Thứ Ba, 07/07/2015 14:45

Ngũ Điền trong tôi là nỗi nhớ…

Ngũ Điền là nhắc đến: Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa và Điền Hải. Đây từng là nơi chậm phát triển của Bình Trị Thiên, rồi Thừa Thiên Huế, là vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, tuy chưa phải là nhất nhưng cũng… “vua biết mặt chúa biết tên” về sự khổ và nghèo...

Sắc màu Ngũ ĐiềnNgũ Điền: Khắc phục giao thông và gieo trồng diện tích rau màu sau lũLò đốt rác khu vực Ngũ Điền: Hư hỏng sau 2 năm hoạt độngTắm biển ở Ngũ ĐiềnNgũ Điền chuẩn bị đón Tết

Lễ hội đu tiên truyền thống ở xã Điền Hòa mỗi dịp tết đến xuân về

Tôi là con dân của vùng ấy.

Nói thật là cho đến giờ tôi vẫn rất thích những cái tên cũ của vùng này, ấy là Thanh Hương, Kế Môn, Đại Lược, Thế Chí Tây và Thế Chí Đông. Giờ khai lý lịch, thể nào tôi cũng khèo vào tên cái làng cũ quê tôi, Thế Chí Tây. Nghe nó mộc mạc gần gũi, thân thương và lại cũng đầy bản sắc. Thanh Hương còn gắn với một trận chiến thắng được đánh giá là oanh liệt nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của nhân dân Thừa Thiên Huế. Tôi đã từng rất nhiều lần lượn qua lượn lại ở đấy để hình dung lại nơi đã từng xảy ra cái trận chiến oai hùng ấy nhưng… chịu. Chỉ thấy một làng quê thanh bình, trống trải, chả thấy địa hình nhấp nhô đồi núi khe rãnh để mấy nghìn con người có thể quần nhau ở đấy tới 3 ngày với gần 2.000 địch quân bị tiêu diệt.

Hồi ấy chỉ có 2 con đường để về Ngũ Điền. Một là đi đò dọc, những con đò cũ kỹ, khắc khổ, chạy chậm rề rề và nồng nặc mùi dầu, mùi thuốc rê, mùi mồ hôi người. Thế mà luôn luôn đặc kín khách và hàng hóa trên ấy. Người ngồi chung với heo, với tôm, cá, mắm, với trăm thứ bà rằn. Từ Huế về nhà tôi là gần 4 tiếng, mà đò thì cứ 10 hoặc 11 giờ trưa mới chạy. Về đến nhà là 2, 3 giờ chiều, đói mềm người, mệt lử lả. Thứ 2 là đường bộ, xe máy hoặc xe đạp thì đều hoặc ra đến cầu Mỹ Chánh của Quảng Trị rồi lộn lại, hoặc đến Phong Thu thì rẽ qua Phong Chương, quê của cụ Nguyễn Tri Phương. Đường thứ 2 là... ANLOSIA, tức là đến cầu An Lỗ thì rẽ xuống Sịa, qua đò Vĩnh Tu để về. Đò Vĩnh Tu rộng mênh mông, cả tiếng đồng hồ đò mới sang tới bờ, lại còn phải vác xe cả nửa cây số vì chưa có cầu tàu.

Thu hoạch lúa ở vùng Ngũ Điền

Tóm lại là, mỗi lần về là một lần cực.

Giờ, mỗi lần về được lại là một lần vui.

Đò dọc chở khách hầu như đã xóa sổ. Thay vào đấy là xe buýt về tận nhà. Thay vào đấy nữa là hệ thống đò du lịch, mà cái tour ngược phá Tam Giang là một tour rất thú vị. Nhớ đêm nào đấy, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương bỗng gọi cho tôi: Em đang ngồi đò trước cửa nhà anh. Thì ra là có một cái trại sáng tác của Hội VHNT Thừa Thiên Huế, mấy anh em nhà văn nhà thơ được địa phương mời một cú đò đêm. Thả đò giữa trăng giữa nước giữa gió giữa bạt ngàn sao trên trời và lân tinh dưới nước. Đốt bếp lửa giữa đò, đổ nò lấy tôm, kêu thuyền đánh cá đêm ghé lại mua cá vừa vớt lên. Rượu Chuồn mang theo. Hình như sự tao nhã sang trọng, sự mê đắm ẩm thực, sự thăng hoa thẩm mỹ... nó cũng chỉ đến thế là cùng.

