Thứ Sáu, 05/01/2018 07:23

Nếu chuẩn bị tốt, sẽ sớm đào tạo cao học online

Trong khi ở bậc đại học (ĐH), nhiều cơ sở đào tạo đã triển khai đào tạo trực tuyến thì ở bậc cao học, đào tạo qua online vẫn còn khá lạ lẫm. Đây là rào cản cho những học viên ở xa, đã đi làm.

Khẳng định vị thế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế tiết lộ, mong muốn của học viên sẽ được đáp ứng trong thời gian tới khi ĐH Huế và các trường đang quyết liệt trong việc đa dạng hóa phương thức đào tạo.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế​

Theo TS. Nguyễn Công Hào, hình thức đào tạo cao học online mang lại thuận lợi cho người học vì có thể học bất cứ nơi đâu và lúc nào. Tuy nhiên, dù bất cứ phương thức nào, bước chuẩn bị đều phải làm rất kỹ và vai trò của người học phải được đặt lên hàng đầu.

TS. có thể nói kỹ hơn về thời gian và phạm vi ngành nghề đối với hình thức đào tạo cao học online của ĐH Huế?

Vừa qua, ĐH Huế đã có Quyết định số 459/QĐ-ĐHH (ngày 12/3/2020) ban hành quy định về tổ chức và quản lý đào tạo qua mạng và Hướng dẫn số 828/HD-ĐHH (ngày 9/6/2020) về xây dựng và tổ chức khóa học E-Learning. Đó là cơ sở để các trường thành viên xây dựng chương trình đào tạo cao học online. Trong đợt họp hội đồng tuyển sinh vừa qua, Giám đốc Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế đề nghị các đơn vị trường tăng cường đào tạo theo hình thức trực tuyến đối với các học phần đủ điều kiện.

Thực ra, ĐH Huế trước đây chưa đào tạo cao học trực tuyến mà chỉ đào tạo trực tiếp. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, có bắt đầu thử nghiệm một số học phần nhưng đó là giải pháp trong bối cảnh dịch chứ không nằm trong kế hoạch. Hiện, hành lang pháp lý và những vấn đề liên quan đã có, còn vấn đề thời gian đào tạo phụ thuộc các trường. Nếu các trường làm nhanh thì ngay trong năm học tới có thể áp dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, cần sự chuẩn bị kỹ về mặt con người, cơ sở vật chất, bài giảng và nhiều yếu tố khác.

Thí sinh dự thi kỳ thi cao học của ĐH Huế năm 2020

Về mặt quy mô, không thể đào tạo 100% online. Khối ngành, lĩnh vực khoa học xã hội thì thuận lợi, nhưng cũng có những lĩnh vực quá đặc thù như y dược, kỹ thuật thì chỉ có thể đào tạo trực tuyến những học phần lý thuyết, các học phần lâm sàng, thực hành rất khó. Xây dựng chương trình đào tạo online nhưng phải dựa trên thực tế để đảm bảo chất lượng.

Nhiều cơ sở đào tạo ĐH tại Huế chưa từng đào tạo online bậc cao học. Điều đó có dẫn đến khó khăn khi đào tạo thực tế?

ĐH Huế chưa đào tạo cao học online một cách chính thức (đào tạo một số học phần trong COVID-19 chưa nằm trong kế hoạch). Đào tạo bài bản thì phải có kế hoạch, thông báo cho học viên công khai để họ biết và chuẩn bị.

Trong đào tạo online, điều quan trọng nhất hiện nay là chuyển từ bài giảng soạn truyền thống sang bài giảng trực tuyến và giảng viên phải tương tác học viên nhiều hơn. Các trường phải chuẩn bị hệ thống, phần mềm và đường truyền tốt, học liệu mở. Vất vả nhất là giai đoạn đầu, chuyển từ học liệu trực tiếp sang trực tuyến. Quá trình dạy đòi hỏi giảng viên phải tương tác. Nếu các yếu tố trên đáp ứng thì sẽ tổ chức tốt.

Bối cảnh dịch vừa qua, nhiều trường đã triển khai đào tạo trực tuyến ở bậc ĐH và rút ra nhiều kinh nghiệm. Điều ấy cũng sẽ phần nào giúp ích khi triển khai đào tạo online ở bậc cao học.

So với bậc ĐH, học viên cao học có nhiều điểm khác. Sự khác biệt đó cần có những thay đổi nào trong kế hoạch đào tạo, thưa TS?

Về bản chất, điểm giống nhau trong đào tạo ĐH và cao học online là đều phải chuyển học liệu trực tiếp sang trực tuyến, giảng viên phải tương tác nhiều hơn với người học.

