Thứ Bảy, 24/06/2017 06:30

Nhiều thách thức trong thời đại 4.0

Với sự phát triển của công nghệ, hoạt động sáng tạo và các sản phẩm trí tuệ có sự tăng trưởng. Song, việc dễ dàng tiếp cận thông tin, gia tăng số hóa các sản phẩm trí tuệ cũng kéo theo nguy cơ gia tăng các vi phạm về quyền tác giả mà lĩnh vực xuất bản không phải là ngoại lệ.

Được tạm nhập, tái xuất các tác phẩm, hiện vật, tài liệu để triển lãmChủ động bảo vệ tác quyền trong âm nhạc

Ngày hội về sách của ĐH Huế (ảnh minh họa)

Nguy cơ vi phạm

TS. Trần Bình Tuyên, Quyền Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Đại học (ĐH) Huế cho biết, trung bình mỗi năm, NXB ĐH Huế xuất bản khoảng 170 đầu sách. Tuy đến nay chưa để xảy ra những vi phạm liên quan đến bản quyền dẫn đến phải thu hồi sách, song trên thực tế, nguy cơ vi phạm của các tác giả trong giai đoạn hiện nay khá đáng lo.

Quá trình kiểm duyệt, hội đồng chuyên trách làm nhiệm vụ này đã phát hiện không ít lỗi vi phạm, đặc biệt là liên quan đến các trích dẫn, hình ảnh. TS. Trần Bình Tuyên phân tích, theo nguyên tắc, nếu tác giả lấy một thông tin nào đó, phải có trích dẫn cụ thể (từ sách nào, trang nào…), tuy nhiên tình trạng lấy thông tin mà không trích dẫn rõ ràng thường rất hay gặp và khi phát hiện NXB sẽ trả hoặc yêu cầu tác giả chỉnh sửa, bổ sung. Với hình ảnh, người kiểm duyệt rất khó để phát hiện hết, nhất là khi tác giả lấy từ các nguồn ở nước ngoài. “Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet tạo ra những thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, bởi mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin họ cần chỉ qua những cú click chuột. Song, cũng vì lý do đó mà gia tăng khó khăn trong kiểm duyệt, phát hiện những vi phạm về quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản”, TS. Tuyên trăn trở.

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, phụ trách thư viện Khoa Du lịch – ĐH Huế cho rằng, ngay tại các thư viện, nhất là thư viện số, những vấn đề liên quan đến bản quyền xuất bản cũng đáng băn khoăn. Nguồn tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập giới hạn nên thông thường các thư viện số sưu tầm tài liệu thêm. Điều đó dễ dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền, bởi có những nguồn tài liệu không được chia sẻ công khai. Bên cạnh đó, có một số sách không tái bản nhưng nhu cầu người học cần, trong khi vai trò của thư viện là phục vụ tài liệu học tập cho sinh viên. Dù photo các nguồn tài liệu trên không phải mục đích thương mại mà để cung cấp cho người học nhưng cũng ảnh hưởng đến bản quyền. Ngoài ra, một số thư viện xuất bản tài liệu giáo trình, bài giảng lưu hành nội bộ cũng rất trăn trở vấn đề bản quyền.

Sinh viên ĐH Huế đọc sách tại ngày hội về sách (ảnh minh họa)

Theo đại diện một số cán bộ trong lĩnh vực xuất bản, tại Huế, những vi phạm quyền tác giả dẫn đến bị thu hồi sách hay bị xử lý vi phạm gần như ít thấy, song tình trạng trên ở nhiều địa phương đơn vị là không hề ít. Công ty cổ phần sách Thái Hà – đơn vị khá nổi tiếng trong lĩnh vực xuất bản sách cũng từng thừa nhận tại hội thảo về quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản (năm 2018) là trong thực tế 1 năm, Thái Hà Book xuất bản được khoảng 1.000 đầu sách thì đã có khoảng 1/4 số lượng sách đã bị vi phạm bản quyền, trong đó gồm sách giấy và ấn bản e-book.

Chủ động và quyết liệt

Vấn đề bảo hộ quyền tác giả được nhắc đã lâu và rõ ràng, ngoài vai trò tự nhận thức của tác giả cùng chủ thể bị vi phạm bản quyền thì các NXB cũng phải có sự chủ động và quyết liệt hơn với những giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi vấn đề vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản.

Theo đại diện NXB ĐH Huế, NXB luôn có hội đồng kiểm duyệt, phản biện với nhiệm vụ không chỉ thẩm định nội dung bản thảo mà còn thẩm định bản quyền. Song, cách làm hiện nay vẫn còn mang tính truyền thông, thiếu phần mềm chuyên dụng để phát hiện tình trạng vi phạm bản quyền, vì vậy cần có sự đầu tư hợp lý, ứng dụng công nghệ trong công việc liên quan để tạo được hiệu quả tốt nhất.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho rằng, các đơn vị và cá nhân làm việc trong lĩnh vực liên quan cần nắm vững các điều khoản về quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ và các nghị định hướng dẫn liên quan, đồng thời, chủ động và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình. Các chủ thể bị vi phạm bản quyền phải kiến nghị đến các cơ quan chức năng để xử lý.

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, những vấn đề liên quan đến sách in nhiều người có thể đã rõ nhưng bản quyền điện tử vẫn còn băn khoăn. Vì vậy, cần những hoạt động tuyên truyền giáo dục về vấn đề bản quyền, đặc biệt là bản quyền điện tử để giúp những cá nhân, đơn vị liên quan hiểu cặn kẽ hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm ỉ nạn đạo tranh
Âm ỉ nạn đạo tranh

Chuyện bị chép, đạo tranh không còn xa lạ gì đối với nhiều người yêu nghệ thuật. Mặc dù nhiều vụ việc bị phát hiện và xử lý nhưng vấn nạn này ngang nhiên diễn ra, vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, xâm hại quyền lợi của tác giả.

Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới Ngăn chặn đạo văn
Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Ngăn chặn đạo văn

Theo Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mới, người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm cùng nghiên cứu sinh về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn).