Thứ Hai, 02/03/2015 05:31

Trọng dân, thương dân, lấy dân làm gốc

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh: TL

Trong  không khí trang nghiêm của thời khắc thiêng liêng đó, Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Một câu hỏi đơn sơ mà ấm bao lòng, làm xúc động toàn thể đồng bào và đến cả bây giờ mỗi khi nhắc đến. Và: “Có! Có…!”, tiếng hô vang dậy như sấm của đồng bào đáp lại lời Bác. Nhiều người vừa hô vừa khóc bởi không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm một điều mà chưa có lãnh tụ nào trên thế giới từng làm. Đó chính là một biểu hiện sinh động nhất về phong cách trọng dân, thương dân, lấy dân làm gốc của Bác.

Năm 1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, tại buổi nói chuyện với đồng bào trong lễ mittinh ở sân vận động thị xã Đồng Hới (nay là TP. Đồng Hới), người nhắc nhở nhiều điều và chậm rãi nói “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Người đọc đến đâu đồng bào đọc theo đến đó. Âm thanh hòa quyện giữa lãnh tụ và quần chúng. Các thành viên Tổ cổ động của Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế đóng tại Đồng Hới có mặt tại cuộc mít tinh đã hết sức ngạc nhiên. Họ nói với cán bộ ta: “Trong đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy một thủ lĩnh quốc gia nào gần gũi, thân thiết với Nhân dân như Bác Hồ của Việt Nam...”.

Phong cách ấy đã được thể hiện lúc Bác còn trẻ và khi Bác ở bất cứ cương vị nào, đặc biệt khi Bác là lãnh tụ cao nhất của Đảng, Nhà nước. Khi còn là học sinh Trường Quốc Học Huế, Người đã xuống đường cùng những người nông dân Thừa Thiên Huế biểu tình đòi giảm sưu giảm thuế. Người dùng vốn kiến thức tiếng Pháp để giúp đồng bào với tư cách là thông ngôn. Trong hoạt động cách mạng, Người luôn gần gũi Nhân dân và được Nhân dân chở che, giúp đỡ. Những ngày trước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đang lúc khẩn trương và công việc bề bộn, tại lán Nà Lừa - Tân Trào, nơi đặt cơ quan đầu não của Mặt trận Việt Minh, Người bị sốt nặng. May có cụ lang già người Tày xem mạch, cho thuốc uống, Bác tỉnh và lành bệnh để kịp lo việc lớn. 

Hồ Chủ tịch là tấm gương mẫu mực về sâu sát với cơ sở, với Nhân dân. Trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955- 1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, đơn vị bộ đội. Mỗi năm 60 lượt, Người về cơ sở, mỗi tháng 6 lần gặp gỡ quần chúng... Bác còn dành nhiều thời gian để viết thư thăm hỏi, động viên các tầng lớp nhân dân. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, Bác đã viết gần 500 bức thư gửi các tầng lớp nhân dân, từ nông dân, công dân đến trí thức, từ đồng bào kinh đến đồng bào các dân tộc, đồng bào theo đạo, nhất là đồng bào miền Nam đang trong vùng tạm bị địch chiếm. Những lá thư từ ngữ giản dị, gần gũi, đầy sức thuyết phục.

Cả cuộc đời mình, Người luôn dành tình cảm, trách nhiệm với từng con người. Lo toan trước hết cho những chiến sĩ đang chiến đấu gian khổ ngoài mặt trận; chia sẻ đau buồn với những người mất mát; tìm cách an ủi, đền đáp cho những người chịu nhiều thiệt thòi; bao dung độ lượng đối với người lầm lỗi mà thật sự hối cải. Chính sự biểu lộ tình cảm chân thành đó đã làm cho muôn lòng, muôn người quyết theo Đảng, theo Bác, làm nên những dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, nghe lại những câu chuyện về Bác, nhớ mãi và gắng làm theo lời Bác:“Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

Phương Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Có lòng tin của dân là có tất cả”
“Có lòng tin của dân là có tất cả”

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967), một trong hai Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ rủi ro do thiên tai Lồng ghép nhiều nguồn lực
Di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ rủi ro do thiên tai: Lồng ghép nhiều nguồn lực

Hàng năm với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương và ngân sách địa phương, các địa phương từng bước thực hiện di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ rủi ro do thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm sạt lở núi, xâm thực biển người dân vẫn chưa được tái định cư (TĐC).

Con đường nào cho “dân” Kinh tế
Con đường nào cho “dân” Kinh tế?

Con đường để đi đến thì có thể vô thẳng sau khi tốt nghiệp và cũng gian nan và kiên trì hơn làm kiểm toán Big 4 vài năm rồi qua.

Triển khai Nghị quyết 68 NQ-CP Đừng chờ dân đến mà phải tìm đến dân
Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP: Đừng chờ dân đến mà phải tìm đến dân

Quan điểm của tỉnh cũng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khi triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 là cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp nhiệm vụ phải chủ động tìm đến người dân, NLĐ thuộc nhóm chính sách chứ không phải ngồi chờ người dân tìm đến, để gói hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến đúng người, đúng đối tượng.