Thứ Hai, 23/12/2019 07:15

Công nhân lao động chật vật trong “bão giá”

Giá xăng tăng, kéo theo giá hàng loạt mặt hàng khác cũng tăng, khiến đời sống của công nhân lao động gặp khó khăn.

Dầu tiếp tục tăng mạnh, xăng RON 95 sát ngưỡng 33 ngàn đồng/lítGỡ vướng trong thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%Chuyên gia bàn cách kiểm soát lạm phátMong muốn có chính sách bình ổn giá, thu mua lúa và nông sản

Người lao động khó khăn được tham gia phiên chợ không đồng

Cắt xén chi tiêu

“Thay vì tuần ăn hai bữa cơm thịt thì nay tuần một bữa cơm thịt thôi, tiền xăng cũng phải đổ để đi làm chứ biết làm sao”. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thu Thủy, công nhân Khu công nghiệp Phú Bài. Chị Thủy ở xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc. Ngày nào chị cũng chạy đi chạy về 2 vòng với 45km trên chiếc xe sirius cũ. “Trước đây, đổ 70 ngàn đồng tiền xăng, tôi đi được 5 ngày, nay phải đổ 120 ngàn. Dẫu vậy, cũng không thể tính chuyện thuê trọ vì tôi còn có chồng và 3 đứa con”, chị Thủy tâm sự. Điều người phụ nữ trung niên này lo lắng hơn là các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng. “Tháng lương cao nhất của tôi cũng chỉ hơn 7 triệu đồng, trong lúc chồng tôi bị đau không làm được việc nặng, 3 đứa con lại đang tuổi ăn học, lâu nay tôi đã rất dè xén trong chi tiêu. Nay để thích ứng, tôi lại tiếp tục chi dè xẻn, những bữa ăn đạm bạc hơn, chỉ thương các con phải kham khổ”, chị Thủy nén tiếng thở dài.

Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Loan, công nhân Khu công nghiệp Phú Bài, đang thuê trọ tại xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy phải tính toán cặn kẽ từ tiền thuê nhà, tiền điện nước và tiền sách vở chuẩn bị năm học mới cho 2 đứa con... nay lại phải gồng thêm tiền xăng, do chồng chị Loan làm cách nhà trọ 15km. Đồng lương công nhân eo hẹp, nay giá cả tăng cao nên dự định cho các con đi học thêm kỹ năng dịp hè của vợ chồng chị đành hoãn lại.

Để đối phó với các mặt hàng tăng giá chóng mặt như hiện nay, thay vì đi làm bằng xe máy, chị Loan tận dụng xe đạp điện của con đang nghỉ hè. Tranh thủ những lần về quê, chị mua luôn thực phẩm ở quê, bảo quản tủ lạnh dùng dần. “Đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, việc tăng giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình công nhân thuê trọ như chúng tôi”, chị Loan lo lắng.

Hơn 2 tháng nay, bữa cơm của gia đình chị Võ Thị Hảo, phường Hương Sơ, TP. Huế chủ yếu là những thực phẩm chị tận dụng trong khu vườn nhỏ của mình. Chị cũng chuyển đi làm bằng xe đạp thay vì xe máy như trước. Chị Hảo làm tạp vụ cho một công ty, cách nhà 7km, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, đồng lương của chồng chị cũng bấp bênh. Trước cơn bão giá, người phụ nữ tuổi gần 50 này cũng phải chọn cách cắt giảm chi tiêu.

Tìm cách chia sẻ

Chị Nguyễn Thị Vân, công nhân Công ty TNHH sản xuất gạch Hoa Mặt Trời, TX. Hương Trà cho biết, nhà chị cách công ty gần 15km, trung bình mỗi tháng chị được công ty hỗ trợ gần 300 ngàn đồng tiền xăng xe. “Được công ty quan tâm hỗ trợ, những công nhân ở xa như tôi đỡ được phần nào”, chị tâm sự.

Theo chị Lê Thị Duyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH sản xuất gạch Hoa Mặt Trời, tùy độ xa gần, mỗi lao động của công ty được hỗ trợ dao động từ 10 ngàn đến 30 ngàn đồng tiền xăng xe/ngày. Đồng thời, công ty cũng tăng 10% lương cho người lao động từ tháng 4 vừa qua. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người lao động, hiện công ty đang áp dụng tiền ăn ca của người lao động là 22 ngàn đồng/suất, chưa kể tiền chất đốt và tiền phục vụ. Thời điểm nắng nóng như hiện nay, công ty có bổ sung thêm nước giải khát cho công nhân lao động vào đầu buổi chiều.

Ông Phạm Đăng Trung, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất gạch Hoa Mặt Trời cho biết, giá cả vật liệu tăng cao, công ty cũng gặp những khó khăn nhất định. Song để công nhân yên tâm lao động sản xuất, công ty đã quyết định tăng lương cũng như thực hiện tốt các phúc lợi, mong người lao động cùng đồng sức, đồng lòng đưa công ty ngày càng phát triển.

Để tăng thu nhập cho người lao động, từ đầu năm nay, Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế, ở thị trấn Phú Đa, Phú Vang đã tăng 10% lương cho toàn bộ công nhân, người lao động. Tuy nhiên, trước cơn bão giá như hiện nay, nhiều công nhân ở gần công ty đã chuyển qua đi xe đạp và xe đạp điện. Những công nhân ở xa đã nghĩ tới giải pháp thuê nhà trọ.

Gói phúc lợi được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ký kết với Công ty CP Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú (Movi) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ y tế Nguyễn Quang Hợp cuối tháng 5 vừa qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho người công nhân lao động. Theo đó, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ y tế Nguyễn Quang Hợp giảm 7-10% dịch vụ khám và cận lâm sàng cho đoàn viên, người lao động. Đối với Công ty CP Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú giảm giá 8% cho đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp khi mua hàng trả tiền trước, hoặc có thể trả dần không lãi suất trong vòng 6 tháng khi mua hàng các sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện dân dụng,… tại Movi và các đơn vị đối tác của Movi. Đồng thời, Movi cung cấp dịch vụ ứng tiền khẩn cấp trả góp và các gói sản phẩm tài chính khác với mức phí hợp lý, phù hợp với nhu cầu, tiền lương, thu nhập của đoàn viên, người lao động trên địa bàn.

Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, ngoài thực hiện có hiệu quả các gói phúc lợi để chăm lo cho đoàn viên, người lao động LĐLĐ tỉnh còn triển khai các hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động. Đồng thời, vận động công đoàn cơ sở chủ động thương lượng cùng người sử dụng lao động cải thiện tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho công nhân, trong tình hình giá xăng và các mặt hàng tiêu dùng tăng như hiện nay.

Bài, ảnh: Hải Thuận

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động
Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động

Cùng với sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, chọn ngành theo dự báo thị trường lao động là tiêu chí mà thí sinh cần chú ý trước ngưỡng cửa đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).

Nhu cầu lao động trong ngành du lịch tăng mạnh
Nhu cầu lao động trong ngành du lịch tăng mạnh

Đầu năm mới, nhu cầu về lao động trong ngành du lịch tăng mạnh. Nhu cầu cao, mà nguồn lao động lại không tăng thêm dẫn đến doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động.

Chú Tuệ cắt cỏ
Chú Tuệ cắt cỏ

Nghề cắt cỏ không lạ cũng chẳng phổ biến, nhưng đã giúp chú Hoàng Hữu Tuệ (sinh năm 1968, ở Kim Long - Huế) có thêm thu nhập.