Thứ Sáu, 26/07/2019 06:10

Chuyện chiếc bàn trong hội đàm Paris

Hội đàm Paris bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam là một sự kiện ngoại giao “có một không hai” trên thế giới ở thế kỷ XX; nơi diễn ra những cuộc so kè, đấu trí căng thẳng giữa hai bên gồm Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm đi đến sự thỏa thuận căn bản về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh: TL

Hội đàm Paris đã đạt kỷ lục lịch sử trong đàm phán ngoại giao thế giới về thời gian, các phiên tranh luận liên quan: Cuộc đàm phán này kéo dài 4 năm 8 tháng 14 ngày (từ 13/5/1968 đến 27/01/1973); trải qua hai giai đoạn gay cấn gồm:

Từ 1968 - 1972: Các bên dùng hội nghị như diễn đàn đấu tranh chính trị. Trong giai đoạn này, các phiên đàm phán thường rơi vào bế tắc do tình trạng giằng co trên chiến trường và do phía Hoa Kỳ không chịu đi vào đàm phán thực chất đối với việc rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Giai đoạn này cũng diễn ra các cuộc tiếp xúc bí mật giữa hai cố vấn đặc biệt: Lê Đức Thọ của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và TS. Henry Kissinger, cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ - Richard Nixon, nhưng không đi đến thỏa hiệp do lập trường các bên quá khác biệt và cục diện chiến trường chưa nghiêng hẳn về bên nào.

Từ cuối 1972 - đầu 1973: Khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chủ trương chuyển hướng sang chiến lược hòa bình. Trước áp lực quốc tế và trong nước đối với Hoa Kỳ về việc ký kết thỏa thuận hòa bình ngày càng tăng, đặc biệt áp lực tăng tới đỉnh điểm khi Chiến dịch Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thất bại và được coi là minh chứng cho Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Hoa Kỳ đã sụp đổ, thì đàm phán mới đi vào thực chất thỏa hiệp.

Trong suốt quá trình đàm phán, đã diễn ra tổng cộng 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh ủng hộ Việt Nam… Điều đó đã chứng tỏ sự quyết liệt, phức tạp về lập trường của cả hai bên, phản ánh cục diện và sức mạnh mỗi bên diễn ra hằng ngày trên chiến trường, lẫn trên bàn đàm phán.

Trong đó, riêng chuyện chiếc bàn sử dụng trong hội đàm bốn bên, cũng là điều hết sức căng thẳng, cho thấy sự ngoan cố, xảo quyệt, muốn kéo dài chiến tranh, tạo thời cơ để vực dậy chính quyền Sài Gòn từ phía Hoa Kỳ.

Vào cuối năm 1968, trước áp lực trên chiến trường, cũng như trên bàn đàm phán và sự giận dữ của người dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh, buộc chính quyền Nixon phải rút quân và chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Lúc này, đoàn đàm phán của Hoa Kỳ tại Paris mới chấp nhận thành phần bốn bên trong đàm phán Hiệp định gồm: Hoa Kỳ cùng với Chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để hội nghị bốn bên diễn ra, phía Hoa Kỳ đã đưa ra ý kiến tranh luận nảy lửa về phòng họp, về sử dụng ngôn ngữ, về kiểu dáng chiếc bàn dùng trong hội đàm… Chỉ riêng chuyện kiểu dáng chiếc bàn, phía Hoa Kỳ đã kéo dài 8 cuộc họp bàn thảo giữa hai bên và mất gần hai tháng mới đi đến thống nhất chuyện chiếc bàn.

Về phía đoàn Hoa Kỳ, đại diện là Vanxơ đã đưa ra 10 kiểu bàn, từ bàn hình vuông, hình chữ nhật, hình bầu dục cắt dọc, hình quả trám hai đầu hở, hai đầu liền, hình tròn cắt đôi…, để thể hiện lập trường hai bên trong đàm phán của mình. Hoa Kỳ luôn yêu sách, kèo nèo quanh chuyện hình dáng mặt bàn, chân bàn…, thực chất là cố tình trì hoãn và muốn kéo dài thời gian để vực dậy quân đội Sài Gòn trước lúc họ rút lui; đồng thời cố tình phủ nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có mặt tại hội đàm. Bởi theo Hoa Kỳ, nếu công nhận Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam là một bên trong đàm phán, tức là công nhận sự thất bại của họ trên chiến trường.

Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó đoàn Hà Văn Lâu tỏ ra kiên quyết, bác bỏ những đòi hỏi vô lý từ phía Hoa Kỳ, buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận đàm phán bốn bên, nhằm đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong cuộc chiến đấu cũng như trên bàn đàm phán. Cuối cùng, bằng sự quyết đoán, khôn khéo, Phó đoàn Hà Văn Lâu đưa ra kiểu bàn hình tròn kín không cắt đôi, cả bốn đoàn ai muốn ngồi ở vị trí nào thì ngồi. Trên đó, không có cờ và biển tên đoàn trước mặt, buộc đoàn Hoa Kỳ phải chấp nhận ý kiến của ta, nhưng họ đòi thêm có hai bàn nhỏ đặt hai bên đối diện nhau, cách cạnh ngoài của bàn trong 45 phân. Sau đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã giúp đóng chiếc bàn tròn kín, có thêm hai chiếc bàn nhỏ đặt đối diện như hai bên đã thống nhất.

Với chuyện quanh chiếc bàn trong Hội đàm Paris, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Xuân Thủy đã hài hước nhận xét: “Thật buồn cười, hồi bé, trẻ con hay tranh nhau chỗ ngồi bàn này, bàn kia, ghế nọ, ghế kia. Bây giờ đã bạc đầu, trên trường quốc tế, người ta vẫn tranh nhau như vậy…”, để thấy sự phức tạp, ranh mãnh của đối phương trên bàn đàm phán, dù là điều nhỏ nhất, mà các nhà ngoại giao của ta luôn phải đấu trí để buộc đối phương phải chấp nhận.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.