Thứ Năm, 27/02/2014 09:26

Ngoại trưởng Nga, Mỹ bắt tay bàn chuyện hợp tác trong vấn đề Syria

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày 26/8 đã bắt đầu cuộc hội đàm tại Geneva, Thụy Sĩ để trao đổi về khả năng hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria cũng như tìm cách nối lại cuộc đàm phán hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Nga-Mỹ tiến gần đến thỏa thuận phối hợp chiến đấu ở Aleppo, SyriaNga-Mỹ tăng cường hợp tác quân sự tại Syria sau cuộc điện đàm của hai Tổng thốngNga và Mỹ ra tuyên bố chung kêu gọi giải pháp chính trị cho Syria

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc hội đàm ngày 26/8. (Ảnh Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc hội đàm ngày 26/8. (Ảnh Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết Washington và Moscow đã nhất trí giảm bớt các vụ việc gây hiểu lầm lẫn nhau, đồng thời cùng thúc đẩy hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng tại Syria, bao gồm cả phối hợp quân sự.

“Chúng tôi đã thống nhất các hướng giải quyết rõ ràng, theo đó chúng tôi sẽ cùng phối hợp với các bên, cụ thể: Nga sẽ phối hợp với chính phủ Syria và phe đối lập đang hợp tác với Nga còn Mỹ sẽ phối hợp với phe đối lập đang hợp tác với họ”, ông Lavrov nói.

“Chúng tôi cũng nhất trí tăng cường các mối liên hệ song phương, vốn bị trì hoãn trong vài tuần vừa qua”, Ngoại trưởng Nga nói, đồng thời tự tin khẳng định rằng đối thoại thường xuyên giữa Nga và Mỹ là chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu mà hai nước đề ra trong vấn đề Syria.

Washington và Moscow cũng cam kết thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria. Theo hai nhà ngoại giao, các chuyên gia của hai nước sẽ gặp nhau ở Geneva trong một vài ngày tới để tiếp tục thảo luận nhằm đạt được sự đồng thuận chính thức cho giải pháp hòa bình tại Syria cũng như giải quyết một loạt những vấn đề vẫn chưa được hoàn tất.

Ngoại trưởng Kerry khẳng định hai nước đã “đạt được sự thông suốt về con đường phía trước” nhằm tái lập một thỏa thuận ngừng bắn và nhân đạo hồi tháng 2. “Chúng tôi muốn đạt được thỏa thuận hiệu quả, có lợi cho người dân Syria và làm cho khu vực ổn định hơn”, ông Kerry nhấn mạnh.

Trong cuộc hội đàm lần này, lãnh đạo cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao hai nước cũng đặt ra vấn đề về việc phải phân định rõ ràng các tổ chức nổi dậy và các nhóm khủng bố ở Syria. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng việc tách biệt rạch ròi giữa các phe nổi dậy ôn hòa với các phiến quân thuộc Mặt trận Al-Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Syria, là chìa khóa để làm giảm bạo lực ở Syria. Ông Lavrov cho biết Nga đã thông báo cho Mỹ về danh sách các nhóm phiến quân mà Moscow cho rằng đó là khủng bố.

Ngoài ra, ngoại trưởng hai nước cũng thống nhất về việc chia sẻ thông tin tình báo để phối hợp trong các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, kẻ thù chung của cả Moscow và Washington. Cả ông Lavrov và ông Kerry đều tin rằng sự hợp tác giữa hai nước là cơ hội tốt để hạn chế giao tranh tại Syria, vốn đang khiến hàng nghìn người dân Syria phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” với điều kiện sống thiếu thốn trầm trọng và phải tị nạn sang châu Âu.

Các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria đến nay vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Hơn 290.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán tới nơi an toàn khi cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chiến sự tại Syria càng trở nên phức tạp hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã đưa nhiều xe tăng, xe bọc thép và binh lính tiến vào Syria, với mục tiêu đề ra là tiêu diệt các phần tử IS. Chính quyền Syria phản đối động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng Ankara đã mượn cớ chống khủng bố để xâm phạm lãnh thổ của nước này.

Theo Dantri

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.