Thứ Sáu, 30/06/2017 07:33

Những khoảnh khắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người dân Bình Điền

Hơn 30 năm, bộ ảnh đen trắng chụp lại chuyến thăm Bình Điền (thuộc TX. Hương Trà ngày nay) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giữ gìn khá nguyên vẹn. Mỗi tấm ảnh là một câu chuyện kết nối trong chuyến thăm vùng kinh tế mới của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thời bấy giờ!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Trị Thiên - HuếHoàn thiện hồ sơ xây Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp“Võ công truyền quốc sử Văn đức quán nhân tâm”

Thăm và xem sản phẩm đường bánh sau khi nấu của HTX

Khi đưa một vài hình ảnh về chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang facebook cá nhân, anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Bình Điền, TX. Hương Trà nhận được nhiều hưởng ứng từ những người đồng hương.

Tại trụ sở UBND xã Bình Điền trong tiết trời se lạnh, câu chuyện của chúng tôi với các nhân chứng càng lúc càng sôi nổi bởi hơn 30 năm qua đi, cảnh cũ đã mất, nhiều người đã không còn. Song tựu chung, là cảm giác tự hào xen lẫn vinh dự khi đón Đại tướng về thăm vùng kinh tế mới Bình Điền.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Điền Trần Kiên Nhẫn đón Đại tướng và đoàn công tác

Năm 1986, ông Trần Kiên Nhẫn, Chủ tịch UBND xã Bình Điền được tin báo Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp sẽ ghé thăm địa phương. Tiếp đó một ngày, đã có đoàn tiền trạm của tỉnh lên làm việc và ở lại để đảm bảo an ninh cho chuyến công tác.

Lúc đó, đường lên Bình Điền phải qua phà. Đoàn đi 5 xe, tháp tùng Đại tướng có 2 cận vệ, đại diện lãnh đạo địa phương còn có ông Nguyễn Lén, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND thành phố đi cùng. Ông Trần Kiên Nhẫn bắt tay Đại tướng và báo cáo tình hình kinh tế-xã hội sơ bộ trong buổi làm việc. Sau đó, Đại tướng ra chợ Bình Điền, gặp gỡ, hỏi han những người bán nông sản về tình hình sản xuất, đời sống sau khi lên đây lập nghiệp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chợ Bình Điền thăm hỏi tình hình mua bán nông sản

Năm 1986, hợp tác xã Bình Điền có nhiều mô hình sản xuất như làm chổi đót, sản xuất gạch, làm nước đá, sản xuất đường từ mía... Riêng hoạt động làm chổi và làm mành tre có 60 nhân công tham gia, sản phẩm còn gửi đi xuất khẩu. "Mô hình này rất hiệu quả và có thể đó là điểm sáng trong sản xuất thời bấy giờ mà Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp quan tâm", ông Trần Kiên Nhẫn, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Điền cho hay.

Chị Lê Thị Hồng (nay đã lên chức bà) thời điểm ấy là cô nhân viên hợp tác xã nông nghiệp 28 tuổi ngồi ở quầy công nghệ phẩm. “Bác Giáp đến, trò chuyện, hỏi han kỹ lưỡng, thân thiện. Người cận vệ Bác đã chụp lại khoảnh khắc này và gửi ảnh về lại địa phương”, chị Hồng kể.

Đại tướng và các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm

Tầm trưa, Đại tướng ghé thăm Trường THCS Bình Điền, động viên thầy và trò trong giảng dạy, học tập. Thầy giáo Nguyễn Xuân Thụ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Bình Điền giai đoạn 1983-1992 nhớ lại qua ký ức: “Thời gian đó còn khó khăn lắm! Cả trường chỉ có tầm 20 thầy cô dạy học sinh cấp một và cấp hai. Bác Giáp ghé trường, thăm hỏi động viên thầy trò vượt khó vươn lên. Bác dặn trồng cây giữ bóng mát và bảo vệ môi trường. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp một vị lãnh đạo Nhà nước – người nổi tiếng qua sử sách nhưng cảm giác rất gần gũi, giản dị”.

