Từ nguồn vốn tín dụng chính sách bà Đơn đã đầu tư phát triển chăn nuôi
Gia đình có 3 người con đang tuổi ăn tuổi học, nhưng hai vợ chồng bà Đơn lại không có việc làm ổn định. Chồng làm thuê, bà ở nhà quanh quẩn với mảnh vườn. Không có vốn sản xuất nên ý định đầu tư thêm để phát triển chăn nuôi đều đi vào ngõ cụt.
Năm 2016, bà Đơn đăng ký tham gia và được kết nạp làm hội viên của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Diên Mai. Lúc đó, bà mới có thêm động lực theo đuổi giấc mơ riêng mình. Sau khi nắm bắt nhu cầu vay vốn, bà được bình xét và được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới cho vay 50 triệu đồng để trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò. Với nguồn vốn vay ưu đãi, bà đầu tư mua trâu, bò giống, sau những lứa đầu tiên được xuất chuồng, bà có vốn đầu tư phát triển thêm 1ha rừng.
"Bước đầu tập tành chăn nuôi, tôi gặp không ít khó khăn, phần vì không có kinh nghiệm phần vì không có kiến thức chăn nuôi. Để hạn chế rủi ro, các cấp hội hỗ trợ cho tôi tham gia các lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y, tôi được trang bị những kỹ thuật chăm sóc cơ bản, nhất là chăm sóc vật nuôi trong thời tiết mưa rét, nhận biết dấu hiệu và các bệnh thường gặp trên vật nuôi và cách xử lý… Từ đó, tôi chuyên tâm hơn vào khâu vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đúng quy trình vì thế đàn trâu, bò sinh sản tốt", bà Đơn nói.
Với kết quả sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cùng với quyết tâm vươn lên, cuối năm 2019, gia đình bà Trần Thị Đơn chính thức được UBND xã A Ngo công nhận là hộ thoát nghèo. Thấy được lợi ích từ việc vay vốn ưu đãi, bà tiếp tục mạnh dạn xin vay vốn thêm chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng để trồng thêm 1ha rừng, mua thêm trâu, bò, mở rộng quy mô.
Hiện gia đình bà đã duy trì được tổng đàn trâu, bò với 19 con và 2ha rừng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình. Nhờ sản xuất, chăn nuôi hiệu quả mà gia đình bà Đơn đã xây dựng được căn nhà khang trang với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng. Ngoài ra, với hỗ trợ từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, bà đã đầu tư thêm hệ thống nước sạch và xây nhà vệ sinh đảm bảo cơ bản đời sống gia đình.
Theo bà Đơn, không chỉ được hỗ trợ vốn, việc đồng hành của hội, đoàn thể và sự theo sát của cán bộ tín dụng trong suốt quá trình đầu tư phát triển sản xuất, tư vấn cũng như hỗ trợ đào tạo chính là động lực giúp gia đình vững tin hơn. Từ việc ăn bữa nay lo bữa mai, gia đình bắt đầu có những tích lũy, đầu tư cho con ăn học.
Không chỉ đồng hành trong phát triển kinh tế, nguồn vốn tín dụng chính sách còn hỗ trợ gia đình bà trong thực hiện giấc mơ cho con theo đuổi con chữ. Bà Đơn kể, do ảnh hưởng dịch bệnh, cuộc sống đảo lộn, để con không phải nghỉ học, tôi bàn bạc với chồng quyết định vay vốn của NHCSXH từ chương trình cho vay mua máy tính, trang thiết bị học tập trực tuyến để mua máy tính cho các con học tập trực tuyến cũng như tra cứu tài liệu. Nhờ nguồn vốn này, việc học của các con không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.
“Cuộc sống ổn định, nhà cửa, phương tiện đi lại và nghe nhìn được đầy đủ hơn, con tôi được đến trường và gia đình từng bước có tích lũy. Từ đó bản thân cũng như gia đình có điều kiện tham gia các phong trào do các hội, đoàn thể phát động và giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, chúng tôi thật sự biết ơn Đảng, Chính phủ, NHCSXH đã dành cho gia đình chúng tôi, những người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo một chính sách tín dụng ưu đãi. Nhờ nguồn vốn đó, chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh để tự tin hơn trong cuộc sống” bà Đơn chia sẻ.
Bài, ảnh: Hoàng Anh