Tuy nhiên, điểm khác là sinh viên có thể học tập trung trong một số khung giờ nhưng cao học có thể mở nhiều khung giờ. Mục đích của cao học online là hướng tới sự tối ưu và không hạn chế mặt thời gian. Vì người học chủ yếu đã đi làm, chương trình đào tạo có thể phụ thuộc vào sắp xếp của người dạy và người học. Về nguyên tắc, phải tạo được môi trường để họ học bất cứ lúc nào và ở đâu. Khi mở phương thức đào tạo online, đối với nhiều học phần, học viên không cần đến Huế để học.

Có thể tổ chức khung giờ dạy học trong ngày tùy cách xây dựng chương trình của trường và giảng viên và tùy điều kiện thực tế. Chẳng hạn, nhiều người đi làm cả ngày, có thể chọn học vào buổi tối. Đơn vị đào tạo có thể dựa vào đó để xây dựng kế hoạch, thậm chí có thể mở thêm thứ 7, chủ nhật.

Quy định thời gian đào tạo thạc sĩ 1,5 – 2 năm, phụ thuộc cách bố trí kế hoạch, thời gian học tập đảm bảo đủ khối lượng kiến thức. Nếu phân bố thời gian hợp lý, có thể rút ngắn thời gian học.

Đối tượng học cao học rất nhiều người ở ngoại tỉnh, đi làm bận rộn, điều này có ảnh hưởng đến vấn đề quản lý chất lượng?

Tại ĐH Huế, mỗi năm có khoảng 2.000 – 2.400 học viên cao học. Trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo tại các vùng Tây Nam bộ và Tây Nguyên, nhưng hiện nay ĐH Huế chú trọng đào tạo học viên các tỉnh trọng điểm miền Trung, Bắc miền Trung. Số lượng mỗi năm sẽ khác, nhưng về cơ bản đối tượng học cao học rất nhiều người đã đi làm và lượng học viên ngoại tỉnh cũng khá cao. Đương nhiên nỗi lo quản lý học viên, chất lượng dạy – học không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, nói là đào tạo online, học viên thi tại Huế, học qua mạng nhưng cũng phải có các hoạt động truyền thống: khai giảng, nhập học, gặp mặt. Đơn vị đào tạo, những người quản lý trực tiếp phải nắm, biết được thông tin học viên.

Không phải đặt ra kế hoạch là bắt đầu ngay mà cần có quá trình chuẩn bị kỹ, nhất là chuẩn bị phần mềm quản lý nội dung giảng dạy và hệ thống quản lý học liệu, đường truyền đủ tốt. Trong vấn đề đảm bảo chất lượng, tăng cường tương tác giữa thầy và trò rất quan trọng. Chẳng hạn, giảng viên theo dõi việc đưa bài lên thì theo dõi học viên có học không, đồng thời phải có hệ thống theo dõi lịch sử học, phải quản lý việc học viên có nhờ người khác học, tức là có hệ thống đủ tốt để theo dõi người học. Thực ra, trên toàn quốc, nhất là TP. Hồ Chí Minh rất nhiều trường đang đào tạo và khi họ giải quyết được vấn đề đó thì vẫn đảm bảo chất lượng.

Theo TS, các trường và người học cần quan tâm điều gì khi chương trình cao học online sắp được mở?

Theo tôi, đơn vị đào tạo phải chọn ngành phù hợp để xây dựng lại chương trình, ngoài ra phải chọn lọc một số môn, không thể toàn bộ 100%.

Thứ hai là, phải chọn giảng viên. Trên thực tế, có giảng viên sẵn sàng nhưng cũng có giảng viên chưa sẵn sàng với đào tạo trực tuyến. Phải chọn giảng viên bởi vì nếu ép buộc sẽ khó mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, nhiều giảng viên trẻ có thể thuận lợi nhưng một số giảng viên lớn tuổi còn hạn chế trong việc tương tác liên tục, ít thường xuyên trên mạng. Giảng viên mà vài ba ngày vào hệ thống thì không ổn.

Bên cạnh đó, phải có quá trình chuẩn bị, tập huấn cả về công nghệ thông tin, tập huấn soạn bài giảng online. Có quy định cụ thể, kịch bản giảng dạy, như trong 1 tiết thì clip chiếm bao nhiêu phút, cái nào cần tương tác. Ngay với người học cũng cần được tập huấn, hướng dẫn chuẩn bị kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng tương tác trên hệ thống.

Đối với đào tạo trực tuyến, người học phải chủ động hoàn toàn, xây dựng kế hoạch đảm bảo. Chẳng hạn, đi làm cả ngày về mệt không thể vào học ngay được mà cần ăn uống, nghỉ ngơi thì nên có kế hoạch hợp lý, chọn khung giờ phù hợp. Đối với bất cứ phương thức nào, học đối phó đều không hiệu quả.,

Xin cảm ơn những chia sẻ của TS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.

Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023
Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023

Chiều 15/2, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế cho biết, đã có thông báo xét tuyển ĐH hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023 dành cho sinh viên ĐH hệ chính quy đã hoàn thành năm thứ nhất trở lên tại các trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc của ĐH Huế.