Thứ Bảy, 18/05/2019 05:00

Những vấn đề cần được đầu tư và thay đổi

Chúng ta đang kỳ vọng một thế hệ học sinh năng động, nắm bắt kiến thức phổ thông, am hiểu ngoại ngữ, có kỹ năng sống, sống có trách nhiệm... để xây dựng Thừa Thiên Huế có được vị thế với những gì vốn có và để chung tay góp sức xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh.
 

 

Huế từ thuở Kinh kỳ đã hội tụ tinh hoa của đất nước, hiền tài về kinh đô và cũng từ kinh đô, những hiền tài được đào tạo lan tỏa các vùng miền của Tổ quốc. Chúng ta tự hào về nền giáo dục đã được thử thách, tôi luyện vượt qua bao khó khăn trước thăng trầm của lịch sử vẫn vững vàng cho việc dạy, việc học để đào tạo biết bao thế hệ học sinh đã làm rạng danh đất nước, cho xứ sở Cố đô. 

Huế với truyền thống hiếu học, với triết lý “tiên học lễ hậu học văn”, “dạy cho ra trò” đã trở thành nét đẹp của giáo dục Huế, khẳng định vùng đất học, vùng đất văn hiến. Cốt cách nho nhã, thanh lịch của người Huế đã góp phần quan trọng, nền tảng trong phát triển giáo dục Huế.

Nữ sinh Trường THPT chuyên Quốc Học 
 
 
Những năm qua, với sự cố gắng không ngừng của các thế hệ thầy và trò, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đã có những thành tích đáng khích lệ, khá toàn diện. Tuy nhiên,  trước những thay đổi của xã hội, môi trường  giáo dục đã bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Nhìn lại cái được, chưa được, những bất cập trong nhận thức, quản lý giáo dục và quan trọng là đánh giá chất lượng toàn diện của học sinh các cấp học trong thời gian qua với góc độ quốc gia cũng như của địa phương, chúng ta mới có cách nhìn thấu đáo về phát triển giáo dục  để có những giải pháp, biện pháp thực chất từ nhận thức đến hành động, để giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu của đất nước. Đặc biệt đối với Huế, giáo dục là một thế mạnh có tính nền tảng trong thời kỳ chuyển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với sứ mạng lịch sử trồng người hướng đến  giá trị phát triển bền vững của kinh tế tri thức.
 
 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo Sở Giáo dục thăm các trường học trên địa bàn

 

Giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học là trách nhiệm của cộng đồng, của người dân có trách nhiệm với quê hương, với  nền giáo dục nước nhà. Trước những yêu cầu cấp bách đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập; ngành Giáo dục đang gánh vác vai trò quan trọng này với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát huy truyền thống giáo dục của vùng đất để vươn lên khẳng định vị trí vốn có của nó trong nền giáo dục quốc gia. Công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục đang đặt ra cho xã hội, các cấp chính quyền phải có những hành động cụ thể, thiết thực, đảm bảo khuôn khổ chung trong đổi mới, phát triển giáo dục quốc gia, vừa khơi dậy để lan tỏa những mô  hình đổi mới giáo dục hiệu quả, thực chất, cụ thể trên một số nội dung.

 

Thi viết chữ đẹp tại Trường tiểu học Quang Trung

Trước hết, là việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Giáo dục các em nhân cách lối sống, cốt cách người Huế, ứng xử lễ phép trong giao tiếp, tinh thần vị tha với mọi người, lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô... là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của nhà trường và gia đình. “Tiên học lễ hậu học văn” từ lâu đã trở thành mục tiêu trong nhiệm vụ trồng người của ngành giáo dục. "Học ăn, học nói, học gói, học mở"  là những bài học vỡ lòng, thường xuyên của bao thế hệ học sinh xuyên suất các cấp học. Tăng cường các tiết ngoại khóa, thông qua các buổi nói chuyện của chuyên gia tâm lý, giáo dục để khắc phục tình trạng giáo điều trong dạy đạo đức. Dạy đạo đức phải có nhiều hình thức phù hợp lứa tuổi, liên tục ở các cấp học và được thực hành hàng ngày, hằng giờ khi các em đến trường.

Cần xây dựng chương trình giáo dục thực hành ứng xử, giao tiếp, đạo đức nếp sống, sống có trách nhiệm để thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày thông qua hướng dẫn cụ thể những việc mà tưởng chừng ai cũng biết như học ăn, học nói, học gói, học mở; thực hiện 4 xin: xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép. Xác định đây là chương trình thường xuyên của các cấp học.

 

Phong cách ứng xử của giáo viên, của phụ huynh trong sinh hoạt, giảng dạy hàng ngày có tác động lớn đến phong cách ứng xử của các em, những cử chỉ, hành vi của người lớn sẽ là nữứng dấu ấn về ứng xử trong tâm trí các em ở tuổi học trò..

Tăng cường giáo dục thể chất để phát triển một thế hệ học sinh có sức khỏe, thể chất tốt là vấn đề thứ hai cần được chú trọng. Mỗi trường cần xác định ngoài những môn học thể dục theo chương trình, cần có định hướng môn thể thao thế mạnh nhằm phát huy năng khiếu của các em. Đó cũng là cách để từng bước tạo nguồn vận động viên cho địa phương, quốc gia. Trong đó tập trung các lĩnh vực thể thao mũi nhọn mũi nhọn như cờ vua, võ thuật. Phát huy vai trò các câu lạc bộ cờ vua, chương trình bóng đá học đường... đã được hình thành ở các trường.

