Thứ Năm, 20/12/2018 14:24

Mùa ươi dưới chân thác Đỗ Quyên

Tháng 6, những cánh rừng ươi Bạch Mã thấp thoáng ánh vàng dưới chân thác Đỗ Quyên. Cả một khoảnh rừng nằm bên tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan (đi qua địa bàn huyện Nam Đông) rực rỡ hoa ươi và chuẩn bị kết trái cũng là lúc những dấu chân kiểm lâm in hằn vất vả lên phía rừng già!

Gian nan cuộc chiến bảo vệ rừngThả về rừng một con rùa núi viền

Mùa ươi nở rộ ở Vườn Quốc gia Bạch Mã

Ươi “đột biến”

“Đã lâu lắm rồi mới có một mùa ươi “rộ” hoa và trái như thế. Ở góc độ nào đó, cây ươi tốt cũng do công tác bảo tồn, bảo vệ nhưng ươi tốt thì kiểm lâm cũng… khổ lắm”, anh Trần Châu Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng (Hạt Kiểm lâm Bạch Mã) bộc bạch với tôi khi nhắc đến rừng ươi “đột biến” năm nay.

Ươi là loài cây vượt tán, phân bố ở hầu hết các khu vực núi thấp. Cây ươi có chu kỳ cho hoa và trái khoảng 4 năm một lần. Ở rừng Bạch Mã, mùa ươi rộ nhất là vào năm 2014, nhưng so với năm nay (2021), mùa ươi không chỉ đến sớm hơn một năm mà còn “đột biến” về số lượng cây ra hoa, sai trái. Có những cây ươi chỉ tầm 3-4m cũng ra hoa và cho quả, nằm phân bố gần khu dân cư nên công tác bảo vệ càng chú trọng hơn.

Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan “xuyên” rừng quốc gia Bạch Mã vô hình trung phân tách những cánh rừng ươi dưới chân thác Đỗ Quyên. Cây ươi phân bố dày đặc bên đường, sát các cửa rừng và đi qua địa bàn các xã Thượng Nhật, Hương Phú, Hương Lộc, Thượng Lộ (Nam Đông).

Thành quả tuần tra, bảo vệ rừng là giữ được cây cổ thụ

Dự báo mùa ươi chín bắt đầu từ giữa tháng 6 đến hết tháng 7 năm nay. Do quả ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát, có giá trị kinh tế và rất được thị trường ưa chuộng nên việc thu hái quả của loài cây này đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Những năm qua, phương thức khai thác quả ươi của người dân chủ yếu là chặt hạ cây ươi còn sống để lấy quả. Phương thức này mang tính hủy diệt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.

Có bận, được theo chân anh em kiểm lâm VQG Bạch Mã vào khu vực khe Mỏ Rang, nhìn những cánh rừng ươi đang rộ dưới chân thác Đỗ Quyên, anh Trần Châu Long bảo rằng, thời điểm hiện tại có 95% diện tích cây ươi của vườn nở rộ. Với mùa ươi rộ như năm nay, lực lượng kiểm của Vườn phải lên kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng sớm và tăng cường lực lượng chốt chặn 100% kể cả những ngày nghỉ.

Cây ươi phân bố gần khu dân cư, nơi có tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua vùng lõi của VQG Bạch Mã nên vô hình trung tạo thuận lợi giao thông cho những đối tượng tham gia khai thác ươi.

Mặt khác, đây là khu vực có nhiều cửa rừng, đường mòn lối mở, vào mùa ươi, khi đầu nậu đẩy giá thu mua lên cao (từ 200-300 nghìn đồng/kg, khi đột biến có thể lên đến 500 nghìn đồng/kg quả ươi khô), thấy lợi nhuận lớn, người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số tham gia khai thác cây ươi rất nhiều.

Rừng tốt kiểm lâm… "khổ"

Anh Trần Đình Huy, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Bạch Mã cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thu hái lâm sản ngoài gỗ nói chung và quả ươi nói riêng trong rừng đặc dụng là không được phép. Do đó, việc xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ cây ươi là biện pháp cấp bách trong tình hình thực tế hiện nay nhằm quản lý và bảo vệ cây ươi trên địa bàn VQG Bạch Mã.

Ăn vội bát cơm nơi bìa rừng

Đơn vị đã lên kế hoạch bố trí các chốt, điểm trạm kiểm lâm tại các xã, vùng xung yếu Thượng Nhật, Thượng Lộ (Nam Đông), Lộc Hòa (Phú Lộc) và Đông Giang (Quảng Nam) với 12-19 kiểm lâm viên mỗi trạm. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an, xử lý những đối tượng khai thác cây ươi trái phép. Đặc biệt, tại khu vực thuộc diện tích của vườn, các chốt kiểm lâm ở 4 lòng hồ thủy điện phải tăng cường lực lượng 100% tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng ươi, kể cả những ngày nghỉ.

Mùa ươi rộ cũng là lúc những dấu chân kiểm lâm viên lại vất vả in hằn trên những cánh rừng già. Được ngồi trò chuyện, đi thực tế tại những cánh rừng ươi ven tuyến cao tốc, mới thấy hết những khó khăn mà lực lượng kiểm lâm đang đối diện cùng những gian nguy khi thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Nhắc lại chuyện cũ, kiểm lâm viên Võ Trường Sơn - người đi cùng bảo rằng, tuần rừng luôn đối diện với hiểm nguy nên mỗi bước chân anh em trên phiến đá, gò đất đều phải cẩn thận.

