Thứ Năm, 20/12/2018 06:40

Ngày dài như vô tận...

Khi thi thể các cán bộ, chiến sĩ đầu tiên gặp nạn trong lúc tiếp cận Thuỷ điện Rào Trăng 3 được đưa ra, chúng tôi – những phóng viên tác nghiệp ở khu vực ngã 3 Tỉnh lộ 11B thuộc xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) nặng lòng, bối rối. Tiếng máy ảnh tách tách trong lặng lẽ. Nhiều người dân quanh đó chứng kiến rơm rơm nước mắt. Một vài người thân của 13 cán bộ, chiến sĩ ngã quỵ. Chưa khi nào chúng tôi nghĩ rằng phải tác nghiệp trong một hoàn cảnh không mong muốn như thế, dẫu biết rằng mọi thứ đều có thể xảy ra, và nghề báo phải có mặt để thông tin đến với công chúng.

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Phóng viên các cơ quan báo chí phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tại khu vực tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3

Đó là buổi chiều 15/10/2020, hai ngày sau đêm định mệnh khi xác định được tất cả 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ tiếp cận hiện trường Thuỷ điện Rào Trăng 3 nhằm cứu nạn, cứu hộ những công nhân đang mất tích.

Lúc 14h30, trời âm u, chiếc xe cứu thương đầu tiên được xe cảnh sát hộ tống dẫn đường chạy với tốc độ nhanh từ hướng núi hun hút ra Tỉnh lộ 11B. Như một linh cảm nghề nghiệp và thông qua thẩm định các nguồn tin từ trước, chúng tôi biết đó là chiếc xe cứu thương chở thi thể đầu tiên trong số 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Trạm Kiểm lâm 67 – nơi các thành viên trong đoàn gặp nạn.

Có đông phóng viên túc trực tại khu vực ngã 3 Phong Xuân để đón nhận các thông tin mới nhất, cập nhật những hình ảnh sớm nhất có thể, cũng như liên thông với các nguồn tin, đồng nghiệp đang làm việc ở nhiều khu vực liên quan đến cuộc tìm kiếm nghẹt thở này. Ngã 3 Phong Xuân cách hiện trường Trạm Kiểm lâm 67 gần 20km, tuyến đường bộ độc đạo này khi đó cũng bị phong toả, chỉ có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mới được ra vào.

Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế (đi hàng đầu tiên) tác nghiệp tại thủy điện Rào Trăng 3

Khi chiếc xe chở thi thể đầu tiên trong đoàn 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh lao nhanh ra từ phía núi, cách ngã 3 Phong Xuân hàng trăm mét, ống kính máy quay, máy ảnh đã được nhiều đồng nghiệp ấn nút liên tục theo bản năng nghề nghiệp chờ sẵn từ trước.

Và khi chiếc xe cứu thương đầu tiên ấy còn chưa kịp về đến Bệnh viện Quân y 268, TP. Huế thì bản tin đã xuất hiện rất nhiều trên các tờ báo điện tử khiến bạn đọc cả nước xúc động, nhưng cũng thở phào khi đã tìm được thi thể đầu tiên. Kể từ giây phút đó, rất nhiều báo đã mở ngay mục live (trực tiếp) để cập nhật các thông tin về cuộc tìm kiếm 12 chiến sĩ, cán bộ còn mất tích. Buổi chiều tác nghiệp hôm ấy buồn bã, hồi hộp và dài như vô tận.

Cuộc tìm kiếm này thật không hề đơn giản, bởi lẽ trước đó những thông tin và hình ảnh mà chúng tôi nắm được cho thấy hiện trường nơi 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn bị vùi sâu dưới lớp đất đá rất dày, đường vào đây cũng sạt lở nghiêm trọng. Vì thế, dù đã bàn bạc hết sức kỹ lưỡng, nhưng việc tìm kiếm các anh được đánh giá là chuyện không dễ dàng. Nhưng một khi đã quyết tâm thì bằng mọi giá cũng phải làm được.

Khoảnh khắc những chiếc xe cứu thương chở thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3 được đưa ra, khiến những PV tác nghiệp hôm đó vô cùng xót xa

Hầu hết các anh chị em đồng nghiệp hôm đó đều khẳng định, khả năng trong đêm 15/10 sẽ tìm kiếm và đưa được tất cả 13 chiến sĩ hy sinh ra khỏi khu vực sạt lở Trạm Kiểm lâm 67 bởi thời điểm này thời tiết ngớt mưa, tạnh ráo sau nhiều ngày mưa ngút trời. Nếu không khẩn trương, một khi mưa lớn trở lại, các ngọn núi no nước sẽ tiếp tục sạt lở, việc tìm kiếm khi đó sẽ nguy hiểm và khó khăn vô vàng.

Đúng như như dự đoán, càng về chiều thông tin từ các nguồn tin báo về, đã tìm được người thứ 2, rồi người thứ 3… Khi đó, chúng tôi không cần biết nhiều thông tin cụ thể, chỉ mong rằng, con số 13 – con số cuối cùng đồng nghĩa với người cuối cùng sẽ được tìm thấy, đưa ra khỏi vùng đất lạnh lẽo.

Lần lượt, từng chiếc xe cứu thương đưa thi thể từ bên trong núi về Tỉnh lộ 11B để hướng về thành phố chuẩn bị lo hậu sự. Thông tin liên tục được cập nhật, mỗi thi thể được tìm thấy, đưa ra khiến chúng tôi vừa ngậm ngùi thương tiếc, nhưng cũng vừa nhẹ nhõm khi biết chắc một điều rằng các anh đã trở về trong sự tiếc thương vô hạn, sâu sắc của người thân, đồng đội và Nhân dân.

Cho đến 19h30 tối cùng ngày, thông tin về thi thể cuối cùng trong số 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh được tìm thấy, chúng tôi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Đêm hôm đó, trời đổ mưa trở lại.

“Chưa khi nào phải tác nghiệp trong một hoàn cảnh tang thương như thế này. Lũ lụt, mưa bão đã khiến Thừa Thiên Huế và cả miền Trung oằn mình chống chọi. Giờ đây, chính những người lính can trường lại ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ… Đau đớn quá!”, một phóng viên trẻ trong số hàng chục phóng viên đã nói như thế sau một ngày tác nghiệp ở ngã 3 Phong Xuân.

Trong số đó có rất nhiều phóng viên ở tận TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… được điều động, để chi viện tác nghiệp cho đồng nghiệp ngay khi nhận tin vụ việc xảy ra. Hầu hết những phóng viên tác nghiệp ở sự kiện này đều tiếc thương và u buồn khi phải gõ những bản tin, bấm những tấm hình mà tự trong đáy lòng không hề mong muốn.

Đêm hôm đó, bên mâm cơm muộn trong tiếng gió vi vút của núi rừng, những người làm báo chúng tôi vẫn rối bời bởi một ngày tác nghiệp lẫn lộn trong rất nhiều cảm xúc. Nhưng có lẽ, buồn thương và không bao giờ mong muốn phải đối mặt với những bản tin đau xót, mất mát to lớn như thế là tâm trạng chung của mọi người.

Bài: Nhật Minh - Ảnh: Võ Nhân - Phan Thành

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM