Thứ Tư, 08/01/2014 05:46

Xuống giống vụ nuôi cá mới

Tại khu vực An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, giờ không khó để bắt gặp nụ cười của các ngư dân theo nghề nuôi cá lồng ven biển. Anh Mai Đình Toàn, người dân trong khu vực thở phào nhẹ nhõm: “Vụ cá chết vừa qua, bà con tôi mất nhiều lắm. Chuyện cũ kể ra thêm buồn. Bây giờ tôi quan tâm là làm sao sớm trở lại được với nghề thôi”. Trong đợt cá chết vừa qua, anh Toàn là một trong những người dân ở thị trấn Lăng Cô bị thiệt hại khá lớn. 19 lồng cá của anh nằm ven biển và cửa đầm Lập An bắt đầu vào kỳ thu hoạch, đột nhiên chết sạch, ước thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Qua dõi theo thông tin, anh Toàn quyết định đưa lồng đến vị trí cũ, thả nuôi hơn 4.000 con cá bớp, cá mú. Hiện cá phát triển tốt.

Bà con khu vực An Cư Đông 2, thả cá giống cho vụ nuôi mới tại khu vực ven cửa biển Lăng cô

Anh Nguyễn Văn Tây, sống cùng khu vực anh Toàn, cũng rơi vào cảnh “thất điên bát đảo” vì hàng loạt lồng cá hồng, cá mú của gia đình đã chết trong thời gian vừa qua. Khi được các ban ngành quan tâm, đặc biệt Nhà nước hỗ trợ 260 triệu đồng, anh tiến hành sửa chữa lồng bè, mua 4.000 con giống cá bớp, 1.500 con cá mú và 350 con cá vẩu về thả nuôi. Từ lúc xuống giống đến nay, được hơn 10 ngày, cá phát triển tốt chưa thấy có hiện tượng lạ. Anh Tây chia sẻ: “Theo kinh nghiệm theo dõi nguồn nước gần nửa tháng nay thấy ổn định, nên mình trở lại với nghề. Hiện 10 lồng cá và tôm ở ven cửa biển Lăng Cô của gia đình phát triển ổn định, cá lên xuống gợn sóng đều”.

Người dân Lăng Cô đang trở lại sửa chữa lồng bè để xuống giống cá vụ mới

Theo UBND thị trấn Lăng Cô, bình quân hàng năm trên địa bàn có 250 hộ tham gia nuôi cá, với gần 1.000 chiếc lồng và ô bè với thể tích khoảng 7.100m3. Trong đợt cá chết vừa qua, người dân đã thiệt hại gần 20 tỷ đồng.

Sau gần 2 tháng sự cố cá bị chết, đến nay, đa số bà con ở Lăng Cô bắt đầu xuống giống và thả nuôi trở lại để kịp thời vụ bán cá vào dịp Tết Nguyên đán 2017. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ còn băn khoăn về chất lượng nguồn nước biển, chưa đầu tư trở lại. Số lượng lồng nuôi cá trở lại chỉ bằng khoảng 50-70% so với trước đây. Khi nghe các bộ, ngành chức năng công bố kết luận cụ thể về nguyên nhân cá chết, bà con ở Lăng Cô tạm thời yên tâm. Họ đang mong rằng, hiện tại cũng như thời gian đến, các ban ngành chức năng có phương án, giải pháp hỗ khắc phục ô nhiễm nguồn nước biển ven bờ để giúp bà con yên tâm đầu tư nuôi trồng thủy sản, nhất là lĩnh vực nuôi cá bằng lồng ven biển, ven đầm.

Ông Đặng Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, do ảnh hưởng sự cố vừa qua, cuộc sống của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình hoang mang, lo lắng vì nợ vay ngân hàng. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các ban ngành, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm kịp thời, đến nay, họ có thêm nguồn vốn, tạo động lực để tái đầu tư sản xuất, tự tin bước vào vụ nuôi cá mới với hy vọng đạt sản lượng cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chính quyền địa phương đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên quan trắc, theo dõi nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin để giúp bà con chủ động việc nuôi cá lồng ven biển, tránh rủi ro cho các hộ nuôi.  

Minh Tuyển

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi cá phục vụ du lịch ở A Lưới
Nuôi cá phục vụ du lịch ở A Lưới

Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh triển khai thành công mô hình phát triển nuôi thủy sản ở miền núi A Lưới gắn với du lịch sinh thái, với các loại cá rô đầu vuông, cá koi và ếch.

Cá nuôi lồng chết, người dân điêu đứng
Cá nuôi lồng chết, người dân điêu đứng

Mưa lũ mấy ngày qua đã làm hơn 4 tấn cá diêu hồng thương phẩm nuôi lồng trên sông Bồ của người dân xã Quảng Phú (Quảng Điền) chết ngột. Người nuôi cá rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để tiêu thụ gần 20 tấn cá còn lại.