Thứ Năm, 16/04/2020 06:29

“Pass” đồ cũ thành “trend” đầu năm học

Bên cạnh việc tiết kiệm tiền bạc so với mua đồ mới thì thói quen dùng đồ cũ được nhiều sinh viên ưa chuộng. Cứ đến đầu năm học, thị trường đồ đạc với tiêu chí “cũ người, mới ta” lại sôi động giữa những người học.

Sách cũ thu hút bạn đọc

Đầu năm học, nhiều tân sinh viên cũng lên mạng tìm đồ pass lại

“Hết dùng, mình pass lại”

Vốn là nữ sinh quen sống tiết kiệm, lại không muốn lỉnh kỉnh hành lý về quê, Hoài Anh, nữ sinh viên ở Huế trước khi trả trọ kết thúc quãng thời gian học đại học (ĐH) lại lên mạng thanh lý hàng loạt món đồ. Đăng một dòng status: “Mình vừa học xong, muốn pass lại vài món đồ giá “hạt dẻ” (rẻ)” kèm loạt hình ảnh về bàn, tủ quần áo, giá sách, quạt, nồi cơm điện… có nhiều người vào bình luận, đặt hàng. Mỗi món đồ giá chỉ từ vài chục đến hơn trăm nghìn, thích hợp với túi tiền sinh viên. Nhiều người còn thêm năm, mười nghìn nhờ chủ bán ship hộ.

Pass (sang nhượng) đồ cũ trở thành trào lưu trong giới sinh viên, nhất là thời điểm đầu năm học. Những sinh viên khóa trên ra trường không còn dùng những món đồ phục vụ sinh hoạt, học tập lại lên mạng để nhượng lại giá rẻ cho người khác. Cũ người mới ta là tiêu chí được xem như cốt lõi trong việc mua bán đồ thanh lý. Đặc biệt là sinh viên, những món đồ với người này không còn cần thiết nữa, song lại là nhu cầu đối với người khác. Nhiều tân sinh viên khi rời quê đi xa học tập, để tiết kiệm chi phí cũng tìm thị trường đồ đã qua sử dụng.

Sinh viên khi hết học, dọn chỗ ở để về quê thường pass lại đồ dùng

Đồ pass lại trong giới sinh viên nhiều vô số kể, món gì người khác có nhu cầu cũng có thể pass lại, thông qua mạng xã hội. Dạo quanh một vòng các chợ online, các fanpage, group hội nhóm công khai hay trên các tài khoản cá nhân facebook, dễ dàng bắt gặp nhiều món đồ được sinh viên rao bán, như tủ lạnh, bếp ga, máy sấy tóc, thậm chí là các tài liệu giáo trình… Nguyễn Thiện Khánh, một sinh viên ĐH Huế cho biết: “Có những món đồ chỉ dùng trong một giai đoạn, sinh viên lại không có nhiều tiền nên tìm đồ đã qua sử dụng vẫn khá ổn, tiết kiệm một khoản không nhỏ. Lúc hết dùng, cũng có thể pass lại cho người sau”.

Không chỉ người cần bán, người cần dùng khi muốn tìm các món đồ cũ cũng lên “rao hỏi”. Trần Thị Hải Yến, nữ sinh viên “trung thành” với nhiều món đồ pass lại kể: “Từ hồi mới vào học ĐH, em đã chọn mua nhiều đồ theo kiểu sang nhượng này. Sinh viên với nhau nên nhu cầu cũng có những điểm tương đồng. Hơn nữa, do người bán không còn nhu cầu, họ cũng để lại giá vừa phải. Mua đồ pass tiết kiệm chi phí và cả thời gian, vì mọi thứ đã có các anh shipper hỗ trợ. Nhiều lúc cần món đồ gì, em lại lên mạng hỏi, em cần mua thứ này, ai có pass lại, một lúc là có được món hàng ưng ý”.

