Thứ Năm, 04/12/2014 06:49

Áo dài trên phố Huế

Cô em gái chuẩn bị cho hội trường kỷ niệm 100 năm Đồng Khánh - Hai Bà Trưng tháng 3 ừa rồi bằng việc tìm may chiếc áo dài. Em bảo, bạn bè dặn dò nhau kỹ lưỡng rồi, về với ngày hội trường là phải mặc áo dài.

Em tôi tuổi mới ngoài 40, học Trường cấp 3 Hai Bà Trưng sau ngày nước nhà thống nhất. Lúc đó không như Đồng Khánh năm nào, học trò không còn mặc áo dài đến trường, nhưng hình ảnh học sinh của trường gắn liền với chiếc áo dài màu tím Huế đã như một cái gì đó thật ngọt ngào, thấm sâu trong em và các bạn đồng lứa. Huế vào dịp kỷ niệm 100 Đồng Khánh - Hai Bà Trưng ngập tràn những tà áo dài của những mệ, những cô, những em, những bé... Áo dài tím, áo dài xanh, áo dài trắng học trò một thời tung bay như sống lại trong ngày hội trường Đồng Khánh.

Em tôi mặc áo dài trong ngày lễ hội. Khác với cách nay hơn nửa thế kỷ, áo dài là trang phục hàng ngày của ngoại. Không chỉ phải ra ngoài như đi chợ, mà ở nhà cũng thấy ngoại mặc. Chiếc áo dài trông thật cũ kỹ. Còn bình thường không thấy mẹ mặc áo dài. Mẹ chỉ dành cho khi nào có công chuyện. Kỵ chạp, thăm viếng hay tang gia, mẹ mặc chiếc áo dài cũ, màu nâu sẫm hay xanh lam. Dịp cưới xin mẹ mới diện áo dài đẹp và ngắm nghía thật nhiều. Đó là chiếc áo dài mới may xong mẹ đã cất kỹ, có khi suốt cả năm trời. Đem ra mặc xong việc lại treo cất cẩn thận. Mặc chiếc áo đẹp, đánh ít phấn son lại mang thêm các đồ trang sức, mẹ trông lạ hẳn.

Thế kỷ 17, từ thủ phủ Phú Xuân, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho dân chúng xứ Đàng Trong. Lần đầu tiên chiếc áo dài Việt Nam được định hình và đó là chiếc áo giao lãnh bốn vạt. Để tiện hơn cho việc đồng áng, buôn bán vất vả, từ chiếc áo bốn vạt kia, người xưa chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ. Phụ nữ thành thị ít phải lao động nên thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với tầng lớp lao động. Sang thế kỷ 20, chiếc áo dài liên tục có những cách tân, chuyển từ Le Mur (1939) sang chiếc áo dài tay Raglan, từ áo dài bà Nhu (1960) sang áo dài chít eo - áo dài mini (1960 - 1970) và cho đến nay là chiếc áo dài với nhiều kiểu dáng và chất liệu đầy sáng tạo. Ít có trang phục nào ở Việt Nam lại có những biến đổi như chiếc áo dài. Và, dù nhiều thay đổi, chiếc áo dài vẫn giữ được sự chuẩn mực, vừa kín đáo, lại vừa tôn lên dáng vẻ mềm mại của người phụ nữ Việt Nam.

Lần đầu tiên được tổ chức vào Festival Huế 2002, Huế tự hào là nơi đầu tiên có lễ hội áo dài. Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được khai diễn. Cuối tháng 5/2017, triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật “Áo dài - Nét đẹp Huế” được tổ chức. Hình ảnh thiếu nữ và tà áo dài nổi bật trên nền khung cảnh thành quách, đền đài, cung điện, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch cho thấy sự gắn bó và gần gũi lạ thường để cùng tạo nên một vẻ đẹp rất riêng và rất Huế. Không chỉ là nơi ghi dấu về sự ra đời, hình ảnh phụ nữ Huế với chiếc áo dài thướt tha mà Đồng Khánh - Hai Bà Trưng là tiêu biểu, đã là một biểu tượng cho sắc đẹp Việt Nam.

Cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Khoa Diệu Huyền từng bày tỏ, nên làm cách nào đó để phát huy được cái hồn Huế qua hình ảnh chiếc áo dài. Cô mơ ước, có những ngày phụ nữ Huế cùng mặc áo dài ở khắp phố phường. Với các lễ hội áo dài trong những dịp Festival Huế, các triển lãm như “Áo dài - nét đẹp Huế’ hay hội trường 100 năm Đồng Khánh - Hai Bà Trưng, người Huế đã biết cách tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Huế gắn với tà áo dài huyền diệu. Còn hình ảnh “những tà áo dài tung bay trên phố”, sẽ giúp Huế trở nên hấp dẫn hơn và thu hút được ngày càng nhiều hơn những du khách - điều mà Huế đang rất cần trong hội nhập và phát triển hôm nay.

ĐAN DUY

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa vẻ đẹp áo dài
Lan tỏa vẻ đẹp áo dài

Ngày hội tôn vinh áo dài với chủ đề “Phụ nữ Hương Thuỷ khoe sắc cùng áo dài” diễn ra sáng 26/2 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin & Thể thao TX. Hương Thủy, thu hút hàng trăm nữ cán bộ, hội viên trên địa bàn tham dự

Áo dài lan tỏa giữa cuộc sống thường nhật
Áo dài lan tỏa giữa cuộc sống thường nhật

Áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống con người xứ Huế từ xưa cho đến nay. Và hình ảnh ấy đang ngày được lan tỏa trong đời sống đương đại. Có thể bắt gặp hình ảnh áo dài từ những lễ hội lớn nhỏ, cho đến các buổi gặp mặt giao lưu, hay những khoảnh khắc đời thường ở các phiên chợ, rồi được du khách đón nhận theo kiểu “nhập gia tùy tục”…

Làm sao để mỗi người nghĩ đến Huế là nghĩ đến xứ sở áo dài
Làm sao để mỗi người nghĩ đến Huế là nghĩ đến xứ sở áo dài

Đó là mong muốn của ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khi nói về vấn đề phục hưng áo dài tại hội thảo khoa học “Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam” diễn ra chiều 22/12.

4 mẫu áo dài cách tân đẹp 2022
4 mẫu áo dài cách tân đẹp 2022

Từ bao đời, trải qua bao thăng trầm lịch sử, tà áo dài đã trở thành một trong những biểu tượng cho nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Có thể nói, áo dài không chỉ là quốc phục mà còn là trang phục được ưa chuộng nhất của các chị em trong các dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng.

Đưa áo dài lên sàn diễn
Đưa áo dài lên sàn diễn

Học sư phạm, gắn bó với nghề thêu, song lại có niềm đam mê bất tận với áo dài...