Thứ Bảy, 10/11/2018 07:45

Nhận BHXH một lần gia tăng: Chớ “tham bát, bỏ mâm”

Chưa bao giờ tình trạng nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần lại gia tăng như hiện nay, đặt ra vấn đề cần có sự cân nhắc và lựa chọn.

Thông báo chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5, 6/2021Khi Zalo cùng đồng hành với bảo hiểm xã hội

Giao dịch ở bộ phận “Một cửa” của Bảo hiểm Xã hội tỉnh

Nhăn mặt “gặt lúa non”

Chị Lê Thị Lan, công nhân may ở Khu công nghiệp Phú Bài tham gia BHXH gần 6 năm nay. Cách đây 2 năm, chị sinh con nhỏ nên nghỉ việc ở công ty và trở thành lao động tự do, ai thuê đâu làm đấy, đắp đổi qua ngày. Định bụng cất sổ BHXH để sau này công việc ổn định, chị sẽ tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già. Thế nhưng bước qua năm 2020, dịch COVID - 19 khiến công việc bấp bênh, chị Lan quyết định nộp hồ sơ để hưởng BHXH một lần, dù nhiều lần được cán bộ BHXH tư vấn nên giữ lại sổ BHXH.  Nhớ lần gặp cách nay một năm, thấy chị nhăn mặt, đầy băn khoăn và khổ sở.

Thống kê cho thấy, thời điểm năm 2020, mỗi tháng riêng trên địa bàn TP. Huế có trên 200 lao động nhận trợ cấp BHXH một lần. Con số này tăng vọt khi dịch bệnh COVID - 19 xảy ra. Có người gần chạm tay đến sổ BHXH khi đã đóng được 18 năm, nhưng có người mới đóng được vài tháng cũng đến làm thủ tục nhận BHXH một lần. Có buổi sáng ở phòng “một cửa”, nhân viên BHXH “bất lực” khi không thể giải thích hay tuyên truyền cho người lao động đừng nhận “lúa non”, không chỉ bất lợi cho chính họ mà còn ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội. 

Năm 2020, ngành BHXH giải quyết gần 1.400 lượt hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần với số tiền gần 50 tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, số lao động nhận BHXH một lần ở Thừa Thiên Huế tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Theo quy định, người lao động sau khi nghỉ việc đủ 12 tháng mà không có việc làm mới thì đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần. Dịch bệnh COVID - 19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc đã 1 năm nay được xem là nguyên nhân kiến những người lao động như chị Lan phải quyết định “gặt lúa non” BHXH mà mình đã tham gia và hy vọng.

Quá nhiều hệ lụy

Chứng kiến cảnh tượng rồng rắn xếp hàng làm thủ tục nhận BHXH một lần, chúng tôi nhớ tới năm 1990 khi hàng vạn người đã chấp nhận “nhận một cục” trợ cấp thôi việc. Những năm qua, gặp nhiều người trong số họ ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi được biết 30 năm qua họ đã phải vất vả và vô cùng khổ sở vì đã vội nhận "tiền một cục” kia. Nhiều người chia sẻ khó khăn của cuộc sống tuổi già khi không có lương hưu và bày tỏ mong muốn có cơ chế để xin trả lại phần tiền đã nhận trợ cấp để được nhận lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, điều này không thực hiện được, pháp luật không cho phép.

Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh phân tích, trong thời điểm khó khăn này, người lao động cần tỉnh táo, suy xét, tiếp tục tham gia thay vì rút BHXH một lần. Nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài sẽ rất thiệt thòi khi hết tuổi lao động. Nếu nhận BHXH một lần, người lao động sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH mà tính thành thời gian đóng BHXH mới.

Theo các chuyên gia, việc nhận BHXH một lần sẽ tác động đến nguồn thu nhập của người lao động khi về già; đồng thời, điều này làm giảm ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội. Nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chê độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn, như hưu trí, tử tuất… Tình trạng số người hưởng BHXH một lần nhiều và gia tăng đang đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28 - NQ/TW là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Cơ hội vẫn còn

Chị Lê Thị Thu  trước đây làm công nhân cho Công ty cổ phần Long Thọ, đóng BHXH hơn 18 năm những khi nghỉ việc lại quyết định nhận BHXH một lần. 55 tuổi, thấy bạn bè được lĩnh lương hưu hàng tháng , có “đồng ra đồng vào” ổn định cuộc sống, chị Thu giật mình khi nghĩ đến tương lai sau này không chồng con, không biết dựa vào nguồn thu nhập nào để sống, Chị Thu tìm đến cơ quan BHXH xin được đóng lại số tiền đã nhận. Không lấy lại được thời gian đã tham gia BHXH do đã nhận BHXH một lần nhưng tha thiết được nhận lương hưu nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trường hợp của chị Thu cho thấy, khác với trước đó 30 năm, cơ hội vẫn còn dành cho những người nhận BHXH một lần hiện nay.

Thời điểm này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được xem là “phao cứu sinh” của người lao động trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu bị thất nghiệp, người lao động có thể đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ. Năm 2020, ngành BHXH Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận, giải quyết chi trả cho 4.149 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019, góp phần giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống cho người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19.

Để quản lý chặt chẽ sổ BHXH khi giải quyết các chế độ BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH các cấp tạm thời không nhận hồ sơ của người lao động ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận hộ tiền hưởng trợ cấp BHXH một lần, trừ trường hợp có giấy xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe của người ủy quyền, để tránh tình trạng lạm dụng và thu gom, mua bán sổ BHXH. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là khuyến nghị người lao động cân nhắc, chớ vội “tham bát, bỏ mâm”, không nên quyết định hưởng BHXH một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.

Bài, ảnh: Thu Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ công tác thanh tra chuyên ngành
Hiệu quả từ công tác thanh tra chuyên ngành

Trên cơ sở kế hoạch từ năm 2022, đầu năm 2023 đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 219 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ); kiểm tra 12 đại lý thu, đại diện chi trả; 6 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và 35 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 63 đơn vị SDLĐ nhằm ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Giảm bớt gánh nặng kinh tế
Giảm bớt gánh nặng kinh tế

Hưởng ứng chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn” của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp (DN), nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn góp phần giúp người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo đảm thu nhập khi hết tuổi lao động.

Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh
Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh

Chiều 21/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Trần Đình Liệu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh.