Thứ Tư, 11/01/2017 21:01

Ngày Dân số Thế giới 2019: Dân số thế giới dự kiến ​​đạt mốc 8,6 tỷ vào năm 2030

Theo Quỹ Dân số LHQ, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hạ thấp tỷ lệ tử vong ở người mẹ và mang thai ngoài ý muốn, nhưng nhiều thách thức vẫn đang tồn tại.

“Cầu nối” của ngành dân số

Ngày 11/7 hằng năm được ấn định là Ngày Dân số Thế giới. Ảnh: Socialspost

Được công bố bởi Hội đồng quản trị Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc năm 1989, Ngày Dân số Thế giới được ấn định vào ngày 11/7 hằng năm, là dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề dân số toàn cầu. Theo ước tính của LHQ, mỗi năm dân số thế giới tăng thêm khoảng 83 triệu người và đến năm 2030, dân số toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt mốc 8,6 tỷ. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên lại đang dần cạn kiệt, do đó việc đề ra những chính sách quản lý dân số phù hợp là vấn đề cần được chú trọng ở mỗi quốc gia, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) nhấn mạnh.

Trong thông điệp nhân Ngày Dân số Thế giới 2019, Tổng thư ký LHQ António Guterres tiếp tục khẳng định rằng “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững có liên quan chặt chẽ với các xu hướng nhân khẩu học, bao gồm sự gia tăng dân số, già hóa, di cư và đô thị hóa”. Dân số thế giới nói chung vẫn đang tiếp tục tăng nhưng sự tăng trưởng này không đồng đều. Đối với nhiều quốc gia kém phát triển nhất thế giới, những thách thức đối với phát triển bền vững là sự gia tăng dân số nhanh chóng và tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, trong khi một số quốc gia khác lại đang đối mặt với những lo ngại từ tình trạng dân số già. Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đô thị hóa, với 68% dân số thế giới dự kiến ​​sống ở khu vực thành thị vào năm 2050, sự phát triển bền vững và biến đổi khí hậu sẽ ngày càng phụ thuộc vào thành công của việc quản lý tăng trưởng đô thị.

Ngày Dân số Thế giới năm nay kêu gọi sự quan tâm toàn cầu đối với những kế hoạch đang còn dang dở của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994. Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ hội nghị mang tính bước ngoặt đó, nơi 179 chính phủ công nhận rằng sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới là điều cần thiết để đạt được sự phát triển bền vững.

Theo Quỹ Dân số LHQ, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hạ thấp tỷ lệ tử vong ở người mẹ và mang thai ngoài ý muốn, nhưng nhiều thách thức vẫn đang tồn tại. Trên khắp thế giới, người dân đang chứng kiến ​​sự thụt lùi về quyền của phụ nữ, kể cả trong việc được tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu, trong khi các vấn đề liên quan đến mang thai vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các bé gái từ 15-19 tuổi.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 11 tới, UNFPA, cùng với chính phủ Kenya và Đan Mạch, sẽ triệu tập một hội nghị cấp cao ở Nairobi để đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu chưa được đáp ứng nói trên. Tổng thư ký Guterres cho biết sẽ khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia ở cấp cao nhất và thực hiện các cam kết chính trị và tài chính vững chắc để hiện thực hóa Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD).

Vào Ngày Dân số Thế giới năm nay, những người ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới cũng đang kêu gọi các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức và nhiều người khác giúp biến các quyền lợi về sức khỏe sinh sản thành hiện thực cho tất cả mọi người.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN & News18)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư cho dân số là đầu tư bền vững
Đầu tư cho dân số là đầu tư bền vững

Tổng tỷ suất sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế chưa ổn định và vẫn ở mức cao, nằm trong 33 tỉnh, thành có tổng tỷ suất sinh cao. Do vậy, ngay từ đầu năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Nâng chất lượng dân số để tăng trưởng kinh tế bền vững
Nâng chất lượng dân số để tăng trưởng kinh tế bền vững

Theo nhận định của các chuyên gia, chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Nhật Bản lo ngại khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh năm thứ 7 liên tiếp
Nhật Bản lo ngại khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh năm thứ 7 liên tiếp

Theo nhiều dự báo, tỷ lệ sinh của Nhật Bản sẽ tiếp tục rơi xuống mức thấp kỷ lục, với khả năng chỉ có chưa tới 800.000 công dân mới chào đời trong năm 2022. Dù chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính nhiều hơn để đảo ngược xu hướng, nhưng nhiều bậc cha mẹ nói rằng việc có con vẫn còn quá tốn kém, vượt ngoài khả năng của họ.