Thứ Năm, 04/04/2019 07:15

Nghỉ việc vì dịch, lao động chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Dịch COVID-19 phức tạp khiến không ít lao động phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động. Nhiều người chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để duy trì "của để dành" cho mình.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện khởi sắc với mục tiêu “kép”Tích cóp để có lương hưu

Vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, nhân viên của một công ty du lịch tại TP. Huế, sau khi nghỉ việc ở công ty chị đã tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 900.000 đồng/tháng. Chị lựa chọn hình thức đóng 3 tháng 1 lần, chuyển khoản cho đại lý thu. Chị Anh kể, trước kia làm kế toán trong doanh nghiệp, dịch COVID-19 kéo dài nên doanh nghiệp phá sản, chị cũng nghỉ việc. Khi làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chị được cán bộ BHXH tư vấn tham gia BHXH tự nguyện. “Mức đóng hàng tháng cũng khá nhiều, nhưng tôi dự định sẽ đóng đến khi nào tìm được việc mới, sẽ cộng nối luôn thời gian đóng BHXH mà không bị ngắt quãng” - chị Anh cho biết.

Trong khi nhiều lao động trẻ muốn nhận BHXH 1 lần thì lao động có thâm niên trong nghề lại muốn tham gia BHXH tự nguyện, để không bị gián đoạn khi về hưu. Anh Đinh Văn Kiệt, lái xe taxi cũng tham gia BHXH tự nguyện được 2 tháng với mức đóng 754.000 đồng/tháng. Anh đã tham gia BHXH được 15 năm nên khi nghỉ việc anh nghĩ ngay đến việc tham gia BHXH tự nguyện để đủ thời gian hưởng lương hưu. Theo anh Kiệt, thủ tục tham gia BHXH rất nhanh chóng, hình thức nộp qua chuyển khoản ngân hàng vô cùng tiện lợi.

BHXH tự nguyện có phương thức đóng góp linh hoạt, người tham gia được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình và có thể thay đổi mức đóng từ thấp lên mức cao hơn. Sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cho phép người lao động trước đây tham gia BHXH bắt buộc, vì lý do nào đó phải nghỉ việc, nếu sau đó chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện, hoặc đối với trường hợp chuyển từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc thì được bảo lưu thời gian đã đóng để làm cơ sở tính hưởng chế độ BHXH. Ngoài chế độ hưu trí, người tham gia còn được cấp thẻ BHYT miễn phí cho đến khi qua đời; người thân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất như với người tham gia BHXH bắt buộc.

Đối với trường hợp người lao động nghỉ hẳn và làm việc tự do, không ký kết hợp đồng lao động với bất kỳ đơn vị hay doanh nghiệp nào thì người lao động nên lựa chọn hình thức tham gia BHXH tự nguyện. Với hình thức tham gia BHXH này, người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ tiếp tục duy trì thời gian để hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất cho người lao động. Ngoài ra, người lao động còn được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia.

Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, đối với trường hợp người lao động nghỉ việc để tìm việc mới mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Trong trường hợp người lao động nghỉ việc ở đơn vị cũ để tìm công việc mới tốt hơn, nên lựa chọn việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH. Khi tìm được việc làm mới, người lao động sẽ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, BHXH tỉnh đã phối hợp với Bưu điện thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp. Tại những vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhân viên đại lý thu bưu điện gọi điện thoại tư vấn tới những người dân chưa thực hiện tiếp tục BHXH tự nguyện, chưa gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình, đồng thời hướng dẫn người dân nộp tiền thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ trực tuyến Ebanking của các ngân hàng. Còn đối với các đơn vị lập danh sách báo giảm lao động chấm dứt hợp đồng, sau khi chốt sổ BHXH cho người lao động, cán bộ BHXH sẽ kẹp trả cùng tờ gấp và phiếu hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện cùng sổ BHXH (đã chốt), đồng thời điện thoại trực tiếp cho người lao động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cụ thể đăng ký mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện.

Để bù cho số tham gia BHXH bắt buộc bị sụt giảm do dịch bệnh COVID-19, BHXH tỉnh xác định phải tích cực vận động người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, giảm đóng BHXH bắt buộc được chuyển đóng BHXH tự nguyện, không gián đoạn thời gian tham gia, đồng thời gia tăng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động
Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động

Cùng với sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, chọn ngành theo dự báo thị trường lao động là tiêu chí mà thí sinh cần chú ý trước ngưỡng cửa đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).

Nhu cầu lao động trong ngành du lịch tăng mạnh
Nhu cầu lao động trong ngành du lịch tăng mạnh

Đầu năm mới, nhu cầu về lao động trong ngành du lịch tăng mạnh. Nhu cầu cao, mà nguồn lao động lại không tăng thêm dẫn đến doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động.

Chú Tuệ cắt cỏ
Chú Tuệ cắt cỏ

Nghề cắt cỏ không lạ cũng chẳng phổ biến, nhưng đã giúp chú Hoàng Hữu Tuệ (sinh năm 1968, ở Kim Long - Huế) có thêm thu nhập.

Còn hơn 200 000 lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội
Còn hơn 200.000 lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội

Tổng Liên đoàn Lao động kiến nghị có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), không được hưởng các chế độ, cả lương hưu.