Đấy giờ là một vùng phát triển. Thậm chí là phát triển... nóng. Tôi từng về quê tìm một cây rơm điển hình nông thôn để chụp ảnh mà kiếm mãi không ra. Dân giờ đa phần đã nấu bếp gas. Cũng như thế, làng giờ chủ yếu là người già và trẻ em. Người trẻ xuôi Nam làm ăn hết. Tết mới đổ về, đông như hội. Và nhờ thế mà tết đúng nghĩa là... tết. Nó là sum họp, là ấm áp, là gặp mặt, là trùng phùng. Tết trở thành sự mong mỏi, sự khát khao, là đúng nghĩa tết... còn là bởi chi tiết này nữa, chi tiết khao khát gặp nhau, chi tiết trùng phùng…

Một đám cưới trên Con đường hạnh phúc ở xã Điền Hòa

Bây giờ đường nhựa chạy qua làng, đường bê tông xương cá luồn theo từng ngụ (ngõ) kéo lên tận độn cát. Nhưng tôi vẫn không thể quên cái hình ảnh ngày xưa, đã từng in đậm trong trí óc cậu học trò là tôi lần đầu tiên về quê: Mỗi người khi đi trên đường đều cầm theo một… cành lá. Họ chạy chứ không phải đi, vì cát rất nóng. Cành lá che đầu. Chạy chạy chạy đến lúc nóng quá chịu không nổi thì vất cành lá xuống cát, giẫm chân lên để nghỉ bớt nóng. Rồi lại cầm cành lá lên để chạy, rồi lại vất xuống giẫm. Cứ thế mà di chuyển…

Kế Môn là làng nổi tiếng với nghề vàng. Giờ là Điền Môn. Mấy trăm năm trước có cụ tổ Cao Đình Độ từ Thanh Hóa xuôi Nam, đến đây chọn đất này lập nghiệp. Và đấy là ông tổ của nghề vàng Kế Môn. Giờ thợ vàng Kế Môn có mặt ở khắp nước. Hầu như các tiệm vàng lớn ở các tỉnh thành phía Nam đều do người Kế Môn làm chủ. Hàng năm có ngày giỗ nghề, các đại gia vàng bạc từ khắp nơi lũ lượt đổ về làng chịu lễ. Nhưng không chỉ thế. Điền Môn giờ là vùng rau của tỉnh. Quả là, có tưởng tượng giỏi đến mấy thì cách đây vài chục năm, chả ai có thể hình dung cái nơi chỉ có cát trắng phau này lại có thể trở thành vùng rau xanh. Hồi ấy kiếm rau ở vùng này khó hơn kiếm thịt, mà thịt lại là món rất quý hiếm rồi, món rau phổ biến là quả và cả thân cây đu đủ. Nhưng cũng rất hãn hữu mới dám dùng, thường là có giỗ.

Giờ mỗi lần về quê tôi đều thích tha thẩn ở các chợ. Mỗi làng ở Ngũ Điền đều có một cái chợ. Chợ Mới Điền Hải, chợ Biện Điền Hòa, chợ Đại Lộc, chợ Kế Môn. Làng tôi kẹp giữa 2 cái chợ lớn là chợ Mới và chợ Đại Lược (Lộc) nên cái chợ Biện có vẻ bé hơn, và chỉ họp mỗi ngày chừng một tiếng từ 1 giờ đến 2 giờ chiều. Cũng chả hiểu sao chợ lại họp vào cái giờ oái oăm ấy. Món rất rẻ ở đấy nhưng tôi lại rất thích ăn là… hến. Những con hến to như nắm tay trẻ con chứ không phải loại hến như móng tay thông thường. Một thời nó là món ăn chống đói, canh hến nấu rau lang ăn với củ khoai luộc. Giờ nó là đặc sản. Hến to thế nên tách vỏ khi sống chứ không luộc, rồi xào với thơm, đơn giản thế nhưng rất tốn cơm và… rượu. Có lần tôi dẫn cả chục ông bạn từ Huế về, nói em dâu, em chỉ độc món cho tụi anh, là hến, không phải lo các món khác.

