Thứ Năm, 10/05/2018 13:30

“MyAladdinz”, nhiều rủi ro tiềm ẩn

Thời gian gần đây, hoạt động của ứng dụng MyAladdinz có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật do hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đưa ra những lợi ích phi lý khi sử dụng ứng dụng.

Sửa quy định xử phạt vi phạm trong bán hàng đa cấpHạn chế tối đa gian lận bán hàng đa cấp

Người tham gia ứng dụng MyAladdinz sẽ gặp nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động

Thực tế hoạt động này đã huy động số lượng lớn người tham gia trên phạm vi cả nước cũng như tại địa bàn tỉnh và những người tham gia đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Hoạt động theo mô hình đa cấp

Những người phát triển ứng dụng MyAladdinz tại Việt Nam giới thiệu đây là sản phẩm của tập đoàn Success Resources (Singapore). Ứng dụng (app) MyAladdinz được xây dựng và phát triển như một sàn thương mại điện tử với tiện ích mua sắm hoàn tiền lên tới 80%. Những người tham gia MyAladdinz dùng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để lôi kéo, huy động số đông người tham gia đăng ký mở tài khoản, nộp tiền vào ứng dụng MyAladdinz.

Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng sẽ được hưởng hoa hồng theo các cấp trong bậc thang 15 tầng (từ F1 đến F15). Cụ thể, ứng dụng MyAladdinz, có thể dùng trên các thiết bị di động chạy hệ điều hành Android hoặc iOS, cung cấp một nền tảng cho phép các chủ gian hàng (người bán) và khách hàng (người mua) kết nối với nhau, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ bằng hệ thống Gem (viên Ngọc) và điểm thưởng (Point). Đồng Gem và điểm thưởng trên hệ thống App này chủ yếu được sử dụng để mua các sản phẩm và dịch vụ từ các thương nhân trên hệ thống của MyAladdinz.

Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản, khách hàng có thể nạp Gem (1 Gem = 1 USD) vào tài khoản (tối thiểu lần đầu phải nạp là 100 USD, tương đương với 100 Gem). Các đối tượng quảng bá người dùng còn có thể sử dụng đồng Gem để thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe... Trong tương lai (quy đổi bằng điểm Point trên hệ thống) khi thực hiện 1 giao dịch; thanh toán càng nhiều dịch vụ trên App thì càng được hoàn trả nhiều điểm Point. Dựa trên số điểm tích lũy của mỗi khách hàng, hệ thống hứa hẹn mỗi ngày, người tham gia đăng nhập app sẽ được cộng quy đổi 0,2% điểm Point thành đồng Gem, để từ đó tiếp tục mua sắm, giao dịch sản phẩm trên App.

Ngoài ra, App này còn kêu gọi người tham gia giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống để được hưởng hoa hồng. Cụ thể, nếu kêu gọi được 1 người tham gia vào app MyAladdinz, thì App sẽ trả cho người giới thiệu (gọi là F1) 80% số Gem người sau đóng tham gia hệ thống. Người tham gia cũng có thể giới thiệu cửa hàng vào bán hàng trên hệ thống.

Vi phạm pháp luật và nhiều rủi ro

Từ những biểu biệu trên, Công an tỉnh khuyến cáo người tham gia  ứng dụng MyAladdinz sẽ gặp phải rất nhiều nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn: Ứng dụng MyAladdinz chỉ là một sản phẩm được phát hành cho điện thoại thông minh, không có pháp nhân, đại diện thương mại, người đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Bản chất của các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng MyAladdinz tại Việt Nam thực hiện việc huy động vốn, trả lãi theo ngày (0,2%/ ngày) bằng điểm trên ứng dụng, rút được tiền mặt ra hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tượng; hoạt động kinh doanh, phát triển mạng lưới người tham gia theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi không thu hút được nhà đầu tư mới, có thể bị đối tượng đánh sập ứng dụng, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đã nạp.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương đã xác định: Hiện chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên MyAladdinz gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên MyAladdinz được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp.

Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Đối với hoạt động của ứng dụng MyAladdinz, lực lượng Công an toàn tỉnh sẽ căn cứ quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP, ngày 12/3/2018 của Chính phủ về “Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”; Nghị định 141/2018/NĐ-CP, ngày 08/10/208 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” và quy định tại điều 217a, 290, Bộ luật Hình sự, để có phương án xử lý vi phạm của các trường hợp có liên quan.

Bài, ảnh: Hà Tâm

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị
Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị

Với mục tiêu đưa công tác quản lý đô thị (QLĐT) ngày càng đi vào kỷ cương, nề nếp, Đội QLĐT TP. Huế đã thành lập Tổ Quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) và triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn.

Ứng dụng Chitosan oligosaccharide phục vụ chăn nuôi gà
Ứng dụng Chitosan oligosaccharide phục vụ chăn nuôi gà

Đó mục tiêu của dự án (DA) khoa học "Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng Chitosan oligosaccharide (COS) phục vụ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế" được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành lập hội đồng nghiệm thu vào sáng 7/1.

Kích hoạt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử trong thông báo lưu trú tại Bệnh viện Trung ương Huế
Kích hoạt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử trong thông báo lưu trú tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 27/12, Công an tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức Hội nghị tuyên truyền, sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID) trong thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến đối với bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện.