![](https://file.baothuathienhue.vn/data2/image/fckeditor/upload/2021/20210417/images/nha%20dau%20tu.jpg)
Thủy điện A Lưới khó lường hết những tác động đến môi trường
Đây là hai xã miền núi, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tình trạng sụt giảm nguồn nước mặt và nước ngầm đã và sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất. Mà khó khăn trong sản xuất sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trong dân gian có câu “quýt làm cam chịu”. Nghĩ về cái sự quýt làm cam chịu ở ta, có thể thấy nó diễn ra không hề ít. Như khai thác cát ở các lòng sông gây ra sạt lở, người dân sống hai bên bờ “kêu trời”; khai thác ti tan gây ra hiện tượng cát bay, cát nhảy; khai thác đất (kể cả hợp pháp và không hợp pháp) chở quá tải làm hư hại đường sá; nhà máy, người dân xả thải trực tiếp ra môi trường làm môi trường ô nhiễm... Quả là cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Điều đáng nói là phía mặt trái (tạm gọi là những người gây ra sự việc, hiện tượng và được hưởng lợi) nhưng họ không chịu hậu quả, mà người gánh chịu lại là phía mặt phải (bên không gây ra nhưng phải gánh chịu) trực tiếp và nhiều nhất là người dân. Đó là sự mất công bằng.
Trước hiện tượng sụt giảm nước mặt và nước ngầm ở hai xã thuộc huyện A Lưới nói trên, một đề tài nghiên cứu khoa học nhằm lý giải vấn đề này và đưa ra giải pháp khắc phục đã được thực hiện, do TS. Nguyễn Thị Thủy, Trường ĐH Khoa học Huế làm chủ nhiệm đề tài. Theo những gì công bố, “thủ phạm” chính gây ra hiện tượng nêu trên là do “tuyến kênh dẫn nước của thủy điện A Lưới đã tạo ra một cái phễu làm hạ thấp mực nước hai bên bờ”. Hiểu nôm na là nước chảy về chỗ trũng. Kênh dẫn rút hết nước thì hai bên kênh dẫn khô nước.
Thông tin từ báo chí cho thấy, đề xuất chủ đạo của đề tài là nâng cấp những hồ chứa hiện có và xây mới nhưng hồ khác để chứa nước. Chỗ nào thiếu nước không trồng được lúa thì nghiên cứu những cây trồng phù hợp. Không hiểu đề tài khoa học nói trên còn có những đề xuất, kiến nghị cụ thể gì nữa không, chứ theo những gì báo chí đưa tin thì xem ra, đề xuất còn hết sức chung chung.
Nói những đề xuất nó chung chung là vì kiểu như khô hạn thì bổ sung nước; không trồng được cây này thì trồng cây khác. Nếu nghĩ như vậy thì người viết bài này thiển nghĩ bà con chúng ta đã nghĩ ra từ lâu. Như ở A Lưới, nơi nào trồng được lúa nước thì người dân trồng lúa nước, trên nương trên rẫy thì bà con trồng lúa rẫy (lúa chịu hạn, mà cây lúa Ra dư là một ví dụ). Họ đã trồng nhiều đời nay rồi. Ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc đã có từ lâu và vun đắp mở rộng dần để bây giờ có một thắng cảnh thu hút du khách đã được đồng bào Tây Bắc nghĩ ra từ nhiều thế hệ trước…
Thủy điện A Lưới là một công trình lớn, riêng đường hầm dẫn nước trong lòng núi dài chừng 10 cây số, được xây dựng đưa lại quyền lợi rất lớn cho các bên, bao gồm nhà đầu tư, Nhà nước và nền kinh tế quốc gia, trong đó có Thừa Thiên Huế. Nhà đầu tư thu được lợi nhuận; Nhà nước thu được thuế; nền kinh tế quốc gia có thêm nguồn điện để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhưng người dân hai xã Phú Vinh và Hồng Thượng được gì khi tác động khác đã hiện hữu: nước mặt khô, nước ngầm sụt giảm. Trong trường hợp này, nói “quýt làm cam chịu” là vì vậy.
Thế thì để “cam” (xin được hiểu là người dân hai xã bị ảnh hưởng nói trên) không chịu thiệt đơn lẻ một mình, một việc đáng đề xuất nhất phải là những bên được hưởng lợi phải có trách nhiệm bù đắp những thiệt thòi của người dân. Những công trình có mức đầu tư lớn như đường sá, cầu cống, thủy lợi… Nhà nước đã có trách nhiệm làm từ lâu, và có lẽ những trường hợp cụ thể như ở Hồng Thượng và Phú Vinh chính quyền cần phải xem xét và có trách nhiệm. Nhưng nhà đầu tư cũng cần có trách nhiệm. Vốn nghiên cứu khoa học là vốn của Nhà nước, tức là của dân. Nhà đầu tư đầu tư công trình hưởng lợi, gây ra những bất cập khác, Nhà nước lại tiếp tục đầu tư vốn để nghiên cứu khoa học cho những bất cập đó. Chẳng khác nào người dân đã chịu thiệt lại tiếp tục bỏ tiền ra để tìm hiểu những nguyên nhân bất cập do nhà đầu tư gây ra. Đành rằng, một công trình lớn như thủy điện A Lưới khó mà đánh giá, lường hết những tác động môi trường không mong muốn. Song ở đây, thiết nghĩ, nhà đầu tư cần phải có trách nhiệm bù đắp một phần, ít nhất là cho phần nghiên cứu khoa học của đề tài nói trên.
Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: LÊ THỌ