Nhưng quê tôi còn món cá dìa. Một hôm ngồi tắc xi về nhà, nghe cậu tài xế điện thoại với vợ, vợ khoe có cá dìa tươi lắm, mua không. Hắn nói vợ mua một ký rồi quay sang tôi hỏi chú mua không, cháu lấy luôn cho. Tôi quyết ngay: Lấy giúp chú 5 cân. Một lát thấy vợ nó đã đón bên đường với túi cá dìa tươi rói, còn giãy đành đạch. Món này hấp lên, rồi giản dị là nước mắm nhĩ giã tỏi ớt, rau sống nữa, ăn no chứ không chán.

Chợ sớm tại đập Cửa Lác

Làng tôi giờ nổi tiếng với 2 món gắn với tết, là chơi mai và đu tiên. Toàn nông dân nhưng khi đứng trước các cây mai thì họ trở thành nghệ sĩ thứ thiệt. Họ trồng mai để chơi, hầu như nhà ai cũng có ít thì mấy cây, nhiều thì vài chục. Chơi nhưng tết có khách là bán, là một khoản thu nhập không nhỏ. Mai Điền Hòa nổi tiếng từ dáng đến hoa đẹp. Giáp tết xe tải xe cẩu nườm nượp đổ về mua mai. Còn đu tiên thì tết nào làng cũng tổ chức, và cho các xóm thi với nhau. Người các nơi căn đúng ngay thi đu đổ về xem đông như… tết.

Tôi không được sinh ra ở làng, sau 1975 mới về quê rồi lên Huế học đại học luôn, ở ký túc xá, vài chủ nhật mới về một lần để… nhận tiêu chuẩn. Học xong lại đi một hơi. Thời gian đầu, đi lại khó khăn, có khi vài năm mới về làng. Mẹ tôi, người phụ nữ Ninh Bình, đã chọn quê chồng làm nơi sống những năm cuối đời, và bà đã sống ở quê tôi gần ba chục năm trước khi gửi xương thịt ở chính nghĩa địa ngôi làng mà tôi đang vừa nhớ vừa viết.

Giờ thì tôi mắc một thứ bệnh không khó nhưng cũng chả dễ chữa, ấy là thèm… về làng. Cũng không dễ để năm nào cũng vài lượt về. Nhưng năm nào cũng phải cố gắng để về. Có khi chỉ để ngồi nhâm nhi ly cà phê ở cái quán chả khác gì phố, nghe Trịnh và đợi em dâu nấu một bữa cơm quê, càng quê càng ngon, với măng chua nấu cá, chóp môn muối kho chạch, cá tươi kho với rất nhiều ớt, và hến, tất nhiên. Nghe cái tiếng dạ đến nao lòng chả cứ kẻ xa quê, mà bất cứ ai đã từng nghe cũng phải mềm lòng xao xuyến…

Và nghe quê rì rầm chuyển động, từ mắt, từ tai và từ trái tim luôn mềm yếu của kẻ tha phương luôn thấy mình mắc lỗi với quê…

Bài: VĂN CÔNG HÙNG - Ảnh: PHỤNG ĐẶNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

VAR ở bóng đá làng
VAR ở bóng đá làng

VAR ở bóng đá phong trào nông thôn như tại một làng quê ven biển Ngũ Điền là chuyện hiếm, có thể “có một không hai”.

Nỗi nhớ giữa ngày đông
Nỗi nhớ giữa ngày đông

Hồi còn thơ bé, tôi thích những ngày đông rét mướt, cơn mưa đôi khi lê thê mấy ngày liền khiến bầu trời ướt sũng.