Thứ Bảy, 18/04/2020 14:21

Người phụ nữ có duyên với khuyến học

Ở cái tuổi đã ngoài 60, bà Hoàng Thị Sương, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nam Đông được biết đến là một người có thâm niên và nhiều công lao lớn trong công tác khuyến học ở Thừa Thiên Huế.

Lên Hương Xuân, nhớ “tiếng kẻng khuyến học”Khuyến học bằng… khuyến đọcHọ Đoàn làng Mỹ Lợi làm khuyến học

Bà Sương tổ chức cho thí sinh ăn trưa tại kỳ thi

Từ cảm thương đến… tiếp sức

Mới đây lần đầu gặp tôi, bà bảo mình không được khỏe bởi tuổi già và cũng bởi vừa bị nhiễm nặng bệnh COVID-19 nên sức khỏe giảm, mau mệt và cứ hay quên quên, nhớ nhớ. Thế nhưng, quên chi thì quên, chứ chuyện làm khuyến học thì bà Sương không thể nào quên.

Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu bằng hoạt động “Tiếp sức mùa thi” rất ấn tượng và nổi bật của Hội Khuyến học Nam Đông. Tôi ngạc nhiên khi được biết đã nhiều năm rồi mà bà Hoàng Thị Sương vẫn nhớ rất cụ thể con số 1.200 suất cơm, 6.000 hộp sữa và 500 cái bánh Bảo Thạnh… mà Hội Khuyến học Nam Đông cùng với tổ chức Đoàn nơi đây và các mạnh thường quân đã “tiếp sức” cho các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia trong 5 năm qua. Cái hay ở Nam Đông là mỗi năm bà Sương đều có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình. Lần đầu thực hiện nên năm 2017 chỉ có cấp phát cơm và nước uống, nước ngọt cho thí sinh nghèo, khó khăn và dân tộc thiểu số. Năm 2018, thêm sữa và mở rộng nước uống cho cả phụ huynh đưa con đi thi. Năm 2019, có thêm bánh ga tô Bảo Thạnh. Năm 2020 và 2021, do dịch COVID-19 còn cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn, hỗ trợ thêm bút cho thí sinh. Còn năm 2022, bà Sương nhẩm tính, 235 suất cơm cho 2 bữa trưa và hơn 1.000 hộp sữa.

Của cho không trọng bằng cách cho. Nhớ năm 2020, lên Nam Đông vào đúng ngày thi, tôi chứng kiến nhiều hình ảnh cảm động. Năm 2022 này, ngay từ rất sớm, hội đã có thư ngõ kêu cộng đồng đóng góp, đồng thời với văn bản gửi cho các trường học trên địa bàn đề nghị đăng ký. Với gần 20 triệu đồng, bà Sương cùng cán bộ Hội Khuyến học Nam Đông chọn đặt nhà hàng suất cơm ngon có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng cho các em. Sữa kêu gọi phụ huynh ủng hộ. Phòng ăn bảo đảm thực hiện giãn cách theo quy định phòng, chống dịch.

Miệng nói & tay làm

Quê ở Vinh Hưng, vùng biển và đầm phá thuộc Khu ba Phú Lộc, bà Sương sớm có mặt ở vùng kinh tế mới Nam Đông ngay từ những ngày đầu xây dựng. Hàng chục năm sinh sống và công tác nơi đây, bà Sương nghỉ hưu với chức vụ Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Đông và nhanh chóng chuyển sang gắn bó với công tác khuyến học tại địa phương. Nhớ hôm mới đây hẹn làm việc với chúng tôi, bà Sương xếp lịch về ngay Thượng Quảng và xã Hương Xuân là 2 nơi có mô hình hay về khuyến học. Cũng như công tác phụ nữ, dân vận, làm cán bộ khuyến học, đặc biệt trong cương vị “đứng mũi chịu sào”, bà Sương bảo phải miệng nói tay làm, phải về tận cơ sở để tuyên truyền, vận động khuyến học và nhà báo tìm hiểu để giới thiệu và truyền thông cũng nên thế.

