Thứ Năm, 10/10/2013 06:17

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Taliban nối lại đàm phán hòa bình với Afghanistan

Theo tin từ PressTV, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi nhóm chiến binh Taliban nối lại đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong một cuộc họp báo tại Dinh Tổng Thống ở Kabul ngày 9/4/2016. Ảnh: AFP

"Chúng tôi đã cùng thảo luận mục tiêu chung là phát động các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban," Ngoại trưởng Kerry phát biểu ngày hôm qua (9/4) trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở thủ đô Kabul, nơi ông đã hạ cánh vào buổi sáng cùng ngày trong chuyến thăm không thông báo trước đến Afghanistan.

"Chúng tôi kêu gọi Taliban tham gia vào một tiến trình hòa bình, một quá trình hợp pháp mà sau đó sẽ chấm dứt tình trạng bạo lực", Ngoại trưởng cho biết và nhấn mạnh thêm rằng "tất nhiên là có hy vọng cho việc hòa bình".

"Dân chủ đòi hỏi phải có các thể chế đáng tin cậy ... Thậm chí còn hơn thế nữa, nó đòi hỏi một sự sẵn sàng của người dân từ các phe phái chính trị, sắc tộc và địa lý khác nhau có thể hòa hợp với nhau và cùng làm việc cho một lợi ích chung", ông Kerry nói tiếp.

Cũng trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Kerry khẳng định, không có sự thay đổi trong kế hoạch của Tổng thống Barack Obama về lực lượng quân đội Mỹ ở Afghanistan, cho biết Tổng thống "luôn luôn nói rằng ông sẽ lắng nghe các chỉ huy của mình".

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan sẽ giảm gần một nửa từ mức hiện tại 9.800 quân xuống còn 5.500 quân vào đầu năm 2017, và chỉ huy mới ở Afghanistan, Tướng John Nicholson, đang tiến hành rà soát an ninh trước khi đưa ra các khuyến nghị đến Washington trong tháng 6 tới đây.

Chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Kerry diễn ra vào thời điểm Taliban đã lấy lại được đà phát triển và bắt đầu các cuộc tấn công khủng bố mới nhắm vào các văn phòng chính phủ và khu quân sự của Afghanistan.

Vào đêm qua (9/4), 2 vụ nổ đã xảy ra tại các khu vực ngoại giao của thủ đô nước này ngay sau khi Ngoại trưởng Kerry rời khỏi Kabul.

Mỹ và các đồng minh đã tấn công Afghanistan vào năm 2001 như một phần của cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc tấn công đã khiến Taliban từ bỏ quyền lực, nhưng bất ổn vẫn tiếp diễn trên khắp đất nước, bất chấp sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ do Mỹ dẫn đầu.

Trong những tháng qua, các chiến binh Taliban đã chiếm được một số khu vực trọng điểm ở phía bắc và phía nam của Afghanistan, đồng thời cũng đã tiến hành các cuộc tấn công ở Kabul.

Điều này đã thúc đẩy những nỗ lực đổi mới trong nước và các nước láng giềng để làm sống lại cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan.

Taliban cho biết sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan cho đến khi điều kiện tiên quyết của nó được đáp ứng. Trong một tuyên bố hôm 5/3/2016, nhóm chiến binh này nói rằng, "cho đến khi sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài kết thúc, cho đến khi tên Taliban được loại bỏ khỏi danh sách đen quốc tế và cho đến khi tù nhân của chúng tôi được phóng thích, thì các cuộc đàm phán sẽ không mang lại kết quả".

Tố Quyên (Lược dịch từ PressTV & Dailystar)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

G20 viện trợ 1 tỷ Euro để giải quyết vấn đề ở Afghanistan và các nước láng giềng
G20 viện trợ 1 tỷ Euro để giải quyết vấn đề ở Afghanistan và các nước láng giềng

Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Nhóm Các nền kinh tế Phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tình hình Afghanistan, các nhà lãnh đạo nhất trí hành động cùng nhau để tránh thảm họa nhân đạo tại nước này. EU cam kết triển khai gói viện trợ trị giá 1 tỷ Euro và nước chủ nhà tổ chức hội nghị Italy cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì liên tạc với Taliban.