Thứ Bảy, 02/11/2019 14:37

Nhiều diện tích lúa đông xuân bị đổ ngã

Mưa liên tiếp trong 2 ngày qua khiến nhiều diện tích lúa đông xuân đang “vào chắc” bị ngã đổ hàng loạt. Nhiều diện tích nguy cơ mất trắng, lúa nảy mầm nếu không tiêu úng kịp thời.

Chăm sóc lúa, hoa màu sau mưa lũHương Thủy: Thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng do mưa lũ bất thườngChủ động phòng ngừa trước diễn biến bất thường của thời tiếtTập trung phục hồi cây trồng ngập úng do mưa lũ

Nhiều diện tích lúa ở các địa phương bị ngã rạp

Ngày 2/5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết, đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại do ảnh hưởng mưa lớn, lúa đông xuân đổ ngã, ngập úng và hướng dẫn các HTX biện pháp ứng phó nhằm giảm thiệt hại cho cây trồng.

Vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28 nghìn ha lúa. Đến thời điểm hiện tại có khoảng 27 nghìn ha trổ bông và gần 1.000 ha bắt đầu thu hoạch. Nhiều diện tích lúa đang “vào chắc” gặp thời tiết bất lợi bị đổ ngã nguy cơ thiệt hại nặng.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều diện tích lúa đông xuân đang trổ bông ở một số địa phương như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… bị ngã đổ, ngập úng hàng loạt. Hiện các HTX đang huy động máy bơm tiêu úng cứu lúa.

Ông Lê Văn Sửu (Phú Dương, TP. Huế) cho biết, giai đoạn hiện nay lúa đang “vào chắc” hạt nặng trên cây nên gặp thời tiết mưa, gió lớn như thế này thì đổ ngã hết, nguy cơ nảy mầm rất cao. Gia đình tôi trồng 6 sào lúa giống 4B dự kiến năng suất khoảng 4 tạ/sào, nay gặp thời tiết bất lợi, mất khoảng 70-80% diện tích. Lúa đổ ngã dù có tiêu úng kịp thì sau này vẫn ảnh hưởng năng suất và tốn công thu hoạch do không sử dụng máy gặt đập được. Chưa bao giờ vụ đông xuân nông dân đối diện với khó khăn như năm nay.

Tại HTX Thủy Thanh 2 (Thủy Thanh, Hương Thủy) có đến 70 ha (trên tổng số hơn 300 ha) lúa đổ ngã, thiệt hại khá lớn. Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh 2 thông tin, thống kê bước đầu số diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 10%. Những ngày trước, nắm bắt thông tin thời tiết, HTX đã cho tháo nước và tiêu úng trong ruộng. Với  2 máy bơm công suất khoảng 22 nghìn m3/giờ đã tiêu úng cho diện tích lúa bị ảnh hưởng. Dù tiêu úng kịp nhưng với tình hình lúa đổ ngã  như hiện nay chắc chắn ảnh hưởng năng suất và thu hoạch sau này.  

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện chi cục đang tổ chức kiểm tra, đánh giá tỷ lệ thiệt hại lúa do ảnh hưởng ngập úng, đổ ngã để có biện pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại về năng suất, chất lượng lúa vụ đông xuân. Đồng thời, khẩn trương tổ chức tiêu úng 24/24 nhằm cứu lúa.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương, HTX, đối với diện tích lúa ngập úng, khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày, nhằm hạn chế lúa bị mọc mầm và các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bong, lem lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo.

Một số diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch sớm, tránh thiệt hại

Đối với diện tích lúa bị đổ ngã, diện tích lúa giai đoạn trổ chín, có tỷ lệ hạt chín trên bông cao tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm xanh nhà hơn già đồng để hạn chế thiệt hại.

Diện tích lúa giai đoạn trổ chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín.

Đối với lúa làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.

Tăng cường kiểm tra các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu,…để chỉ đạo phun trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại, nhất là trên diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã.

Trước đó, đợt mưa từ ngày 31/3 đến ngày 3/4 cũng đã làm khoảng 20.800 ha diện tích lúa toàn tỉnh bị ngập úng. Trong đó, ước tính diện tích bị ảnh hưởng trên 70% khoảng 17.700 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30 - 70% là trên 3.000 ha. Diện tích ngập úng các lại cây trồng khác khoảng hơn 2.300ha. Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất, UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, 15 tấn giống rau và ngô, kinh phí tiêu úng khoảng 7  tỷ đồng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên tại Thừa Thiên Huế ngày và đêm 2/5 có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Trên đất liền có gió bắc đến đông bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Trên biển có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7- 8, biển động. Thời tiết có gió mạnh, mưa lớn đã làm diện tích lúa bị đổ ngã, các địa phương cần tập trung đấu úng và triển khai các biện pháp chống nảy mầm cho cây lúa.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa lớn đề phòng sạt lở
Mưa lớn đề phòng sạt lở

Từ ngày 25-28/2, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa rất to và dông. Mưa lớn có nguy cơ gây trượt lở vùng đồi núi, ven sông suối và ngập úng vùng trũng.

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Thâu đêm cứu lúa
Thâu đêm cứu lúa

Lực lượng cán bộ thuỷ lợi canh trực, cùng tất cả các trạm bơm điện, bơm dầu vận hành thâu đêm để cứu lúa đông xuân.

Tiếp tục tiêu úng cho diện tích lúa còn lại
Tiếp tục tiêu úng cho diện tích lúa còn lại

Hiện vẫn còn khoảng gần 3.100 ha lúa ngập nặng (từ 70-100% thân cây) ở các địa phương đang tiếp tục được tiêu úng. Tuy nhiên, việc lúa ngập dài ngày gây nguy cơ thiệt hại rất cao.

Tiêu úng cứu hơn 4 500 ha lúa bị ngập
Tiêu úng "cứu" hơn 4.500 ha lúa bị ngập

Ảnh hưởng mưa lớn ở khu vực đồng bằng phía Bắc tỉnh từ chiều ngày 14 đến sáng 16/2 đã làm ngập úng hơn 4.500ha lúa, mức ngập từ 0,2-0,4m. Các địa phương, HTX đang tích cực đấu úng "cứu" lúa.