Thứ Năm, 30/01/2020 13:30

“Chiến tranh lấy mất tuổi trẻ, nhưng cho tôi tuổi già an lành”

Dẫu thời chiến hay thời bình, ông Hồ Trọng Kình vẫn luôn là một người được quý trọng ở vùng đất Nam Đông, nơi ông từng chiến đấu bảo vệ và chọn làm quê hương thứ hai.

Người cựu chiến binh và vết thương xưa

Cựu chiến binh Hồ Trọng Kình giới thiệu tủ huân chương của mình

Ông Hồ Trọng Kình (sinh năm 1944) luôn là địa chỉ được “cậy” đến, mỗi khi có người đi tìm mộ liệt sĩ tại Nam Đông. Không phải vì ông là cựu Bí thư Huyện ủy Nam Đông, mà hơn hết, là một người luôn canh cánh với đồng đội đã khuất, những người một thời kề vai sát cánh cùng ông chiến đấu vì quê hương.

Vào bộ đội năm 1963, khi vừa 17 tuổi, chàng trai Hồ Trọng Kình là du kích xã Hương Lâm (huyện A Lưới). Năm 1964, ông cùng đồng đội phối hợp với bộ đội chủ lực tiến đánh đồn Nam Đông, trận đánh quy mô đầu tiên ông tham gia, rồi trận đột kích đồn Khe Tre (năm 1965).

Mỗi trận đấu cam go xưa được ông kể lại đầy tự hào: “Lúc đó ở đồn Khe Tre chỉ có một trung đội thôi. Mới đánh sang ngày thứ hai địch đã phải kêu tiếp viện, quân tiếp viện đến ba tiểu đoàn nhưng bị quân mình tiêu diệt gọn. Kẻ địch ở đồn Nam Đông bị quân ta đánh du kích suốt một năm buộc phải rút xuống, co cụm lại trong đồn Khe Tre. Trước đó quân địch mang một vạn dân dưới đồng bằng lên xây dựng đồn điền cũng phải đem về Đà Nẵng, người dân ở trên này chỉ còn lại người miền núi. Đến năm 1966, sau trận đồi A Sao, địch cũng rút quân khỏi Nam Đông”. Năm 1967, người lính trẻ Hồ Trọng Kình là lực lượng địa phương đón nhận bộ đội chủ lực về tiếp quản Nam Đông.

Ông Kình trầm ngâm: “Tôi là một cậu lính trẻ người địa phương, tham gia cuộc chiến. Con đường trưởng thành lại là một chặng đường dài liên tục phấn đấu. Phấn đấu đầu tiên là bằng anh em xung quanh, rồi được tín nhiệm, được bầu làm tổ trưởng tổ trinh sát. Được đưa đi học sĩ quan tại Quân khu 4 rồi trở thành chỉ huy, Huyện đội phó, Chính trị viên Huyện đội…”.

Năm 1977, ông Kình được phân công làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ huyện Phú Lộc. Sau đó, người cựu chiến binh tiếp tục kinh qua các chức vụ như Phó ban Tổ chức, Phó ban Tuyên giáo, Trưởng ban Dân tộc tại huyện Phú Lộc. Năm 1989, ông Kình trở lại Nam Đông, với vị trí công tác mới là Chủ tịch HĐND, kiêm Chủ tịch UBMTTQVN huyện và tiếp tục cống hiến cho quê hương. Với tinh thần người lính, trên mặt trận xây dựng quê hương ông luôn là một cán bộ nhiệt tình, hăng hái, dám nghĩ dám làm và  được dân tin yêu. Năm 2000, người cựu chiến binh Hồ Trọng Kình trở thành Bí thư Huyện uỷ Nam Đông cho đến khi về hưu năm 2006.

Chiến tranh qua đi, nhưng nỗi ám ảnh nặng nề của nó là cụm từ “chất độc da cam”, hậu quả mà giờ đây ông gánh chịu là bệnh ung thư dạ dày, là ảnh hưởng về tim mạch, là trái gió trở trời lại đau nhức. Nỗi đau lớn nhất của di chứng chiến tranh là một trong hai người con của ông đã không lành lặn. Tâm lý người khuyết tật của con đã không ít lần làm ông nhức nhối đau… Rất may, các con ông được nuôi dạy tốt để vượt qua rào cản tâm lý mà trưởng thành và hiện cả hai đều đã có gia đình hạnh phúc.

Người chiến binh ngày nào đã lên chức “cụ”, sống thảnh thơi tại mảnh đất Nam Đông - nơi ông đã đổ máu trong chiến tranh và mồ hôi trong thời hậu chiến. Ông sinh hoạt đều tại Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và sinh hoạt chi bộ. Con cháu đều ở Nam Đông nên khi nhớ là có thể gặp.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 55 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968
Dâng hương kỷ niệm 55 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Chiều 30/1, Đoàn Cựu chiến binh (CCB) Quân khu Trị Thiên B4 – B5 tại Quân khu 4 phối hợp với huyện Phú Vang tổ chức dâng hương và đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ huyện. Đây là hoạt động kỷ niệm 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Không còn là giấc mơ
Không còn là giấc mơ

“Chưa bao giờ trên bản làng người Cơ Tu lại có một cuộc đại cách mạng “xóa nhà tạm” lớn đến như vậy”...

Điểm sáng trong công tác tuyển quân ở huyện miền núi Nam Đông
Điểm sáng trong công tác tuyển quân ở huyện miền núi Nam Đông

Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn huyện có 9 xã và 01 thị trấn; trong đó có 06 xã là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, chủ yếu là dân tộc Cơ tu và một số ít các dân tộc khác như Tà ôi, Pa cô, Pa hy, Vân kiều...