Chủ Nhật, 16/09/2018 14:26

Người lính biên phòng không mặc áo lính

Trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển đã xuất hiện nhiều cá nhân được ví như người lính biên phòng không mặc áo lính.

Tấm lòng người lính biên phòngNhững người lính không mặc áo lính

Ông Ngô Đức Tâm, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và ông Hồ Văn Ôn, Bí thư Chi bộ thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, huyện A Lưới là hai trong những người như thế.

Với sự tuyên truyền, vận động của ông Ngô Đức Tâm, xã Phú Thuận đã thành lập được 10 tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển

“Mốc sống” giữa Biển Đông

Hơn 61 tuổi đời, ông Ngô Đức Tâm, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển ở thôn An Dương 2, xã Phú Thuận (Phú Vang) đã có hơn 45 năm làm nghề đi biển. Với thành tích phối hợp cùng chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng vận động thành lập 10 tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển, 1 trung đội dân quân biển..., ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới giai đoạn 2015-2020.

Ông Tâm chia sẻ: Vẫn biết nghề đi biển là lênh đênh theo sóng gió, nhưng vì cái duyên nghiệp cha truyền con nối nên thời gian mà bà con như tôi gắn bó với biển còn nhiều hơn trên bờ”.

Với những ngư dân như ông Tâm, tàu chính là nhà, biển là quê hương. Tiếp xúc với ông Ngô Đức Tâm, tôi được ông say sưa kể về những chuyến đi biển dài ngày, những lần gặp nạn do thời tiết mưa bão và cả những lần tham gia đẩy đuổi tàu lạ xâm phạm ngư trường...

Ông Tâm kể: Trong những năm vừa qua ông và các tàu trong tổ đã cung cấp hơn 30 nguồn tin có giá trị cho chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An để kịp thời xử lý các vụ việc.

Trong 2 năm gần đây, tàu của ông Tâm và các tàu trong tổ đã phát hiện gần 80 chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền, vùng biển của ta. Qua đó, đã kịp thời liên lạc, tham mưu cho cơ quan chức năng xử lý.

Vào một đêm cuối tháng 7 các đây 2 năm, tàu của ông Tâm đang hoạt động tại tọa độ 16 độ 53N, 108 độ 21E thì phát hiện và cứu vớt 2 người đang bơi trên biển. Hai người này cho biết, do có mâu thuẫn với 1 người trên tàu QB 92643 TS, nên đã dùng dao đâm vào lưng của người đó dẫn đến tử vong. Sợ người nhà của nạn nhân trả thù nên họ đã nhảy xuống biển. Sau khi nắm sự việc, ông Tâm cùng các thuyền viên trên tàu đã làm tư tưởng cho đối tượng, đồng thời thông báo nhanh về Trạm kiểm soát Biên phòng Thuận An và đưa 2 đối tượng về bàn giao, kịp thời xử lý.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy cho biết thêm: Dù đang đánh bắt, thu mua hải sản trên biển, nhưng khi có kế hoạch tham gia diễn tập cũng như lệnh điều động bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông Tâm đều tích cực tham gia. Thành tích đáng ghi nhận của ông Tâm là 5 năm liên tục tham gia diễn tập BM bảo vệ trên biển.

Tự quản đường biên, mốc giới

Nhiều năm nay, Bí thư Chi bộ thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn (huyện A Lưới), ông Hồ Văn Ôn miệt mài tuyên truyền cho bà con tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Với trách nhiệm Tổ trưởng Tổ tự quản số 2 của thôn A Niêng Lê Triêng 1, ông luôn vận động các thành viên trong tổ cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Hồng Vân tuần tra bảo vệ biên giới.

Sinh năm 1979 nhưng trông bề ngoài ông Ôn có vẻ già hơn so với tuổi. Quá trình tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, ông Ôn được đồng bào ở đây gọi với cách thân thương là “chiến sĩ biên phòng áo vải”. Ông Hồ Văn Ôn chia sẻ, Tổ tự quản số 2 của thôn A Niêng Lê Triêng 1 được thành lập từ năm 2016 với 31 hộ gia đình đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.

Hàng tháng, các thành viên trong tổ tự quản vận động bà con nhân dân tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra theo định kỳ và đột xuất khi có vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới. Trong năm qua, tổ đã duy trì kiểm tra, kiểm soát và chăm sóc 2 cột mốc 647 và 648 do Đồn BPCK Hồng Vân quản lý, với gần 30 đợt, trên 590 lượt thành viên tham gia. Hàng quý, Tổ tự quản kết hợp với các đoàn thể trong thôn tổ chức sinh hoạt nhằm đánh giá quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Trong mỗi đợt sinh hoạt, ông Ôn lại tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của gia đình, cộng đồng khi tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.

Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn BPCK Hồng Vân cho hay: Với sự tận tâm, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ Hồ Văn Ôn, bà con nơi đây đã có ý thức bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. Đến nay, 100% hộ gia đình ở xã Trung Sơn đã ký cam kết tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Hàng tháng, các tổ tự quản đều tổ chức tuần tra dọc đường biên giới. Được bồi dưỡng kiến thức về hoạt động tự quản, nên khi có hiện tượng lạ, hoặc người lạ xuất hiện, bà con liền báo ngay với lực lượng chức năng.

Qua phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mỗi người dân ở đây đã trở thành những người lính biên phòng.

Bài, ảnh: Bá Trí

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Chìm tàu, một thuyền viên mất tích
Chìm tàu, một thuyền viên mất tích

Sáng 22/2, ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển.