Thứ Năm, 11/06/2015 10:19

Nhiều ý kiến băn khoăn về nhân sự trong Hội đồng trường

Tại điều 16 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Hội đồng trường sẽ được thành lập ở tất cả các trường đại học.

Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Đa số ý kiến đồng tìnhĐề xuất miễn học phí đến lớp 9, nhà giáo hưởng lương cao nhấtNhà giáo nên bao gồm cả cán bộ quản lý đã từng đứng lớp giảng dạy

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học trước khi trình Chính phủ.

Tại nhiều hội thảo góp ý, lãnh đạo các trường đại học dồn sự quan tâm đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên của Hội đồng trường, bởi việc này cũng liên quan đến việc bầu Hiệu trưởng, quyết định chiến lược và kế hoạch phát triển của các trường.

(Ảnh minh họa)

Tại điều 16 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, Hội đồng trường sẽ được thành lập ở tất cả các trường đại học. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường bao quát gần như tất cả các hoạt động của trường như: quyết nghị về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng hoạt động đào tạo, quyết nghị về cơ cấu tổ chức, chủ trương thu, chi tài chính…

Dự thảo cũng quy định rõ số lượng thành viên Hội đồng trường, các tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc… Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung điều 16 về Hội đồng trường nhằm tạo hành lang pháp lý để Hội đồng trường có thực quyền hơn đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, chứ không phải chỉ mang tính hình thức như hiện nay. Các quy định này cũng phù hợp với tự chủ đại học trong bối cảnh thực tiễn hiện nay cũng như những năm tới.

Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ tăng vai trò của Hội đồng trường và thẳng thắn cho rằng, nếu Hội đồng trường muốn mạnh lên, có thực quyền hơn thì vai trò của Bộ chủ quản phải giảm đi. Tuy vậy, việc quy định cho Hội đồng trường quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong đó có cả việc thu, chi tài chính, mua sắm tài sản thiết bị hàng năm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất... là không phù hợp.

Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh nhấn mạnh, vai trò của Hội đồng trường có quyết định về mặt định hướng, về mặt chiến lược phát triển thay vì quyết định đến cả mua sắm, hay là những việc thuộc về nhiệm vụ của Ban Giám hiệu, nhiệm vụ của các phòng ban chức năng. Bởi, theo ông, Hội đồng trường chỉ có nhiệm vụ là định hướng và thông qua tất cả những chiến lược phát triển, chủ trương chính, còn nếu Hội đồng trường can thiệp quá sâu vào những việc hành chính hậu cần thì đấy không phải là vai trò của Hội đồng trường.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi luật cần chuẩn bị chu đáo, mang tính chiến lược và đảm bảo khi ban hành ra không chỉ chặt chẽ mà còn phải có tính thực tiễn, khả thi.

Bởi lẽ, nhiều quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường như dự thảo rất khó thực hiện đối với các trường. Bộ cũng nên quy định rõ tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường. Nếu chỉ quy định chung chung như dự thảo sẽ không chọn được người đủ phẩm chất lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng trường, hoặc dẫn đến Hội đồng trường không có quyền lực.

“Tiêu chuẩn của chủ tịch Hội đồng trường là cũng phải đạt một tầm nào đó, không nên quy định chung chung. Ví dụ quản lý cơ sở giáo dục 5 năm thì 5 năm ở cấp nào, cấp bộ môn hay là cấp khoa, hay cấp trường.... Để gọi là định hướng chiến lược, tầm cũng phải cao, cũng phải trải qua 1 nhiệm kỳ Hiệu trưởng hay ban giám hiệu, tầm nhìn mới vĩ mô được”, bà Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến cũng kiến nghị cần giảm thành viên ngoài trường tham gia vào Hội đồng trường, cho rằng quy định các thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên là hơi nhiều.

Ông Trần Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho rằng: Quy định 30% thành viên Hội đồng là bên ngoài trường sẽ gây khó khăn cho các trường khi muốn tìm kiếm đối tác để tham gia vào Hội đồng trường. Ở Việt Nam, rất ít doanh nghiệp có thể dành thời gian tham gia vào hoạt động khoa học công nghệ.

"Chúng tôi đã có Hội đồng trường được khoảng 1 năm, nhưng 3 lần họp không mời được doanh nghiệp. Đây là điều cũng khó khăn, có lẽ là nên giảm xuống còn khoảng 20%, hoặc yêu cầu rõ ràng là trong số 17 thành viên Hội đồng trường, chỉ cần đáp ứng tối thiểu là đại diện bên ngoài bao gồm có đại diện cơ quan chủ quản và doanh nghiệp với tổng số là 3 người” - ông Trung nói.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, thành viên của Hội đồng trường có tỷ lệ tối thiểu 30% là bên ngoài trường là quá cao, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nếu tham khảo luật cũng như thực tế những trường có Hội đồng trường phát triển ở các nước phát triển thì có khoảng 50% đến 60% thành viên từ bên ngoài. Những thành viên bên ngoài trường sẽ là những người mang những định hướng thị trường vào để trường phát triển đúng với cơ chế thị trường. Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn
Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn

Tranh cổ động kỷ niệm ngày thành lập Đảng, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp hay tranh chân dung về các vị lãnh tụ... vốn là đề tài không dễ với những người còn non tuổi nghề như sinh viên. Bằng cảm nhận, niềm tin với Đảng, Bác Hồ và tri ân những người có công với đất nước, nhiều sinh viên khối ngành nghệ thuật đã đặt được trọn cảm xúc với những đề tài mỹ thuật lớn.

Sinh viên ra trường làm việc trái ngành Muôn vàn lý do
Sinh viên ra trường làm việc trái ngành: Muôn vàn lý do

Học một ngành, làm một ngành là thực tế không xa lạ với nhiều sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp. Thực trạng trên đặt ra câu hỏi: “Lãng phí 4-5 năm học đại học (ĐH), có phải do lỗi từ công tác hướng nghiệp?”.

Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT
Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT

Sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành giáo dục, trong đó nỗi lo ở bậc đại học (ĐH) là ảnh hưởng vấn đề “liêm chính học thuật”. Song, trước xu thế của thời đại, việc chủ động đón nhận và định hướng người học tiếp cận các giá trị tích cực mà ChatGPT là điều nên làm.