Thứ Ba, 07/04/2020 07:45

Những người “chữa lành” vết thương

66 nóc nhà tại thôn Mai Vĩnh và Khánh Mỹ (Vinh Xuân, Phú Vang) bị tốc mái nặng trong lốc xoáy. Các lực lượng ở địa phương và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tăng cường quân số, trong một ngày đã giúp dân dọn dẹp xong những ngổn ngang, đổ nát. Và rồi, BĐBP Đồn Biên phòng Vinh Xuân tiếp tục “ở lại”, xắn tay “chữa lành” những vết thương.

Quốc khánh nhớ ơn Người: Niềm tự hào mang họ Bác của đồng bào Vân KiềuChống chủ nghĩa thực dụng

Bộ đội Biên phòng đồn Vinh Xuân giúp dân lợp lại mái nhà

Tôi trở lại Vinh Xuân. Mới chỉ hai ngày trước - ngày 28/9 - bất cứ ai đến nơi đây đều không khỏi thảng thốt trước khung cảnh nhà tốc mái, nhà sập, ngổn ngang. Nước mắt người dân nhòa vào màn mưa. Nhưng bây giờ, dưới ban mai, Khánh Mỹ nhộn nhịp hình ảnh vật liệu xây dựng đang được bốc dỡ từ xe vận chuyển đến. Trong màu nắng là màu áo của BĐBP. Những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đang miệt mài giúp dân lợp lại mái nhà.

Lúc này, tại nhà ông Trương Văn Đấu, tốp cán bộ, chiến sĩ hối hả bắc thang, chuyển ngói, thận trọng lựa thế đặt từng viên ngói sao cho chắc chắn. Người đàn ông tuổi 65, gương mặt gầy, hốc hác, khiến già đi thêm cả chục tuổi. Ông Đấu nhớ lại: Nhà tôi thuộc diện chắc chắn. Ai ngờ cơn lốc xoáy hung dữ “bốc” hết mái ngói. Chớp mắt, trong nhà cũng như ngoài trời. Nửa  đêm, gió thì rít, mưa thì xối xả. Mấy đứa con lớn đều lập nghiệp làm ăn ở tỉnh khác. Vợ chồng tôi cùng đứa con gái bị bệnh hốt hoảng “trốn” xuống góc bếp. Cuộc sống đang yên ấm, qua một đêm bỗng dưng rơi vào cảnh màn trời, ai lâm vào hoàn cảnh ấy đều bàng hoàng. Nhưng bây giờ, mọi rối bời, hoảng loạn đã qua đi.

Nhìn đôi tay những người lính biên phòng lợp những hàng ngói mới chắc chắn, “chữa lành” mái nhà đêm hôm trước bị gió dữ xé tươm, ông Đấu nở nụ cười, khiến những nếp lo âu trên mặt như được xóa hết.

Cái nắng mỗi lúc một gay gắt. Thiếu tá Thái Ngọc Hùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vinh Xuân - trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ giúp dân lợp lại mái nhà sau bão - đang cùng anh em tạm nghỉ ngơi. Nhưng lúc này, người đàn ông trung niên, ở cách nhà ông Đấu không xa đến ngỏ lời, nhờ bộ đội “giúp một tay” tháo dỡ số ngói nứt, vỡ còn “kẹt” lại trên mái. Vậy là vội vàng uống cạn ly nước, không kịp để mồ hôi ráo bớt, đội cán bộ, chiến sĩ chia nửa, lập tức khẩn trương hơn, để vừa hoàn thành giúp nhà này, lại giúp được thêm một gia đình khác đang cần.

“Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân là những người ở lại cạnh dân, xắn tay giúp dân sửa chữa, lợp lại mái nhà. Các anh tập trung giúp toàn bộ đối với những hộ neo đơn, già cả. Đồng thời cùng góp sức, chung tay phần nào với nhiều gia đình khác. Có các anh, ai nấy yên tâm, vững lòng hơn. 3 căn nhà lớn, nhỏ của tôi đều bị tốc mái. Bây giờ 2 căn nhà đã được lợp lại, chỉn chu, trong đó có công sức BĐBP. Điều gì cấp thiết nhất mình nhờ. Điều gì làm được, mình chủ động. Vì các anh còn phải giúp rất nhiều gia đình khác” - bà Nguyễn Thị Sinh nói như vậy, khi khoe về hai căn nhà đã “êm ấm”, đồng thời dẫn khách đến căn nhà còn lại, đang được người bà con cùng thợ tiếp tục sửa chữa.

