Thứ Ba, 08/12/2015 06:49

Xử lý bùn cát do thi công đê chắn sóng cảng Chân Mây: Khu vực chứa bùn cát đã được quy hoạch

Để thi công đê chắn sóng cảng Chân Mây, một lượng lớn bùn cát dưới đáy vịnh Chân Mây được múc lên và đổ tại khu vực đất trống ngay bên cảng. Chủ đầu tư khẳng định, khu vực để đổ bùn cát đã được quy hoạch và chất thải được xử lý đúng quy trình.

Mất an toàn lưới điện khu vực Chân Mây- Lăng CôGiảm tải cho cảng Chân Mây

Ban quản lý DA: Vật chất nạo vét chỉ có cát và bùn

Dự án (DA) đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 được khởi công tháng 3/2018 và thời gian hoàn thành đến năm 2020.

Khu vực đổ bùn cát nằm trong quy hoạch

Ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng Khu kinh tế, công nghiệp (KTCN) tỉnh -chủ đầu tư DA cho biết, việc thi công đê chắn sóng nhằm giúp hoạt động của cảng diễn ra quanh năm, còn như trước đây vào những tháng mưa bão không thể hoạt động. Hiện các đơn vị đang thi công phần móng của đê. Muốn thi công, bắt buộc phải lấy đi lớp cát và bùn yếu ở phía dưới; đồng thời, đê chắn sóng cắt ngang luồng lạch hiện hữu nên buộc phải nạo vét và tạo một luồng mới để tàu biển ra vào cảng bình thường.

Tổng khối lượng bùn cát phải nạo vét cho cả hai hạng mục làm móng đê và mở luồng lạch mới là 870.000m3. Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng Khu KTCN tỉnh thông tin, theo kế hoạch ban đầu, khối lượng bùn cát này có hai phương án để xử lý, thứ nhất là vận chuyển ra biển để nhấn chìm, thứ hai phải đưa lên bờ. Đối với bờ biển Thừa Thiên Huế, trong quy hoạch không được nhấn chìm bùn cát nên bắt buộc đưa vào bờ.

Ông Tôn Thất Viễn Điểm khẳng định, khu vực chứa bùn cát từ dưới biển lên đã được quy hoạch thành bãi chứa để phục vụ công trình, với tổng diện tích 42ha. Vật chất nạo vét chỉ có cát và bùn, hoàn toàn không có vật liệu xây dựng nào khác. Khi bùn cát được đưa vào bờ, không vi phạm hoạt động môi trường, mặt khác lại có ưu điểm tận dụng để san lấp mặt bằng; sau này, chỉ thêm một phần nhỏ kinh phí để xử lý và trở thành khu hậu cần của cảng Chân Mây.

Cũng theo ông Điểm, do những ngày qua ở Huế có mưa lớn nên bùn cát nạo vét lên có hiện tượng nhão ra. Khi thời tiết nắng lên, nước sẽ khô, bùn cát cứng lại, khu vực này sẽ có mặt bằng đẹp hơn.

Ông Trần Văn Duẩn, Phó chỉ huy công trình Công ty Đạt Phương-đơn vị thi công cho hay, bùn cát đưa lên khu vực bãi chứa được xử lý kỹ, được bơm vào bể có hệ thống đê bao, sau đó, chảy qua cửa tràn, nguồn nước tiếp tục đi qua ao lắng. Sau khi lắng đọng hết lượng bùn, phần nước phía trên sẽ chảy ra cống thoát. Ngoài ra, ở phía ngoài cống thoát 200m, có hệ thống lưới để quây bùn. Hệ thống đê bao và lưới quây được kiểm định và áp dụng ở nhiều công trình lớn trong cả nước.

