Thứ Sáu, 12/10/2018 07:45

Nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên: Cơ hội để bứt phá

Hướng đến trở thành Đại học (ĐH) Quốc gia, ĐH Huế đang từng bước nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên (SV).

Lấy chất lượng làm thước đo thương hiệu đào tạo

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm tham gia ngày hội việc làm

Nâng chuẩn là xu thế

Gặp gỡ nhiều doanh nghiệp trong các ngày hội tuyển dụng tại các trường ĐH, một trong những yêu cầu được nhà tuyển dụng quan tâm là yếu tố ngoại ngữ. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, đại diện một doanh nghiệp về công nghệ chế biến thực phẩm chia sẻ: “Trong xu thế của thời đại, yêu cầu của doanh nghiệp về ngoại ngữ ngày càng lớn, không chỉ là tiếng Anh giao tiếp căn bản mà nhiều trường hợp còn cần cả tiếng Anh chuyên ngành”.

Sau giai đoạn áp dụng chuẩn ngoại ngữ bậc A2 (theo khung năng lực 6 bậc), từ khóa tuyển sinh 2014 (ra trường năm 2018), ĐH Huế bắt đầu áp dụng đầu ra chuẩn ngoại ngữ B1. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế thừa nhận, dù khóa đầu tiên áp dụng chuẩn đầu ra B1 chất lượng chưa tốt, do các trường chưa có sự quan tâm đúng mức, đặc biệt là nhận thức của SV chưa tốt nên kết quả không cao. Tuy nhiên, những khóa sau các trường đã chú trọng quán triệt cho SV chú trọng học ngoại ngữ và SV nghiêm túc hơn, tỷ lệ toàn ĐH Huế tốt nghiệp đúng thời hạn (đợt 1) về mặt ngoại ngữ không chuyên là 70 – 75% và dần tăng lên.

Chuẩn ngoại ngữ B1 đang được nhiều trường ĐH trong cả nước áp dụng. Song, trước xu thế hội nhập quốc tế, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và ĐH Huế đang hướng đến phát triển thành ĐH Quốc gia, việc nâng chuẩn ngoại ngữ trở thành xu hướng tất yếu. Tại các ngày hội việc làm từ năm 2020 đến nay, xuất hiện nhiều hơn những cơ hội việc làm ở vị trí quản lý, thậm chí doanh nghiệp tuyển cả giám đốc nhà máy. Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội, SV được đòi hỏi nhiều về kiến thức, kỹ năng và cả ngoại ngữ.

Nâng chuẩn ngoại ngữ cũng đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong tiến trình phát triển của các trường ĐH. Tháng 10/2019, đề án đào tạo tiếng Anh Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) công bố cho thấy, SV đại trà khối không chuyên ngữ có thể đăng ký học tiếng Anh tăng cường (6 tín chỉ) và 5 học phần tiếng Anh từ cơ bản đến định hướng chuẩn đầu ra (30 tín chỉ) ở trường nhằm mục tiêu đạt tối thiểu mức B2 theo khung tham chiếu châu Âu, tương đương IELTS 5.5. Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thời điểm đó cũng đặt tiêu chuẩn tiếng Anh đầu ra là TOEIC 500…

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, ĐH Huế cũng đang nghiên cứu, tính toán các phương án để từng bước nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho SV đáp ứng chuẩn B2 hay IELTS, TOEIC tương đương. “Trở thành ĐH Quốc gia thì SV cũng phải xứng tầm, ra trường đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng, sử dụng được tiếng Anh phục vụ công việc chứ không chỉ giao tiếp”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương khẳng định.

Đầu vào tốt, đầu ra sẽ tốt hơn

Hạn chế từ việc ngoại ngữ của học sinh ở bậc phổ thông đã khiến các em lên học ĐH gặp khó khi chưa đạt chuẩn theo đúng yêu cầu (học xong THPT đạt A2). Vì thế, tình trạng một số SV khó khăn trong việc “nợ” chứng chỉ ngoại ngữ để ra trường là điều khó tránh khỏi. Song, không vì thế mà có thể bỏ qua hay chậm nâng chuẩn ngoại ngữ. Điều quan trọng, phải xây dựng được lộ trình và từng bước nâng chuẩn hợp lý.

Công văn 955/BGDĐT-ĐANN của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 11/3/2021) về việc hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và đề xuất kế hoạch triển khai tại đơn vị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện, xây dựng và ban hành các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành đào tạo (ưu tiên các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN)…

Để phát huy thương hiệu đào tạo cũng như giúp người học khi ra trường hội nhập với thị trường lao động đầy tính cạnh tranh, ĐH Huế cần xây dựng lộ trình cụ thể nâng chuẩn ngoại ngữ với từng giai đoạn và từng nhóm ngành nghề, đơn vị. Trong đó, cần chú trọng đến cả ngoại ngữ chuyên ngành.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, hiện nay chủ yếu đang đào tạo ngoại ngữ giao tiếp, một số đơn vị có tiếng Anh chuyên ngành nhưng ở một số ngành, chưa mang tính chất đại trà. Thời gian tới, ĐH Huế sẽ có các chính sách lớn, thay đổi phương pháp và cách học của SV để hướng đến tạo ra đầu tốt hơn cho SV không chỉ về chuyên môn mà còn ở ngoại ngữ. Đặc biệt, sẽ tính toán đến những giải pháp kết hợp đào tạo giữa ngoại ngữ với các trường để thúc đẩy mạnh hơn ngoại ngữ chuyên ngành.

Trong phương án tuyển sinh 2021, nhiều cơ sở đào tạo của ĐH Huế đang khuyến khích đầu vào ngoại ngữ tốt. Điển hình như với Trường ĐH Luật, trong phương thức xét tuyển riêng, một trong những tiêu chí ưu tiên là có học lực loại khá trở lên trong cả 3 năm học THPT và có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng điều kiện như tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên… Đầu vào tốt, sẽ thúc đẩy đầu ra ngoại ngữ tốt hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn
Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn

Tranh cổ động kỷ niệm ngày thành lập Đảng, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp hay tranh chân dung về các vị lãnh tụ... vốn là đề tài không dễ với những người còn non tuổi nghề như sinh viên. Bằng cảm nhận, niềm tin với Đảng, Bác Hồ và tri ân những người có công với đất nước, nhiều sinh viên khối ngành nghệ thuật đã đặt được trọn cảm xúc với những đề tài mỹ thuật lớn.

Sinh viên ra trường làm việc trái ngành Muôn vàn lý do
Sinh viên ra trường làm việc trái ngành: Muôn vàn lý do

Học một ngành, làm một ngành là thực tế không xa lạ với nhiều sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp. Thực trạng trên đặt ra câu hỏi: “Lãng phí 4-5 năm học đại học (ĐH), có phải do lỗi từ công tác hướng nghiệp?”.

Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT
Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT

Sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành giáo dục, trong đó nỗi lo ở bậc đại học (ĐH) là ảnh hưởng vấn đề “liêm chính học thuật”. Song, trước xu thế của thời đại, việc chủ động đón nhận và định hướng người học tiếp cận các giá trị tích cực mà ChatGPT là điều nên làm.