“May mà có BĐBP giúp, chứ đang lúc rối trí quá, chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Cán bộ, chiến sĩ sáng sớm đã có mặt tại thôn, chia nhau giúp các hộ, đến chiều muộn mới trở về đơn vị, là hình ảnh thân thuộc, cũng là “điểm tựa” về tinh thần cho người dân”. Đó là lời tự đáy lòng mà rất nhiều người dân thôn Khánh Mỹ thốt lên. Ông Trương Văn Nhạc rơm rớm, trong khi nở nụ cười khoe mái nhà bị tốc toàn bộ vừa được những người lính biên phòng giúp lợp lại. Đó là nước mắt của xúc động và hạnh phúc!

“BĐBP sợ dân khổ nên cố gắng làm chắc nhất, nhanh nhất. Người dân cũng rất cố gắng vượt qua mất mát, khó khăn, cùng chung sức để sớm có chỗ ở, ổn định cuộc sống. Bây giờ, người dân vào ở được 80% rồi” - ông Trương Công Anh, Trưởng Ban Mặt trận thôn Khánh Mỹ chia sẻ. Khi tôi thực hiện bài viết này, hầu như toàn bộ mấy chục ngôi nhà bị tốc mái tại hai thôn Mai Vĩnh và Khánh Mỹ đã được lợp lại. Riêng mấy ngôi nhà bị sập, người dân đang chờ để xây dựng mới.

Thượng tá Lê Hồng Tuyên, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh nói rằng, lực lượng BĐBP luôn trong tâm thế sẵn sàng giúp dân, không quản ngại mọi khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, các đồn biên phòng “đứng chân” trên địa bàn hai tuyến biên giới, luôn là lực lượng sát cánh với người dân, trực tiếp kề vai giúp đỡ, để cuộc sống người dân sớm được ổn định. Với tâm thế đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Đồn Biên phòng Hương Nguyên và rất nhiều đồn biên phòng trên hai tuyến biên giới, đã giúp lợp lại hàng chục mái nhà “bị thương” do bão. Cùng với chính quyền địa phương các cấp, lực lượng BĐBP đã và đang giúp dân chữa lành những mất mát sau thiên tai.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chữa lành “by Hue”
Chữa lành “by Hue”!

Tôi đã yêu Hà Nội bằng một tình yêu day dứt. Nhớ Hà Nội cả trong những sớm heo may hay những ngày ngàn ngạt rét giá.

Không chủ quan với vết thương trầy xước mùa ngập lụt
Không chủ quan với vết thương trầy xước mùa ngập lụt

Dù chỉ là vết da trầy xước, nhưng nếu vùng bị thương có tiếp xúc trực tiếp nước bẩn, nước tù đọng, ngập lụt thì người dân tuyệt đối không chủ quan. Đây hoàn toàn có thể là “cửa ngõ” để những vi khuẩn nguy hiểm trong môi trường ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể, nhất là những vi khuẩn gây uốn ván, hay Whitmore.

Những người “không nghỉ tết”
Những người “không nghỉ tết”

Nói như thế chưa hẳn đã đúng, chẳng qua là họ đón tết theo cách của mình. Nhưng thực tế có nhiều người, nhiều ngành hàng ba ngày tết họ không hề nghỉ. Họ làm việc miệt mài suốt ngày đêm và thậm chí là còn tăng cường nguồn nhân lực nhiều hơn lúc bình thường.

Gia đình - điểm tựa hàn gắn vết thương, hòa hợp dân tộc
Gia đình - điểm tựa hàn gắn vết thương, hòa hợp dân tộc

Nhà văn Hữu Phương, từng được bạn đọc chú ý từ truyện ngắn “Ba người trên sân ga”, rồi các tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ”, “Súng nổ bến Thiên Đường”… vừa cho ra mắt tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ” (QĐLLB), tác phẩm được thực hiện trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2019.