Thứ Sáu, 10/04/2020 09:43

Tuyển sinh đại học năm 2023: Những cải tiến phù hợp

Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học với giáo dục đại học (ĐH) mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhấn mạnh tới việc “các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa”.

Các trường “chạy rốt-đa” tuyển sinh đại học năm 2023Tuyển sinh năm 2023 sẽ có những điểm mớiKhả năng nhiều ngành không tuyển sinh đủ chỉ tiêuĐiểm chuẩn đợt tuyển bổ sung của Đại học Huế cao nhất 26 điểm

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: TTXVN.

Đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển

Theo thống kê, năm 2022 có khoảng 20 phương thức xét để tuyển sinh đầu vào ĐH, chủ yếu vẫn tập trung vào các phương thức như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng…

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, theo luật định, cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, việc các trường bổ sung nhiều phương thức xét tuyển kéo theo việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý. Mặt khác, việc gia tăng nhiều phương thức xét tuyển cũng khiến thí sinh không có sự chuẩn bị kịp thời, phần nào cũng gây ra sự khó khăn cho thí sinh trong việc nắm bắt thông tin.

Vì vậy, bà Thủy cho biết để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, hiện nay, bên cạnh kết quả thi tốt nghiệp cùng với những thành tích học tập ở bậc THPT được đa số trường ĐH lựa chọn trong tuyển sinh, một số trường đã xét tuyển dựa trên những kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp phỏng vấn… Tuy nhiên, khi áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau trong cùng 1 ngành có thể dẫn đến khó bảo đảm sự công bằng cho thí sinh, đặc biệt khi các trường phân bổ chỉ tiêu ngay từ đầu. Bộ GDĐT đã cảnh báo về nguy cơ này và yêu cầu giữa các phương thức, hình thức xét tuyển phải bảo đảm sự công bằng.

Việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển cho một ngành và phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng điểm trúng tuyển ĐH qua kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số ngành năm nay tiếp tục “đụng” trần. Bộ GDĐT cũng đã khuyến cáo các trường nên có phương pháp quy đổi điểm đánh giá của các phương thức, tổ hợp xét tuyển về một thang đo chung và xét tuyển chung. Trường hợp cơ sở đào tạo lựa chọn phân bổ chỉ tiêu và xét tuyển độc lập theo từng phương thức, tổ hợp thì phải giải trình được căn cứ phân bổ chỉ tiêu cũng như điều kiện trúng tuyển của các phương thức, bảo đảm nguyên tắc công bằng.

Về dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ GDĐT cho hay sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1. Đối với chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định.

Bộ GDĐT giải thích, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở nên thiếu công bằng.

Nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên với các thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Với cách tính này, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên/3 môn thì điểm ưu tiên sẽ càng giảm và sẽ không có thí sinh nào có điểm xét đại học vượt quá 30 điểm.

Có nên giảm bớt phương thức xét tuyển?

Từ góc độ các trường, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết, năm 2022, Trường vẫn giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2021. Trước đó, năm 2020 nhà trường chỉ có 5 phương thức tuyển sinh. Về phương án các năm tiếp theo, dự kiến nhà trường trước mắt vẫn duy trì các phương án tuyển sinh như hiện nay và sẽ có thông báo sớm để thí sinh có sự chuẩn bị trước.

Chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho rằng, tự chủ tuyển sinh là quyền của trường, nên không thể áp đặt trường phải tuyển sinh theo phương án nào hay bắt buộc phải bỏ, thêm phương thức nào. Tuy nhiên, cần cân nhắc hình thức xét tuyển bằng học bạ. Bởi theo ông Nhất, đây là phương thức kém nhất cho xét tuyển ĐH. Để tuyển sinh tốt thì cần có những kỳ thi riêng hoặc kết quả học tập chỉ là vòng sơ khảo, học sinh vẫn cần phải qua một kỳ sát hạch tiếp.

Ở góc nhìn khác, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH (Viện Khoa học Giáo dục) cho rằng, vấn đề lớn nhất của mùa tuyển sinh năm nay là kỹ thuật. Trên hệ thống có 20 phương thức xét tuyển nên việc cân đối, tính toán giữa các nguyện vọng của các phương thức khác nhau và nhu cầu đăng ký nhập học của thí sinh rất nhiều.

“Với hơn 3 triệu nguyện vọng, hơn 300 cơ sở đào tạo, hệ thống chạy chưa thật sự ổn. Vì vậy, theo tôi, trong những mùa tuyển sinh tới, cần điều chỉnh giảm phương thức xét tuyển” - TS Phương đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ khuyến khích các trường ĐH đẩy mạnh hợp tác để tổ chức kỳ thi chung theo nhóm trường. Sau đó, tiến tới hình thành một số trung tâm khảo thí chuyên nghiệp thuộc liên minh nhiều trường ĐH, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh từ năm 2025, khi học sinh đã hoàn thành bậc THPT theo chương trình mới.

Theo Đại đoàn kết

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh đại học 2023 Thận trọng với cuộc đua mở ngành
Tuyển sinh đại học 2023: Thận trọng với cuộc đua mở ngành

Mùa tuyển sinh năm 2023 đang nóng dần lên khi tới thời điểm này đã có gần 100 trường đại học công bố đề án tuyển sinh. Cũng như mùa tuyển sinh trước, năm nay dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành học mới được các trường mở ra. Bên cạnh tín hiệu tích cực, việc các trường mở ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh cũng đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng đào tạo.

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.