Thứ Sáu, 13/12/2019 06:45

Mũi 4 - “lá chắn” bảo vệ liên tục trước COVID-19

Dịch COVID-19 có phần “hạ nhiệt” khiến nhiều người chủ quan với các mũi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 1 (mũi 3) và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Dịch COVID-19 vẫn đang là đại dịch trên toàn cầu. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động liên hệ với các đơn vị tiêm chủng khi có thông báo để tiêm các mũi nhắc lại, nhằm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể trước vi-rút SARS-CoV-2.

'Hộ chiếu' vắcxin COVID-19 của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tếThủ tướng: Tổ chức tiêm vắcxin ngừa COVID-19 kịp thời hơn nữa

PGS. TS Trần Kiêm Hảo

PGS. TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tính đến cuối tuần qua, toàn tỉnh thực hiện tiêm chủng vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 100% mũi 1; 99% mũi 2; 51% mũi 3 và 1,5% mũi 4. Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1 đạt 100% (chưa tính trẻ đến từ địa phương khác), mũi 2 đạt 99%. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt 34% và mũi 2 đạt 1,3%. Hiện tại, ngành y tế đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng cho các nhóm tuổi, đặc biệt là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và nhóm người trên 50 tuổi, nhóm nguy cơ cao nhiễm COVID-19 và nhóm người có tình trạng giảm miễn dịch.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm mũi 4 của Thừa Thiên Huế còn thấp, theo ông vì những lý do gì? 

Theo tôi, nguyên nhân ở đây có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó, khách quan là do tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 khá cao, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng lắng xuống, chủng Omicron gây ra triệu chứng có phần nhẹ hơn trước… Từ đó, gây ra tâm lý chủ quan trong người dân. Chính những yếu tố này khiến cho việc thực hiện tiêm mũi 4 gặp nhiều khó khăn. Theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế tiếp tục triển khai đồng loạt các hoạt động tiêm chủng để tăng tỷ lệ người dân tiêm các mũi nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp từ người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Lợi ích của liều vắc-xin cơ bản phòng COVID-19 thì nhiều người đã rõ. Các mũi nhắc lại hỗ trợ tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể như thế nào, thưa ông?

Hiệu quả bảo vệ của các loại vắc-xin phòng COVID-19 đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 78-94% tùy loại. Tuy nhiên, kháng thể được sinh ra từ việc tiêm vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian, đặc biệt đối với người từ 50 tuổi trở lên hoặc người suy giảm miễn dịch. Sau khi tiêm 2 mũi cơ bản thì khả năng bảo vệ là trên 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) hết sức cần thiết nhằm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Mặc dù người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 có thể nhiễm hoặc tái nhiễm COVID-19, nhưng khi tiêm đủ các mũi nhắc lại, cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại SARS-CoV-2 thì người nhiễm có thể giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong, nhất là trước những biến thể nguy hiểm.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn được dự báo diễn biến khó lường, WHO và các quốc gia nhận định dịch chưa thể kiểm soát được trước năm 2023, đặc biệt là biến chủng mới Omicron và các biến chủng khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được. Do vậy, việc người dân chủ động tiêm vắc-xin nhắc lại mũi 2 hết sức quan trọng, nhằm tiếp tục tạo ra miễn dịch hiệu lực hơn và kéo dài thời gian khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Nhiều người nghĩ rằng, một lần nhiễm COVID-19 có thể được coi là một liều vắc-xin bổ sung rồi. Ông nghĩ như thế nào về điều đó?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ngay cả khi đã mắc COVID-19, chúng ta cũng nên tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Tiêm phòng ngay cả khi đã mắc COVID-19 có nghĩa là có nhiều khả năng được bảo vệ lâu hơn. Dưới góc độ khoa học, theo thời gian hiệu quả của liều vắc-xin sẽ giảm dần. Do vậy, chúng ta đặt ra vấn đề tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4, thậm chí các mũi tiếp theo nữa để tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), thì 3 - 6 tháng khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm nhiều, nên cần thiết tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4). Sau khi tiêm được mũi 4, thì khả năng miễn dịch của cơ thể tiếp tục nâng lên. Nếu có tái nhiễm, thì người bệnh tránh được những triệu chứng nặng phải nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa tử vong do COVID-19. Do vậy, người dân cần chủ động, tự giác đến các đơn vị tiêm chủng để tiêm mũi 4 vắc-xin phòng COVID-19 ngay khi có thông báo.

Đến nay, gần 20 quốc gia trên thế giới có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nhắc lần 2 (mũi 4). Hầu hết các nước đều tiến hành trong thời gian chủng Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu và đều đánh giá mũi 4 vắc-xin phòng COVID-19 là có hiệu quả.

Lưu đồ về các mũi tiêm vắc-xin phòng COVID-19

Trong tình hình hiện nay, những nhóm đối tượng nào cần tiêm nhắc lại mũi 2 vắc-xin phòng COVID-19?

Theo Bộ Y tế, vắc-xin phòng COVID-19 vẫn chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Chỉ đạo về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4), Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể tiêm gồm các nhóm đối tượng, gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19… Vắc-xin sử dụng là vắc-xin của hãng Pfizer, Moderna hoặc do Astra Zeneca sản xuất, cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), cách mũi 3 ít nhất 4 tháng và hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.

Nâng tỷ lệ người dân tham gia tiêm mũi 4, ngành y tế đã thực hiện những biện pháp nào để tăng tốc, thưa ông?

Hiện nay, việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) được ngành y tế tổ chức triển khai tại điểm tiêm trên toàn tỉnh: điểm tiêm thường xuyên tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế 9 huyện, thị xã và thành phố Huế, các trạm y tế và điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, khu công nghiệp... Cùng với việc phân bổ lượng vắc-xin theo tỷ lệ tiêm mũi 2, mũi 3 thực tế của các địa phương, Sở thành lập 3 đoàn công tác về cơ sở để kiểm tra tình hình tiêm chủng. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc ở các địa phương để kịp thời kiến nghị giải pháp khắc phục.

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phần thưởng quý giá
Phần thưởng quý giá

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển năm 2022 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng bằng khen trong thực hiện chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Đó là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân.

Bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước
Bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước

Khu vực đất ngập nước ở Thừa Thiên Huế có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng, giá trị quan trọng trong nền kinh tế và đời sống. Bảo tồn, phát triển các vùng đất ngập nước đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, địa phương.