Thứ Tư, 11/04/2018 10:49

Nhớ một thời Hà Nội đã xa…

(Nhân đọc tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” của Phan Khánh – NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2020)

Bìa tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” 

Nhà văn - không thẻ Phan Khánh sinh năm 1934, chuyên gia ngành thủy lợi, là bạn với rất nhiều kỹ sư thủy lợi xây dựng các công trình ở Bình Trị Thiên từ sau 1975 cho đến hồ Tả Trạch gần đây… Từ khi trở thành bạn thân với nhà văn Ma Văn Kháng, ông đã dốc toàn bộ tâm sức, vốn liếng cuộc đời hơn 8 thập kỷ vào 3 cuốn tiểu thuyết - trong đó có cuốn “Khu tập thể bờ sông” (KTTBS).

Qua góc nhìn của Hân - một chàng trai “Khu Tư”, được đất và người Thủ đô cưu mang từ ngày Thủ đô được giải phóng, rồi học thành tài… tác giả phần nào phác họa được nhiều khía cạnh của đời sống đất nước từ những ngày mới tiếp quản Thủ đô… tới những năm tháng khó khăn trước đổi mới… 

Với bối cảnh không - thời gian của tác phẩm như thế, với trí nhớ có thể nói là siêu việt, hai tập KTTBS dày gần ngàn trang làm sống lại rất nhiều đời sống xã hội của Hà Nội. Bên cạnh dòng “tự truyện” của Hân, số phận hàng loạt nhân vật đủ các tầng lớp cùng diện mạo phố xá, trường học, đền chùa, các làng ngoại ô, cho đến mộ Garnier và bãi tha ma cạnh phố Khâm Thiên đã biến động từ sau ngày “Giải phóng Thủ đô” qua đôi mắt Hân, có thể làm thỏa mãn những ai muốn tìm lại vết tích xưa của Hà Nội.

***

Cuốn sách lấy tên một khu nhà, nên “ưu tiên” dẫn chi tiết gần cuối tập I, khi KTTBS đã… “bung ra” (như Hà Nội đã và đang “bung ra”, hình như chẳng theo quy hoạch nào, nên mới liên tục ngập nước và phải báo động không khí nhiễm độc!). Trong chi tiết này, ông Tham Ngự, một người con xứ Huế, “bạn vong niên” đầu tiên của Hân tại KTTBS và chính là người thiết kế khu nhà này kể, kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Cao Luyện khi kiểm tra thiết kế nhà xí, thấy “Tham Ngự phì cười, cụ đã nghiêm mặt: “Nhà ăn tập thể tính sai, gặp quá tải có thể bưng ra sân hoặc ăn trước ăn sau. Nhưng nhà xí quá tải không thể “nhịn” để đi sau, càng không thể đi ra ngoài! Các anh phải nhớ kỹ…”.

***

Tôi tin nhiều người sẽ chú ý đến những câu chuyện anh chàng Hân cùng nhiều bạn chung cảnh ngộ trở thành công dân Thủ đô sau ngày 10/10/1954.

Trái ngược với cái không khí nóng rực đó, khi lên tàu điện đi thăm Thủ đô, Hân “trố mắt” trước người lái tàu quá tử tế, bảo: “Sinh viên tương lai thì miễn phí… Cậu xuống tàu ở đây, đi lùi trở lại vài chục bước là vườn hoa Bách Thảo”.

Mà không chỉ người lái tàu mới tử tế, lịch thiệp như thế. Ở một quán ăn, “Hân chọn chỗ ngồi gần một bà trạc năm mươi, khăn nhung thả đuôi gà rất kiểu cách… áo dạ nhung the và quần lĩnh đen, cổ đeo chuỗi hạt trai, nơi cổ tay lại có một vòng ngọc bích…”. Bà biết ngay Hân mới ra Hà Nội lần đầu, hướng dẫn anh gọi món ăn, rồi vui vẻ kể chuyện nhà bà đã nhường phòng trên gác cho 5 cậu học sinh ở tạm chờ vào trường… Một “pha” tiếp theo cũng rất “ngon”, khi một chiếc xe máy Solex trờ tới, “trên xe là một cô gái chừng đôi mươi… Áo dài trắng, quần trắng, đi guốc cao gót, ngoài bận áo len, trông như cánh trong của con ve sầu…”. Cô ra đón mẹ, nghe lời mẹ cất tiếng chào ngọt lịm “Em chào anh!”…

Hân còn gặp lại mẹ con “dễ thương” này ở phố Mã Mây, khi tìm Thứ, bạn cùng làng đang trọ ở đây.

"Ngày xưa” ấy với lớp sinh viên đầu tiên ở Hà Nội sau ngày 10/10/1954, cũng có không ít chuyện vui. Như 5 chàng “ở trọ nhà ông Ký, tối 28 Tết, nghe bảo xuống gặp cán bộ khu phố, tưởng họ đến xét giấy tờ, ai ngờ, được tặng mứt, kẹo, trà và 25.000 đồng tiền mặt.

Rồi đến ngày Quốc Khánh 2/9 năm 1956, được diễu hành qua Ba Đình, được thấy Bác Hồ, ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trên lễ đài…

Lớp sinh viên ngày ấy, nhiều người đã trở thành những cán bộ có đóng góp đáng kể vào cuộc cuộc xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nếu có dịp đọc KTTBS hẳn sẽ rất xúc động khi được “gặp lại” những con người, và khung cảnh Hà Nội một thời đã xa, nơi họ đã sống những năm tuổi trẻ không thể nào quên…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”
Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”

Nhà văn Trần Băng Khuê sinh năm 1982, vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế đầu năm nay. Trần Băng Khuê viết nhiều thể loại như truyện ngắn, tùy bút, bút ký, tản văn… Ở mỗi thể loại, chị đều có những thành tựu đáng kể.

Đại tá - Đại sứ Hà Văn Lâu, chuyện chưa phải ai cũng biết
Đại tá - Đại sứ Hà Văn Lâu, chuyện chưa phải ai cũng biết

Cuộc đời gần một thế kỷ của nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu phong phú, đa dạng và hấp dẫn như một trường thiên tiểu thuyết. Cách đây 18 năm, nhà văn Trần Công Tấn đã viết tác phẩm “Hà Văn Lâu, người đi từ bến làng Sình” dày 600 trang (NXB Phụ Nữ, 2004). Có thể nói, cuốn truyện ký khá sinh động này và cuốn sách “Đại tá Hà Văn Lâu, Hồi ức cách mạng trong kỷ niệm” - Hà Thị Diệu Hồng & Kiều Mai Sơn tuyển chọn - biên soạn, do NXB Thông tin & Truyền thông vừa in, nhân dịp tiến tới kỷ niệm 105 ngày sinh nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu (9/12/1918 - 6/12/2016) là những tư liệu quý, chân thực và phong phú để có thể dựng nên một tiểu thuyết sử thi về cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.