Danh hiệu gắn liền với tài năng, là tấm gương cho mọi người học tập, không phải xưng danh một cách lộng ngôn mới có giá trị. Tiếc rằng nhiều người tìm kiếm danh tiếng, danh vị bằng hình thức bề ngoài, tạo danh không đúng thực chất, lợi dụng trục lợi cho cá nhân.
Trong xã hội phong kiến, những người có tài năng, đức hạnh, được xã hội tôn trọng, nhà nước tin cẩn, được bổ nhiệm làm quan, được tôn vinh phẩm vị cao. Trong đó có không ít vị quan thanh liêm bất bình với những bất công, xử sự thiên vị, nhu nhược của nhà vua đã “rũ áo” từ bỏ tước vị, về ở ẩn, làm việc thiện giúp đời. Những con người đó dù khi đang tại vị hay sống ẩn danh vẫn được người đời ca tụng, lịch sử ghi danh.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đất nước khó khăn đã có không ít những trí thức có tài, hưởng lương bổng cao ở nước ngoài chấp nhận từ bỏ chức tước, cuộc sống giàu sang theo lời kêu gọi Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến. Nhiều người không hề màng danh lợi và đã có những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp và xây dựng đất nước sau này.
Người cán bộ, đảng viên phấn đấu để đạt được danh vị cá nhân là ước vọng bình thường, thể hiện ý chí phấn đấu vươn lên. Những con người đó được Đảng, Nhà nước khuyến khích, Nhân dân tôn kính, lưu danh với các danh hiệu cao quý, chức vụ xứng đáng.
Tuy nhiên, có những cán bộ muốn nổi danh nhưng không có tài năng thực chất, không vì sự nghiệp chung, mà tìm mọi cách có được danh vị bằng mọi giá. Không ít cán bộ tham vọng cá nhân thái quá, bất chấp quy định, tìm mọi cách để đạt được danh vọng cá nhân, với mục đích không trong sáng. Có người bằng những thủ đoạn ti tiện nhằm hạ uy tín của người khác để hòng đạt ưu thế trong quy hoạch, tiến cử, bổ nhiệm. Những con người đó cần phải xem lại bản chất đích thực sự phấn đấu. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (viết năm 1927), Bác Hồ đã nêu ra 14 tiêu chuẩn cán bộ cách mạng trong đó có tiêu chuẩn “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”.
Sau Cách mạng tháng Tám, trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” (viết năm 1947) Bác đã cảnh báo về bệnh háo danh như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình, khoe khoang, vênh váo... Đó là những chỉ giáo sâu xa của Bác đối với cán bộ cách mạng mà đến nay vẫn nguyên giá trị.
Nguyên nhân sâu xa của thói xấu này là tư tưởng về chức quyền, sĩ diện, thích làm oai, muốn có địa vị để “cưỡi đầu thiên hạ”. Trong thời gian dài nhiều năm trước đây, một số cơ chế lỏng lẻo, thiếu thực chất về bổ nhiệm cán bộ đã làm cho nhiều nơi “lạm phát” lãnh đạo, cán bộ quản lý nhiều hơn nhân viên.
Có những cơ quan ngoài chức vụ hành chính còn có thêm “hàm” tương đương, “loạn” cấp phó, phát sinh thêm đầu mối trung gian. Nhiều quy định về quy hoạch, đề bạt, tuyển dụng đặt nặng bằng cấp, học vị vô tình đã biến người ta tìm cách có được bằng cấp chỉ để lấy danh, làm oai, không đúng thực chất.
Có những người thiếu gương mẫu, thích khoe khoang chức tước, lấy danh vọng làm mục tiêu nên sa vào hình thức, đề cao danh vị cá nhân. Từ một vài người lan ra bên ngoài xã hội, trở thành một căn bệnh háo danh, hiếu danh, tham vọng chức quyền.
Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đã đánh giá: Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện “háo danh, phô trương, đánh bóng tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi...”
Bất cứ trong hoàn cảnh nào thì bệnh háo danh đều không phải là đạo đức của người đảng viên chân chính, người có chức vụ càng cao càng phải thể hiện sự khiêm tốn, giữ gìn danh dự cá nhân, nỗ lực phấn đấu vì cái chung. Khi danh xưng không đi đôi với năng lực, không xứng đáng với sự tin cậy của Đảng; tôn kính của Nhân dân sẽ gây dư luận không tốt với đội ngũ cán bộ chân chính.
Trong công tác cán bộ cần sửa đổi những cơ chế về tiêu chuẩn, điều kiện đề bạt cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là gắn bằng cấp với năng lực thực chất, xem bằng cấp là tiêu chuẩn bắt buộc nhưng lại không gắn với năng lực thực tế.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH