ông trăng cứ chập chờn, cứ chạy ra đường xem trăng rồi phải chạy vô bụi cây núp mưa nên tôi và bè bạn cùng trang lứa ngày nào ở quê nhớ mãi không quên.

Cũng như nhớ cứ đến mùa trung thu là rủ nhau lên lùm cây sát độn cát chặt cây mung (lồ ô) làm cây đèn đuốc, quấn vải đổ dầu hỏa vô thắp sáng đường làng kéo nhau về sân trường nhận kẹo. Mà trung thu của tuổi thơ tôi không biết múa lân là chi, không nghe được tiếng trống và cũng chưa biết hương vị của chiếc bánh trung thu; chỉ biết câu hát "thùng thùng thình thình trông rộn ràng ngoài đình - có con sư tử vui múa quanh vòng quanh" được cô bạn lớp phó văn thể mỹ bắt lên hát vào những buổi học từ đầu tháng tám.

Rồi khi lớn lên xa quê, nghe kể chú Trọi ở xóm cũ của tôi thành lập một đoàn lân đi múa khắp làng từ khoảng mồng 10 đến hết tháng tám âm lịch. Múa từ chiều đến rạng sáng mà vẫn không  đi hết tất cả các nhà trong làng. May cho chú Trọi và đội lân là năm đó trời không mưa. Cũng từ đó quê tôi bắt đầu có những đoàn múa lân của mấy đứa học trò và tất nhiên là cả đèn ông sao nữa, mỗi đứa mỗi chiếc, rợp cả sân trường chứ không hiếm hoi như ngày xưa của tôi...

Phi Tân

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An trú trong mưa Huế
An trú trong mưa Huế

Những âm thanh thánh thót của tiếng đàn piano rơi lưng chừng trong tâm tưởng tôi.

Chiều Đông
Chiều Đông

Chiều xuống nhanh. Mạ tôi sai: “Mấy đứa con nghỉ chơi ra đụn rơm lôi cho mạ đầy hai trác rơm hí!”.

Mưa cường suất lớn, sạt lở nhiều nơi
Mưa cường suất lớn, sạt lở nhiều nơi

Mưa cường suất lớn, tập trung cộng với địa hình vùng núi phức tạp đã làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nguy cơ cơ sạt lở trên các tuyến giao thông cao tốc, tỉnh lộ và đường lâm sinh và khu dân cư ở các địa phương như Nam Đông, Phú Lộc, A Lưới.

Gió mùa ở Nam Á đang trở nên khắc nghiệt hơn
Gió mùa ở Nam Á đang trở nên khắc nghiệt hơn

Tờ The Straits Times ngày hôm nay (10/10) đưa tin, hiện nay, trên khắp khu vực Nam Á, biến đổi khí hậu đang làm cho gió mùa trở nên thất thường hơn và thậm chí nguy hiểm hơn.

Vệ sinh môi trường sau bão Noru
Vệ sinh môi trường sau bão Noru

Bão Noru đổ bộ kèm theo mưa lớn không gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương. Sau khi cơn bão đi qua, các đơn vị, ngành chức năng, người dân nhanh chóng bắt tay dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định cuộc sống.