Khu vực núi Gích Dương bị cày nát
Cày nát núi đồi
Nhiều năm nay, các mỏ đất ven tuyến tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 7 được cấp phép đã cung cấp một lượng lớn vật liệu san lấp (VLSL) phục vụ các công trình xây dựng. Men theo Tỉnh lộ 15, xuyên qua khu vực rừng tràm, chúng tôi tìm đến mỏ đất của Công ty TNHH Phú Bài. Nằm ở lưng chừng mỏ có một lán trại tạm bợ nhưng không người.
Mỏ đất của doanh nghiệp này với trữ lượng 234.000 m3, có thời hạn khai thác đến hết năm 2021 nhưng trông như đã hết trữ lượng đất. Đứng ở một đỉnh đồi cao, phóng tầm mắt về hướng mỏ, cả một vùng đất rộng lớn của Gích Dương 1 nay nham nhở bởi vách núi đã bị đào khoét, lộ ra nền đá lởm chởm, nhiều vực sâu.
Tại đây, hàng trăm ngàn khối đất đã được lấy đi, để lại những “vết thương” cho núi là những hố sâu hoắm, vạt đồi bị xẻ tan hoang. Theo ghi nhận của chúng tôi thì việc khai thác ở đây theo phương pháp lộ thiên và có độ sâu khá lớn.
Năm 2019, Sở TN&MT đã tiến hành xử phạt công ty này với số tiền 15 triệu đồng do thực hiện thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế không đúng quy trình và mẫu biểu theo quy định.
Tương tự, khu vực Khe Quan, Trốc Voi thuộc phường Thủy Phương (Hương Thủy) là nơi tập trung nhiều nhất mỏ đất của Công ty TNHH Xây dựng vận tải Minh Nhật, Công ty TNHH xây dựng Đồng Tâm và Công ty TNHH Hoàng Ngọc. Con đường đất từ Quốc lộ 1 tránh TP. Huế dẫn vào các khu mỏ chìm trong bụi mịt mù vì xe ben vào ra liên tục, người qua lại phải mặc áo quần kín mít.
Nằm ở vị trí đầu tiên từ ngoài vào, mỏ đất của Công ty TNHH Hoàng Ngọc với 2 lần cấp rộng bạt ngàn, diện tích lớn. Đứng trên ngọn đồi, phóng tầm mắt đã thấy những ngọn đồi bị cạo trọc. Đi vào sâu bên trong, mỏ đất của Công ty TNHH Đồng Tâm được cấp năm 2019 với diện tích gần 10 ha nay đã hết hạn khai thác. Mỏ của hai doanh nghiệp này được phát hiện khai thác ngoài phạm vi và vượt độ sâu. Theo Sở TNMT, kết quả đo đạc của đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ, tính khối lượng đất đã khai thác liên quan đến ranh giới, độ sâu cho thấy, 2 doanh nghiệp trên đã có hành vi khai thác đất qúa mức, phải xử lý theo quy định.
Trong khi đó, mỏ đất của Công ty TNHH Xây dựng vận tải Minh Nhật nằm cạnh mỏ của Công ty Đồng Tâm đang hoạt động rầm rộ, xe ben vào ra liên tục. Tại đây, theo ghi nhận luôn có 2 điểm tập trung xe múc khai thác và hoạt động liên tục.
Công trường mỏ của Công ty Minh Nhật cạnh mỏ Công ty Đồng Tâm
Nhiều sai phạm
Ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT, cho biết, Theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Việc lắp đặt trạm cân và camera vừa giúp chủ mỏ giám sát chặt chẽ công tác khai thác, vừa là cơ sở để cơ quan Nhà nước giám sát, kiểm tra chính xác khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để theo dõi khối lượng khoáng sản khai thác, vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ. Vậy nhưng thực tế cho thấy, các chủ mỏ đất không thực hiện quy định trên. Họ chỉ kê khai khối lượng đất thông qua thống kê trọng lượng chuyên chở theo thiết kế kích thước thành thùng hàng để thu tiền.
Tại mỏ đất của Công ty TNHH Xây dựng vận tải Minh Nhật, các xe ben sau khi được xúc đầy đất, lúc ra tới cửa thì nhân viên công ty này ngồi ghi phiếu thu dựa trên biển số xe để tính trọng lượng. Tại đây, nhiều xe ben có dấu hiệu cơi nới chiều cao kích thước thành thùng hàng, chở vượt chiều cao, cho thấy, việc thống kê khối lượng đất dựa vào kích thước thành thùng hàng của xe khó chính xác, có thể dẫn đến tài nguyên khoáng sản bị “chảy máu”.
Đại diện Công ty TNHH Hoàng Ngọc cho rằng, việc lắp trạm cân, camera rất khó vì mỏ nằm ở xa, không có điện nên sẽ tốn chi phí rất lớn nếu thực hiện. Sở TN&MT cho biết, đa số các mỏ đất làm vật liệu san lấp thì phần lớn các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ quy định trên. Sở đã có yêu cầu bằng văn bản để các chủ mỏ đất thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định lắp trạm cân, camera. Theo quy định, các doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
“Đây là vấn đề rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Sở cũng đã có đề xuất với Bộ TN&MT xem xét quy định pháp luật về lắp đặt camera, trạm cân đối với mỏ đất do mỏ thường có thời gian khai thác không dài, nằm xa khu dân cư, khó khăn đường sá. Mặt khác, muốn lắp đặt thì phải đầu tư xây dựng tuyến đường điện, trạm biến áp, viễn thông nên phát sinh chi phí, liên quan đến tổng giá trị đầu tư sản phẩm đầu ra của một đơn vị khối lượng đất, ảnh hưởng đến tiến độ và tăng dự toán của các dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh đang và sẽ triển khai trong thời gian tới”, ông Lân phân tích.
Nhân viên mỏ đất Công ty Minh Nhật ngồi ghi số xe để tính khối lượng thay vì trạm cân tải trọng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 19 mỏ đất làm VLSL đang hoạt động với tổng diện tích 141,64 ha, trữ lượng khai thác là hơn 10 triệu m3, công suất khai thác hơn 2,37 triệu m3/năm. Thời gian qua, Sở TN&MT đã kiểm tra và xử lý nhiều vi phạm khai thác hàng loạt chủ mỏ đất.
Đặc biệt, Công ty CP lâm nghiệp 1-5 bị xử phạt gần 573 triệu đồng về hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn trong hoạt động khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền) và khắc phục hậu quả bằng việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
“Quên” đóng cửa mỏ dù hết hạn khai thác
UBND tỉnh vừa ban hành hàng loạt quyết định xử phạt các doanh nghiệp vì “quên” làm thủ tục đóng cửa mỏ sau khi hết hạn khai thác. Cụ thể, Công ty TNHH Lộc Lợi, Công ty CP 939, Doanh nghiệp tư nhân Phú Vĩnh mỗi đơn vị bị phạt 140 triệu; DNTN Tuyết Liêm 100 triệu đồng; Công ty TNHH Long Phụng bị phạt 120 triệu đồng.
|
Bài, ảnh: Hà Nguyên