Còn anh Nguyễn Trung Kiên thuở ấy là học sinh cấp 2 tiếc: “Mọi người đã nghe tiếng Bác Giáp đánh thắng tướng Des Castries ở trận Điện Biên Phủ từ lâu qua sách vở. Hôm ấy được thấy Đại tướng bằng xương bằng thịt, các bạn học sinh đều háo hức. Ai cũng mong được tiếp cận Đại tướng nhưng khoảnh khắc đó trôi qua quá nhanh. Chúng tôi chỉ kịp nhìn thấy Đại tướng và đoàn trong giây lát”.

Người hỏi thăm tình hình sản xuất và trò chuyện với chị Lê Thị Hồng

Buổi chiều, đoàn đến Thủy điện Bình Điền. Đây là công trình thủy điện mang nhiều dấu ấn của địa phương khi làm hoàn toàn bằng thủ công và huy động sức người sức của để thi công. Lúc đoàn ghé thăm, lực lượng đội thường trực bám trụ ở công trình đang vận hành tua bin máy. Đến nay, thủy điện này đã xuống cấp, địa phương dự định sẽ giao cho một đơn vị nghiên cứu cải tạo đưa công trình này vào khai thác dịch vụ du lịch.

Anh Trần Tranh, người có mặt trong chuyến thăm năm 1986 cho hay, Đại tướng và đoàn ăn cơm trưa ở trụ sở xã, trong đó có món bánh khoái do đích thân vợ ông Trần Kiên Nhẫn vào bếp đãi khách quý. “Thấy anh em làm nhiệm vụ bảo vệ trực đứng bên ngoài, Đại tướng vẫy tay cho phép vào ngồi ăn cùng, mời mỗi người một chai bia. Vừa ăn mọi người vừa chuyện trò cười nói vui vẻ. Trông Đại tướng lúc ấy gần gũi và thân thiện vô cùng. Hình ảnh đó cứ theo tôi mãi”, anh Tranh hồi tưởng.

Trở lại với những bức ảnh tư liệu quý giá khá rõ nét kể trên, anh Nguyễn Trung Kiên cho hay, phần lớn là nhờ công chị Hồng. Năm 1996, chị Hồng lúc này là cán bộ của xã phát hiện các tấm ảnh này lưu kho nên bảo quản, giữ gìn và sau khi về hưu một thời gian, chị trao lại cho xã.

Năm 2013, lúc Đại tướng mất, chính quyền địa phương cũng lập bàn thờ tại trụ sở. Rất nhiều người đến dâng hương tỏ lòng tiếc thương, một số người lớn tuổi đã nhắc đến chuyến viếng thăm năm xưa như những ký ức đẹp của họ với một vị tướng tài, vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ giản dị, gần gũi với Nhân dân…

“Đây là bộ tư liệu hình ảnh quý về Đại tướng mà địa phương còn lưu giữ được. Bước đầu chúng tôi tìm tiệm ảnh để phục hồi một vài tấm có điểm ố vàng, sau đó số hóa toàn bộ. Không chỉ đưa vào lịch sử Đảng bộ xã trong tương lai, khi có phòng truyền thống, chúng tôi sẽ cho phóng to và trưng bày những hình ảnh về Đại tướng với mảnh đất này

ANH NGUYỄN TRUNG KIÊN - CHỦ TỊCH UBND XÃ BÌNH ĐIỀN

BÀI: LINH TUỆ - ẢNH: CHỤP LẠI TỪ TƯ LIỆU CỦA UBND XÃ BÌNH ĐIỀN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký thoả thuận hữu nghị giữa TP Huế với TP Iasi
Ký thoả thuận hữu nghị giữa TP. Huế với TP. Iasi

Từ ngày 9 - 12/2, đoàn công tác của UBND TP. Huế do Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật dẫn đầu đã đến thăm, làm việc tại thành phố Iasi, Cộng hòa Rumani và ký kết thỏa thuận hữu nghị và hợp tác giữa hai thành phố. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ban, ngành.