Thứ Sáu, 26/12/2014 06:11

Lồng ghép bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

Việc hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai vừa là thách thức, nhưng cũng đem lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường.

Nhiều khu rừng ngập mặn phát triển sẽ là nơi trú ngụ của chim, cá

Không đơn thuần chỉ “bảo tồn”

Vùng đất ngập nước (ĐNN) hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc địa phận của 5 huyện, thị xã ven biển là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Đây là vùng ĐNN tiêu biểu nhiệt đới gió mùa lớn nhất Đông Nam Á, có giá trị đa dạng sinh học cao, giữ chức năng quan trọng về môi trường sinh thái, cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đây cũng là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng gồm đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn, nơi tập trung chim nước với số lượng trên 2 vạn cá thể vào mùa đông, cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho khoảng 500 ngàn người sống trong 44 xã thuộc 5 huyện, thị xã xung quanh đầm phá.

Tuy nhiên, vùng ĐNN trên đang đối mặt với những mối đe dọa về đa dạng sinh học và môi trường sống. Theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Trần Xuân Bình và nhóm tư vấn Trường đại học Khoa học - Đại học Huế về đánh giá các áp lực đến hệ sinh thái, gần 100% người dân trên vùng đầm phá đều cho rằng tài nguyên đang bị suy giảm nghiêm trọng; 89% người dân ghi nhận sụt giảm sản lượng khai thác tự nhiên, sụt giảm nuôi trồng thủy sản đến 50%.

Đơn cử như ở phía bắc, khi có đập cửa Lác, các loài sinh vật giảm dần, thậm chí có loài  không xuất hiện. Theo chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), kết qủa khảo sát cho thấy, một số thay đổi đang diễn ra như rùa biển xuất hiện, nhưng số loài chim lại giảm đi, trong khi đó các loài sinh vật ngoại lai (ốc bươu vàng, bèo tây, mai dương) phát triển.

Thời gian qua, có nhiều hoạt động quản lý được xây dựng và củng cố, giúp giảm mối đe dọa, áp lực đến hệ sinh thái của vùng đầm phá. Đáng chú ý là việc thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai với tổng diện tích 614,2ha và 49 chi hội nghề cá, cùng với hàng trăm ha rừng ngập mặn được trồng mới.

Ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng, khai thác thủy sản có hiệu quả trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai như nuôi cua biển, cua trứng từ nguồn giống sinh sản nhân tạo, nuôi luân canh tôm sú- rong câu trong ao nước lợ, nuôi xen ghép tôm- cá- cua, nuôi tôm càng xanh ở những vùng bị nhiễm ngọt... Những mô hình này bước đầu khắc phục được những khó khăn về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường, chất lượng con giống.

Tham gia góp ý về thành lập khu bảo tồn ĐNN Tam Giang- Cầu Hai, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà- Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, nên nghiên cứu và phát triển toàn diện khu bảo tồn vì mỗi nơi có hệ sinh thái khác nhau. Chẳng hạn ở khu Cồn Sài, Vân Quật Đông có nhiều cá dìa, cá nâu, thì nên nghiên cứu biến khu vực này thành nơi cung cấp nguồn giống cho toàn tỉnh. Rú Chá, Cồn Tè có nhiều diện tích rừng ngập mặn thích hợp bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp du lịch sinh thái. Hay dựa trên những lợi thế của vùng đầm phá Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc… để đề xuất và có sự thống nhất mô hình phát triển sinh kế cho người dân kết hợp bảo tồn hiệu quả, tránh xảy ra xung đột.

Đảm bảo hài hòa

Ông Hoàng Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho rằng, việc thành lập khu bảo tồn ĐNN Tam Giang- Cầu Hai là rất cần thiết. Vấn đề là cần kết hợp bảo tồn với phát triển kinh tế như thế nào cho hài hòa, hợp lý. Hiện, Phú Lộc có 9 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thiết lập và sắp tới sẽ có thêm những khu vực nằm trong vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn ĐNN, nên dự án cần điều tra, khảo sát và xây dựng phương án cụ thể về trách nhiệm cũng như quyền hạn của người dân được khai thác những gì và khai thác như thế nào? 

Tiến độ thiết lập và đưa vào vận hành khu bảo tồn ĐNN cũng là điều mà chính quyền địa phương và người dân quan tâm.

Ông trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền bày tỏ quan điểm, còn nhớ dự án bảo tồn vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu “phôi thai” từ năm 2004, nhưng mãi vẫn không thấy “thành hình”. Trong khi đó, nhiều người dân nằm trong vùng quy hoạch “treo” ở xã Quảng Thái, Quảng Lợi gặp khó khăn về đất sản xuất. Do kéo dài quá lâu, chính quyền địa phương cũng rất lúng túng để giải quyết nhu cầu thực tế của người dân làm sao vừa hợp tình, đúng lý.

Theo ông Lê Bá Phúc, Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, trên cơ sở lựa chọn một trong những phương án đề xuất của ISPONRE và thống nhất giữa các bên liên quan về loại hình khu bảo tồn ĐNN, ranh giới đề xuất…, khu bảo tồn ĐNN Tam Giang- Cầu Hai sẽ tạo nên sự liên kết toàn vùng.

Về sơ lược các giải pháp sau khi thành lập khu bảo tồn sẽ thành lập và kiện toàn ban quản lý khu bảo tồn ĐNN, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nuôi trồng và khai thác các nguồn lợi thủy sản bền vững ở vùng đệm, phục hồi các hệ sinh thái thủy sản, du lịch sinh thái, sinh kế cho người dân, công tác quản lý bảo vệ, cơ chế chính sách bảo tồn khu ĐNN, huy động tài chính.

Dự kiến tháng 11/2017 sẽ trình UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập khu bảo tồn ĐNN Tam Giang - Cầu Hai  với tổng diện tích khu bảo tồn và khu vực sinh cảnh liên kết là 21.620ha, trong đó diện tích khu bảo tồn là 20.000ha.

Bài, ảnh: Hoài Thương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng
Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng

Thời gian qua, bên cạnh gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh nhân… thị xã Hương Trà còn quan tâm trùng tu, sửa chữa những di tích đình làng đã xuống cấp, cần cấp thiết bảo tồn.

Giảm nghèo thực chất  bền vững
Giảm nghèo thực chất & bền vững

Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mục tiêu đặt ra của tỉnh là phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% và phải giảm nghèo bền vững.

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững

Các quốc gia sẽ xem xét tiến trình hướng đến việc chuyển đổi các hệ thống lương thực trên toàn thế giới tại một hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức ở thủ đô Rome (Italy) vào tháng 7 này. Đây là thông tin vừa được Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Amina Mohammed và Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani công bố.