Có lần, cuối năm 2020, kiểm lâm viên Lê Anh Hữu (Trạm Kiểm lâm Mỏ Rang thuộc địa bàn xã Hương Lộc), trong một lần tuần tra đêm cùng 3 kiểm lâm khác đã bị đá lăn trên sườn núi đè gãy chân.

Một mặt anh em sơ cứu vết thương, thông tin cấp báo về đơn vị để tăng cường lực lượng lên hỗ trợ. Sử dụng võng, cáng để đưa anh Hữu về chữa trị. Tuyến đường về rất gian nan, vất vả, đi qua nhiều khe suối với những ghềnh thác, đá mồ côi lớn. Có đoạn, phải bỏ võng để cõng vì không đi được. Sau 10 giờ đồng hồ kiên trì băng núi, vượt thác, đúng 3 giờ sáng hôm sau, nhóm kiểm lâm viên đã đưa anh Hữu về trạm an toàn.

Câu chuyện các kiểm lâm viên bảo vệ rừng không chỉ trong mùa ươi, mà nó còn thường trực hàng ngày trên những cánh rừng già bởi lực lượng tại các trạm khá mỏng, trong khi phải “căng mắt” ra bảo vệ toàn bộ diện tích gần 40.000 ha rừng toàn vườn.

Những tai nạn trong chuyến tuần tra rừng đôi lúc không đơn thuần là nhiệm vụ nữa mà nó còn làm một “bản nghiệm thu” cho tình đồng chí, đồng đội, hỗ trợ lẫn nhau.

Đầu năm 2021 trong một lần tuần tra, dựng trại tại tiểu khu 43 khe Mệ, cơn mưa rừng cùng trận lũ quét đã cuốn phăng nhiều lán trại vừa dựng của anh em kiểm lâm nhưng rất may không thiệt hại về người.

Hay câu chuyện về những anh em kiểm lâm viên Võ Trường Sơn, Trương Quốc Bảo ngồi “đấu lưng” để giữ nhiệt cho nhau, ăn nắm cơm vội trong cơn mưa rừng xối xả khi chưa dựng xong lán trại…

Chung tay bảo vệ

Anh Trần Châu Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Bạch Mã khẳng định, nhờ công tác nắm chắc tình hình địa bàn nên ngay từ đầu tháng 4/2021, Hạt Kiểm lâm Bạch Mã đã triển khai công tác khảo sát vùng có cây ươi đang ra hoa kết quả để xây dựng kế hoạch bảo vệ.

Đơn vị phối hợp với các Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc, Nam Đông; các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không được vào rừng thu hái quả ươi. Phối hợp với các ban quản lý rừng phòng hộ Đông Giang, Nam Đông; rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa; khu bảo tồn Sao La Quảng Nam và Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa để hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ thông tin, tổ chức tuyên truyền bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh.

Trong đó, tất cả các trạm kiểm lâm phải tăng cường tuần tra thường xuyên ở các khu vực giáp ranh để nắm bắt thông tin, tuần tra kiểm soát tại các khu rừng trọng điểm có cây ươi đang cho quả để bảo vệ tận gốc cho đến hết mùa ươi.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã  khẳng định, đối với các trạm kiểm lâm trực thuộc Hạt Kiểm lâm Bạch Mã cần chủ động nắm thông tin, thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát tại các địa bàn có phân bố cây ươi nhằm ngăn chặn, xử lý; nếu vụ việc vượt tầm kiểm soát, báo cáo kịp thời về hạt để có hướng xử lý kịp thời.

Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thời gian qua, VQG Bạch Mã đã sử dụng công cụ Smart Mobile, Smart Connect, Smart Online và áp dụng WebGis cho hoạt động tuần tra bảo vệ rừng nhằm dễ dàng theo dõi lộ trình tuyến tuần tra, tra cứu bản đồ; đồng thời giúp quản lý dữ liệu một cách thông minh, nhanh chóng, chính xác, minh bạch và hiệu quả.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng hành “Giữ lại dấu chân Sao la”
Đồng hành “Giữ lại dấu chân Sao la”

Sao la được mệnh danh “Kỳ lân châu Á” – một trong những loài thú quý hiếm từng xuất hiện nhiều nơi ở Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế. Từ khi phát hiện đến nay, việc bảo tồn Sao la đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mới đây, Google phối hợp cùng WWF-Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam đã phát động chương trình “Giữ lại dấu chân Sao la”.

Khám phá thác Đỗ Quyên
Khám phá thác Đỗ Quyên

Thác Đỗ Quyên là ngọn thác nổi tiếng của núi rừng Bạch Mã. Thác nước đổ theo một vách đá dựng đứng, cao ước chừng 300m.

Thả về rừng một con rùa núi viền
Thả về rừng một con rùa núi viền

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (CHBT&PTSV) VQG Bạch Mã vừa tiếp nhận và thả về rừng một chú rùa núi viền (Manouria impressa Gunther, 1882) từ anh Lê Văn Mạnh trú tại TP. Huế - tình nguyện viên chương trình Bảo tồn rùa châu Á bàn giao.