Xã định canh định cư Thượng Quảng có hình thức gây quỹ khuyến học rất hay bằng cách tổ chức đêm văn nghệ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. Không chỉ chỉ đạo và động viên, bà Sương đã cùng với hội khuyến học cơ sở trực tiếp đôn đốc và tổ chức thực hiện. Những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” mà hay lạ và cũng như mọi năm, chiếc thùng gây quỹ khuyến học được đặt ở vị trí thuận lợi. Bà con đến xem văn nghệ và nhân tiện “của ít, tình nhiều”, chung sức gây quỹ khuyến học. Bà Sương rất tâm đắc và chia sẻ với tôi, có tham dự và chứng kiến cảnh tượng bà con vui vẻ ủng hộ quỹ mới thấu hiểu tình người Thượng Quảng dành cho khuyến học lớn lắm.

Hay như ở Hương Xuân, một thời, nói về khuyến học ở Nam Đông là nhớ tới mô hình “tiếng kẻng khuyến học” ở xã Hương Giang. Nhiều năm qua, ở Thuận Hòa nói riêng và Hương Giang nói chung đã có rất nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học nhờ “tiếng kẻng khuyến học”. Năm 2020, xã Hương Giang hợp nhất với xã Hương Hòa thành xã Hương Xuân. Cùng với cơ sở, bà Sương luôn tìm cách giữ vững phong trào cho Hương Xuân. Không còn có quy định 7 giờ tối phải ngồi vô bàn học nữa bởi các em học sinh nay đã tự giác học tập rồi nhưng Hương Xuân tự hào là một những địa phương được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập sớm nhất trong toàn tỉnh. Từ năm 2021, Hương Xuân cũng được chọn là một trong 3 xã, thị trấn ở Nam Đông xây dựng thí điểm mô hình “Công dân học tập” được Hội Khuyến học tỉnh đánh giá cao. Phong trào khuyến học cần những mô hình ở Thượng Quảng hay Hương Xuân để nhân rộng và lan tỏa, bà Sương tâm huyết.

Bà Hoàng Thị Sương rất tự hào khi nói về tổ chức hội và phong trào khuyến học ở xã Hương Xuân. Theo bà Sương, xã Hương Xuân có hoạt động khuyến học đa dạng và sáng tạo cùng đội ngũ cán bộ khuyến học tâm huyết với công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” và có tinh thần trách nhiệm cao. Họ không nề hà, ngại khó mà tràn đầy năng lượng khi tham gia các nhiệm vụ khuyến học được giao.

Chính đội ngũ này cùng với toàn huyện, theo bà Sương, đã là nhân tố mang tính quyết định, góp phần thực hiện Chỉ thị số 11 - CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” ở địa phương. Toàn huyện Nam Đông hiện có trên 50% gia đình được bầu chọn danh hiệu “Gia đình học tập”; khoảng 80% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; trên 90% đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Từ năm 2021, huyện Nam Đông được chọn làm thí điểm trong việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Trong tình hình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Nam Đông được tỉnh đánh giá cao về xây dựng mô hình “Công dân học tập” và lấy số liệu của địa phương làm chuẩn cho toàn tỉnh.

Điều bà Sương yên tâm là Nam Đông hiện có một Ban chấp hành Hội khuyến học được chuẩn hóa gần 100% có bằng cấp chuyên môn. Chủ trương đưa cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn làm chủ tịch giúp cho việc triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài thuận lợi. Tuy nhiên, công việc nhiều, văn bản hồ sơ không ít mà chế độ, chính sách dành cho cán bộ khuyến học thì lại rất khiêm tốn.

Bài, ảnh:  Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không còn là giấc mơ
Không còn là giấc mơ

“Chưa bao giờ trên bản làng người Cơ Tu lại có một cuộc đại cách mạng “xóa nhà tạm” lớn đến như vậy”...