Chủ Nhật, 17/02/2019 14:27

Cần chia sẻ để cùng phòng, chống dịch hiệu quả

Thừa Thiên Huế kích hoạt sử dụng 2 khách sạn làm nơi lưu trú cách ly thu phí theo hình thức tự nguyện. Qua một một tuần triển khai, công tác phục vụ khách được đánh giá đảm bảo quy trình an toàn, nhưng lại nảy sinh những ý kiến về giá và dịch vụ khiến các khách sạn không còn “mặn mà” duy trì làm nơi cách ly sau này.

Sử dụng cơ sở lưu trú du lịch vào việc cách ly phòng chống dịch COVID-19

Công dân về lưu trú cách ly tại Khách sạn Century

Yêu cầu dịch vụ cao hơn

Ngày 2/8, đoàn xe buýt đưa hơn 240 công dân từ Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đến Khách sạn Century và Khách sạn nghỉ dưỡng Sun&Sea để lưu trú cách ly. Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC), qua một tuần triển khai phục vụ khách cách ly tại khách sạn, các quy định về an toàn, quy trình phục vụ khách được thực hiện bài bản và chặt chẽ.

Yêu cầu quan trọng nhất là quy trình phục vụ khách an toàn đã được đảm bảo, tuy nhiên, những ngày qua lại phát sinh một số vấn đề khá “nhạy cảm” liên quan đến kinh phí và các dịch vụ trong khu cách ly khách sạn. Theo một nhân viên đang tham gia phục vụ cách ly, nhiều người ban đầu về lưu trú rất dễ tính, không có ý kiến gì, nhưng sau một thời gian lại chê thức ăn không ngon, thức ăn thiếu, đòi hỏi trang bị thêm các vật dụng trong phòng… Một số người đang lưu trú cho rằng, chi phí cách ly ở khách sạn cao, nên phải có những dịch vụ tốt hơn nữa.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Khách sạn Century chia sẻ, những ý kiến trên chỉ xảy ra đơn lẻ, nhưng thật buồn khi một số người lại chia sẻ lên mạng xã hội. Điều này làm cho nhiều người hiểu nhầm, ảnh hưởng đến hình ảnh khách sạn, khiến nhiệt huyết của những người tham gia phục vụ cũng giảm đi.

Ông Bình cho hay, không hiểu một số người lấy cơ sở đâu mà cho rằng, họ phải bỏ ra 30 - 40 triệu đồng để lưu trú cách ly. Trong khi đó, giá dịch vụ đã được công bố trước đó, một phòng có giá 1,05 triệu đồng, có thể ở 1 và 2 người. Thậm chí có phòng ở 4 người khi thêm 2 trẻ em vì theo hộ gia đình. Dù có thêm ăn uống, tối đa một phòng như thế cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng là tối đa, nếu phòng ở 2 người thì mỗi người 10 triệu đồng.

Không chỉ Khách sạn Century, Khu nghỉ dưỡng Sun&Sea cũng tương tự. Có ý kiến phản ánh, lưu trú tại khách sạn này trong 14 ngày cách ly hết 70 triệu đồng. Đại diện khách sạn cho biết, theo bảng giá được thống nhất công bố trước đó, lưu trú tại Sun&Sea có giá từ 1,1 – 1,8 triệu đồng/2 khách. Không biết họ tính như thế nào để ra con số lưu trú xong hết 70 triệu đồng như thế.

Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, về giá dịch vụ cách ly đã có sự thống nhất trước đó và được sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Lưu trú cách ly ở khách sạn không giống như lưu trú bình thường. Các dịch vụ phải hạn chế, trong khi đó đòi hỏi nhiều về y tế, bảo hộ, xử lý rác thải... Các chi phí dành cho chống dịch sẽ làm tăng chi phí lưu trú. Dù thế, ngành cũng đang nghiên cứu để có sự tính toán giá hợp lý, phù hợp nếu tiếp tục có những đợt lưu trú sau, có thể tăng hoặc giảm tùy vào thực tế.

Cần có sự chia sẻ

Lưu trú cách ly tại khách sạn là theo hình tự nguyện, dựa trên nhu cầu công dân. Lưu trú tốn phí, việc yêu cầu và thắc mắc dịch vụ là quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ. Song, trong giai đoạn hiện nay, quan trọng nhất vẫn là sự chia sẻ, thông cảm từ phía người dân để công cuộc chống dịch đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Bình phân tích, hiện khách sạn huy động 42 nhân viên tham gia phục vụ 180 khách. Để thuyết phục nhân viên đi làm trong hoàn cảnh này phải tăng 300% lương. 12 nhân viên phục vụ vòng trong, trực tiếp với khách mỗi ngày phải tốn 48 bộ bảo hộ; cộng với kinh phí xử lý rác thải y tế, các dụng cụ sử dụng một lần phải hết khoảng 10 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể chăn, ga, gối, nệm sau khi sử dụng xong cách ly cũng phải thay thế.

“Tính chi tiết tất cả các chi phí một cách sòng phẳng, khách sạn không có lãi. Đó là trách nhiệm, còn nói để kinh doanh có lãi khi khách sạn sử dụng làm nơi cách ly là không có. Do đó, sau lần phục vụ này, rất khó để khách sạn tiếp tục duy trì phục vụ các lần tiếp theo”, ông Bình nhấn mạnh.

Cũng cần nói thêm, khó khăn không phải ở quy trình, đảm bảo an toàn mà chính là thiếu lực lượng nhân viên phục vụ. Gia đình là rào cản khiến các nhân viên từ chối làm việc, bởi khi tham gia phục vụ đồng nghĩa là ở lại khách sạn, không về nhà trong 1 tháng. Theo các doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí nhân viên, lo lắng là tâm trạng khó tránh khỏi. Trong bối cảnh này, sự chia sẻ, hợp tác của khách lưu trú sẽ tiếp thêm động lực cho những người tham gia phục vụ.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện tại tỉnh đã tạm khóa đăng ký lưu trú thu phí tự nguyện trên hệ thống Hue-S. Việc đón, phục vụ khách đến lưu trú cách ly tùy vào tình hình, diễn biến cụ thể trong thời gian đến và sẽ do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh quyết định. Riêng với những phát sinh về giá và dịch vụ và để các khách sạn duy trì phục vụ khách khi có yêu cầu đòi hỏi phải có những giải pháp mới, phù hợp hơn trong thời gian đến.

Bài, ảnh: Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả
Dự án liên quan chương trình giảm phát thải mang lại nhiều hiệu quả

Sáng 22/2, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trong thực hiện, giám sát và đánh giá Chương trình Giảm phát thải (ER-P)”.

Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới
Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới

Vài năm trở lại gần đây, podcast nổi lên như một cách tiếp cận thông tin mới của giới trẻ. Những đoạn âm thanh vốn trước đây không được mấy người chú ý đã như một cuộc cách mạng về văn hóa đầy thú vị trong cuộc sống của giới trẻ hiện đại.