Học sinh hào hứng trải nghiệm gia chánh và nghề thủ công địa phương
 

Đổi mới giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm việc theo nhóm là mục tiêu quan trọng thứ ba. Dành thời lượng phù hợp để các em sinh hoạt nhóm thông qua hoạt động xã hội, thi đấu thể thao, tham gia trò chơi ... Giáo dục kỹ năng gia chánh cần được khôi phục, không đơn thuần chỉ để cho cả nam và nữ sinh biết nấu ăn, biết về văn hóa ẩm thực của đất nước mà còn để các em học cách thức quản trị chi tiêu gia đình, biết thao tác may vá, biết tự chăm sóc sức khỏe giới tính. Giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường  thông qua các phong trào Chủ Nhật Xanh, thành phố 4 mùa hoa, nói không với túi ni-lon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần…cần được lưu ý để trở thành ý thức thường xuyên trong nhà trường cũng như ngoài xã hội của các em .

Việc giảng dạy ngôn ngữ Anh trong nhà trường phải được đặt ra trong mục tiêu nâng cao và đổi mới hình thức kiểm tra, tăng cường kỹ năng nói, giao  tiếp. Hình thành hệ thống CLB tiếng Anh các trường học, bao gồm các kỹ năng thi hùng biện, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật bằng tiếng Anh.

Giáo dục truyền thống lịch sử thông qua các buổi tham quan dã ngoại
 

Giáo dục truyền thống địa phương là điều cần được chú trọng. Dạy cho các em biết về cội nguồn, về lịch  sử, văn hóa và con người Huế, con người Việt Nam để các em có quyền  tự hào về những gì  đã làm được của bao thế hệ cha ông. Từ niềm tự hào sẽ  khơi dậy trong các em lòng biết ơn tiền nhân, cha mẹ , thầy cô về những gì  mà các thế hệ trước đã làm cho đất nước, quê hương để hôm nay các em được thừa hưởng và cần phát huy. Duy trì tôn vinh học sinh giỏi toàn trường, tổ chức trao danh hiệu hàng năm tại Quốc Tử Giám. Hình thành Tủ sách về Huế ở các trường để các em khám phá truyền thống văn hóa quê hương. Tăng cường và duy trì số buổi học sinh nữ mặc áo dài truyền thống để các em hiểu hơn, trân trọng hơn truyền thống văn hóa Việt.

Lễ tuyên dương học sinh danh dự toàn trường  tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2019-2020

Ngành giáo dục cần  tổ chức giới thiệu lịch sử Thừa Thiên Huế, di sản Huế thông qua tổ chức tham quan di tích  cho hoc sinh tối thiểu mỗi năm/một lần trên cơ sở hình thành tour tham quan, tổ chức tôn vinh học sinh tại các địa điểm văn hóa giáo dục Văn Thánh - Quốc Tử Giám. Chú trọng đánh giá kết quả nhận thức của các em sau khi tham quan, nghe giới thiệu lịch sử. Các hình thức tổ chức thi tìm hiểu lịch sử qua các trò chơi, đố vui, viết thu hoạch... sẽ mang lại những nhận thức, cảm nhận sinh động của các em về lịch sử, di sản. Cần có kế hoạch biên soạn giáo trình giảng dạy về truyền thống văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế cho học sinh các cấp. Tiếp tục triển khai chương trình hướng dẫn làm thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật truyền thống địa phương vào nhà trường như làm hoa giấy Thanh Tiên, ca Huế, trò chơi dân gian câu đối…Thông qua các hình này để truyền đạt kiến thức văn hóa lịch sử cho các em ngay từ lứa tuổi mẫu giáo; phấn đấu các em lứa tuổi mẫu giáo có thể thuộc 1 làn điệu ca Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trò chuyện với các em học sinh khi đến tham quan trụ sở UBND tỉnh

Một vấn đề quan trọng khác là phải hướng đến việc xây dựng trường học kiểu mẫu hướng đến trường học xanh, trường học hạnh phúc, trường học thông minh. Ban hành các tiêu chí phù hợp quy định chung cũng như thực tế của các địa bàn để đánh giá các danh hiệu. Bên cạnh đảm bảo từng bước cơ sở vật chất cho nhà trường, cần đổi mới vận hành các thiết chế thư viện, nhà vệ sinh, phòng thực hành ... để các em có điều kiện sinh hoạt, học tập. Thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội.

 

Một buổi học tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế)​

Việc kiểm định chất lượng giáo dục, đảm bảo đội ngũ giáo viên có năng lực sư phạm, có kiến thúc chuyên môn, có tâm huyết với học sinh phải được đưa vào như một tiêu chí không thể thiếu. Ban hành các chính sách tuyển dụng giáo viên gắn liền với công tác bồi dưỡng  nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên hiện có để  thật sự có đội ngũ giáo viên đảm đương dược sứ mênh cao cả của ngành. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục thông minh, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý  ngành, phương thức truyền đạt kiến thức cho học sinh để chuyển đổi số ngành giáo dục đi vào thực chất và có hiệu quả.

Học sinh tham quan lăng Tự Đức​

Đổi mới bao giờ cũng phải đương đầu với khó khăn, thách thức. Vì vậy đòi hỏi sự quyết liệt, đồng bộ và kiên trì từ suy nghĩ đến hành động. Chúng ta đang kỳ vọng một thế hệ học sinh năng động, nắm bắt kiến thức phổ thông, am hiểu ngoại  ngữ, có kỹ năng sống, sống có trách nhiệm ... để xây dựng Thừa Thiên Huế có được vị thế với những gì vốn có và để chung tay góp sức xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.