Chủ Nhật, 03/05/2015 06:52

Nhiều băn khoăn khi lùi thời gian giảng dạy sách giáo khoa mới

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi lùi thời gian dạy sách giáo khoa mới như kinh phí thực hiện có thể tăng lên, điều chỉnh chương trình hiện hành.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa trình bày trước Quốc hội về Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Để đảm bảo cho việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng SGK mới, theo đề xuất của Chính phủ thì việc thời gian giảng dạy SGK mới là 1 năm. Còn theo Thẩm tra của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đa số ý kiến của các đại biểu trong Ủy ban đồng ý lùi thời gian thực hiện chương trình SGK mới là 1 năm. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất lùi lại là 2 năm.

Dù việc lùi thời gian giảng dạy SGK mới là 1 đến 2 năm hoặc lâu hơn nữa thì các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần lấy mục tiêu bảo đảm chất lượng, hiệu quả triển khai của chương trình làm yếu tố quan trọng hàng đầu.

Một số môn tự chọn có thể “vỡ trận” khi có đông học sinh chọn

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng, với số lượng công việc khổng lồ thì chương trình cần có lộ trình phù hợp, từng bước bảo đảm tính khả thi của chương trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên). Ảnh: Quang Vinh

Trước tình trạng học sinh quá tải trong một lớp khá phổ biến hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, điều mâu thuẫn là khi giảm số học sinh trong một lớp cho phù hợp với đề án thì lại đồng nghĩa với việc tăng số lượng lớp học, tăng số lượng giáo viên, gây gánh nặng cho ngân sách và chủ trương tinh giản biên chế.

Mặt khác, mỗi địa phương lại có sự khác biệt về cơ sở vật chất, trình độ dân trí, đội ngũ giáo viên. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Bộ GD-ĐT cần có đánh giá, phân loại, xếp loại cụ thể thứ hạng của các trường, phân loại trường ở khu vực thành thị-nông thôn-miền núi... để bảo đảm tính phù hợp của chương trình.

Ngoài ra, theo đại biểu Phúc, theo chương trình mới, một số môn tự chọn có thể “vỡ trận” khi có đông học sinh tham gia chọn, dẫn đến việc số giáo viên tham gia giảng dạy các môn tự chọn mà học sinh chọn đông sẽ thiếu. Trong khi giáo viên dạy môn có ít học sinh lựa chọn sẽ dư thừa. Đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT cần cân nhắc, xem xét để có phương án xử lý khi triển khai chương trình.

Hàng vạn cơ sở không biết điều chỉnh nội dung chương trình

Khi thực hiện chương trình phổ thông, SGK mới, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) bày tỏ lo ngại đối với việc đào tạo giáo viên giảng dạy các môn học mới chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Việc lùi thời gian dạy SGK mới có đủ để đào tạo giáo viên dạy các môn học mới đảm bảo chất lượng theo như Nghị quyết 88 nêu không thì cần được Chính phủ giải trình rõ.

Ngoài ra, trong thời gian chưa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới trên toàn quốc thì các cơ sở giáo dục được điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp đánh giá.

Đại biểu Trần Thị Dung băn khoăn, ngành Giáo dục phải mất tới 9 năm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông hiện hành mà hiện nay có hàng vạn cơ sở giáo dục không biết việc điều chỉnh nội dung chương trình sẽ như thế nào. Vậy ai là người được điều chỉnh chương trình; ai kiểm định, đánh giá và chịu trách nhiệm với việc điều chỉnh này.

Băn khoăn về kinh phí thực hiện chương trình SGK mới

Một trong những vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là kinh phí để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) bày tỏ lo ngại khi lùi thời gian thực hiện chương trình SGK mới sẽ gây ra lãng phí. Đề án biên soạn SGK mới đã được thực hiện từ năm 2015 đến nay đã được 3 năm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo Nghị quyết của Chính phủ, từ tháng 6/2016 cho đến tháng 7/2018, chúng ta phải biên soạn xong SGK mới ở lớp 1, 6, 10. Trong 3 năm biên soạn đó, ngành Giáo dục đã chi hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn bao nhiêu tiền và đã làm được những cái gì. Nếu không làm rõ được vấn đề này mà kéo dài việc thực hiện thì chắc chắn sẽ tốn kém thêm kinh phí.

“Ở Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt 778 tỷ đồng cho chương trình này. Trong khi đó tại dự thảo Tờ trình lại đề cập kinh phí là 80 triệu USD, tương đương với 1.798 tỷ đồng. Vậy không rõ là kinh phí như thế nào để thực hiện việc biên soạn SGK. Tôi đồng ý việc lùi thời gian thực hiện sách giáo khoa 1, 2 hay 3 năm cũng được. Tuy nhiên, vì kinh phí thực hiện là tiền của nhân dân nên khi thực hiện là phải tiết kiệm, có hiệu quả và phải được báo cáo rõ ràng, phải kiểm soát được việc này”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Băn khoăn về thiệt hại khi lùi thời gian giảng dạy SGK, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu ý kiến: “Về thời gian lùi triển khai SGK bao lâu, tại kỳ họp thứ 2, thứ 3 của Quốc hội, tôi đều chất vấn nội dung này. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri cũng đặt câu hỏi rằng, SGK mới có đắt hơn không, có đủ chu kỳ 12 năm không.

Chương trình VNEN không thông qua ở Quốc hội nhưng thực hiện ở hơn 5.000 trường và cũng bỏ dở. Nếu chúng ta lùi triển khai chương trình SGK mới là 2, 3, 4 năm nữa thì có thiệt hại gì không?”.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giao lưu, hợp tác quốc tế trong giảng dạy
Giao lưu, hợp tác quốc tế trong giảng dạy

Lần đầu tiên, các trường đại học (ĐH) hàng đầu của Hàn Quốc sang Việt Nam để tham gia hoạt động thực tập, dự giờ và giao lưu văn hóa tại trường trung học phổ thông (THPT) ở Huế. Không chỉ mang giá trị và ý nghĩa lớn về mặt học thuật, hoạt động này còn hướng đến thực tiễn trải nghiệm và liên kết văn hóa đa quốc gia.

Chất lượng tạo nên sự khác biệt
Chất lượng tạo nên sự khác biệt

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Du lịch - Đại học (ĐH) Huế đã đạt được những thành tựu vượt bậc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Trang bị kiến thức về năng suất chất lượng cho giảng viên trường nghề
Trang bị kiến thức về năng suất chất lượng cho giảng viên trường nghề

Đó là mục tiêu chung của Chương trình bồi dưỡng tập trung về năng suất chất lượng (NSCL) dành cho giảng viên các trường cao đẳng tại Thừa Thiên Huế do Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức từ ngày 15 đến 17/12.

Mẫu mực và đáng kính
Mẫu mực và đáng kính

Tôi khá áy náy khi hết lần này đến lần khác thầy từ chối nhận học phí dạy thêm cho con gái tôi, vì nhiều lần gián đoạn do dịch bệnh.