Sôi động những “phiên chợ” online

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, thị trường thanh lý đồ cũ, đồ đã qua sử dụng, nhất là trong giới trẻ, sinh viên càng trở nên xôm tụ. Trên mạng xã hội facebook, ngoài những cộng đồng bán hàng online, còn có những nhóm sang nhượng đồ sinh viên, như: “Góc pass đồ sinh viên Huế”, “Góc pass đồ”, “Pass đồ sinh viên”… thậm chí có những nhóm có tính chuyên biệt dành cho sinh viên từng ngành nghề như “Chợ trời y dược (Huế)”…

Nhiều sinh viên có nhu cầu lên mạng xã hội hỏi mua đồ pass lại

Thông thường, đầu năm học là khoảng thời điểm những phiên chợ online hay góc pass đồ sôi động nhất. Lý do là có sự giao thoa giữa cựu sinh viên và những người mới vào cánh cửa ĐH. Tân sinh viên muốn sắm một số đồ đạc thiết yếu, trong khi đó những người đã học xong có nhu cầu nhượng lại.

Cũng bởi nhu cầu của bên bán và mua dễ “gặp nhau” qua kênh trực tuyến, nên các trang mạng, diễn đàn online hỗ trợ thanh lý, các phiên chợ online ngày càng sôi động. Chỉ cần đăng món đồ muốn thanh lý, chụp ảnh thực tế, chia sẻ số điện thoại liên hệ là người bán đã có thể giới thiệu món đồ của mình tới cộng đồng người dùng trực tuyến, trong khi người mua cũng có nhiều lựa chọn tìm kiếm món đồ phù hợp.

“Mình thấy rất thú vị. Nếu chịu khó lùng tìm một chút thì mua đồ thanh lý vừa tốt, vừa tiết kiệm. Mới đây, mình mua được một chiếc tủ đựng quần áo khá đẹp và chắc chắn, nhưng giá chỉ hơn 200.000 đồng, nồi cơm điện cũng chỉ 70.000 đồng hay chiếc xe đạp còn khá mới chỉ 500.000 đồng. Đồ thanh lý nên không quá lo chuyện bị “luộc” thành phần bên trong, thậm chí khi hư hỏng cũng đỡ tiếc. Cuối tuần hoặc lúc rảnh, lướt facebook có thể tham khảo nhiều mặt hàng có nhu cầu”. Nguyễn Minh Thảo, Trường ĐH Khoa học nói.

Với nhiều bạn nữ thích sống ảo, thích chụp ảnh đó đây, những phiên chợ online như thế càng trở nên phù hợp. Không ít người lên các phiên chợ này tìm mua các món đồ thời trang được pass lại như áo, quần, váy, giày, túi xách… chỉ để mặc một lần chụp ảnh cho khỏi “đụng hàng” rồi pass lại, thế nên nhiều món đồ được sang nhượng vẫn còn khá mới, nhưng chi phí để sử dụng lại không tốn kém nhiều.

Bài, ảnh: MINH TÂM

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm việc tại cà phê sách
Làm việc tại cà phê sách

Chẳng phải tại nhà, cũng không phải thư viện, nhiều bạn trẻ hiện nay lựa chọn cho mình những quán cà phê sách để làm nơi học tập, thư giãn.

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới
Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới

Vài năm trở lại gần đây, podcast nổi lên như một cách tiếp cận thông tin mới của giới trẻ. Những đoạn âm thanh vốn trước đây không được mấy người chú ý đã như một cuộc cách mạng về văn hóa đầy thú vị trong cuộc sống của giới trẻ hiện đại.

Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn
Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn

Tranh cổ động kỷ niệm ngày thành lập Đảng, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp hay tranh chân dung về các vị lãnh tụ... vốn là đề tài không dễ với những người còn non tuổi nghề như sinh viên. Bằng cảm nhận, niềm tin với Đảng, Bác Hồ và tri ân những người có công với đất nước, nhiều sinh viên khối ngành nghệ thuật đã đặt được trọn cảm xúc với những đề tài mỹ thuật lớn.