Yêu cầu chủ đầu tư tăng cường giám sát việc thi công của các nhà thầu

Câu hỏi được đưa ra là, bùn cát tại bãi chứa sẽ xử lý như thế nào? Phía chủ đầu tư cho biết, khu vực này đã được quy hoạch thành khu hậu cần của cảng Chân Mây. Về mặt kỹ thuật của ngành xây dựng, đối với bùn cát từ biển lên sẽ sử dụng phương pháp cắm bấc thấm. Bấc thấm làm chức năng thoát nước lỗ rỗng từ các túi bùn, gia cố kết cấu của nền. Sau khi đã san lấp mặt bằng, tùy vào mục đích sử dụng của nhà đầu tư, nếu để hàng tải trọng có thể gia cố bằng bê tông.

Đê chắn sóng sẽ giúp cảng Chân Mây hoạt động quanh năm

Qua xác minh, khu vực diện tích 42ha dùng để làm bãi chứa là thuộc quản lý của cảng Chân Mây. Trên diện tích này có một số hồ nuôi tôm của người dân xã Lộc Vĩnh. Tuy nhiên, tất cả chỉ tận dụng mặt nước mà cảng Chân Mây chưa sử dụng để nuôi tôm. Các đơn vị thi công khẳng định, họ đã làm đúng quy trình, dù bãi đất đã được quy hoạch, nhưng trước khi tiến hành đổ bùn cát đã thông báo đến người dân và gia hạn 1 tháng để có thời gian thu hoạch tôm.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, toàn bộ diện tích bãi chứa hoàn toàn là đất của cảng Chân Mây. Tuy nhiên, theo ông Minh, vào đầu tháng 5/2018, 5,4 ha nuôi tôm của người dân phía trong cửa biển Lạch Giang (cách bãi chứa khoảng 500m) bị chết bất thường. Đến hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân, nhưng người dân cho rằng do nước thải ra từ bãi có chứa bùn và các tạp chất, theo thủy triều nước đi vào khu vực lấy vào hồ nuôi tôm, làm tôm bị ngột và chết.

Trong quá trình thi công, đổ bùn cát từ biển lên tại khu vực bãi chứa này nảy sinh thêm một vấn đề khác. Ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, quá trình đổ bùn cát đã nâng mặt bằng của khu vực và ảnh hưởng đến hệ thống điện, trạm biến áp. Phía điện lực đã gửi văn bản cho các đơn vị liên quan và yêu cầu có phương án xử lý. Tuy vậy, các đơn vị thi công và Ban Quản lý Khu KTCN tỉnh không hồi đáp. Sáng 6/6, ông Tôn Thất Viễn Điểm cho hay, Ban đã nhận được các văn bản từ điện lực và sẽ nhanh chóng phối hợp để cùng nhau có biện pháp xử lý.

Ông Lê Văn Tuệ, Phó Ban Quản lý Khu KTCN tỉnh thông tin, lãnh đạo Ban đã chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường quan trắc nguồn nước chảy ra biển từ bãi chứa và không khí tại khu vực xung quanh; đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư tăng cường giám sát việc thi công của các nhà thầu phải đúng quy trình và báo cáo định kỳ.

Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây, giai đoạn 1 do Liên doanh 6 nhà thầu đảm nhận thi công, có tổng mức đầu tư trên 765 tỷ đồng; trong đó, Công ty CP Đạt Phương, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đảm nhiệm triển khai phần nạo vét, hút bùn. Công ty TNHH Long Đại Thịnh thi công gói thầu san lấp mặt bằng khu lưu thông hàng hóa cảng Chân Mây.

Bài, ảnh: Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023
Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023

Sáng 21/2, ông Trần Anh Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Trung Chính - đơn vị liên danh thi công dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (giai đoạn 1) thông tin, tất cả hạng mục hạ bộ dưới nước của công trình cầu vượt sông Hương sẽ cố gắng hoàn tất vào cuối năm 2023.

Không để giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án
Không để giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án

Tại buổi kiểm tra tiến độ các Dự án (DA) tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chiều 13/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với UBND TP. Huế đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để không làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Phập phồng nuôi tôm chân trắng
Phập phồng nuôi tôm chân trắng

“Theo đuôi con tôm” mười mấy năm nay với nhiều cơ hội, thách thức, cuối cùng người dân vẫn trắng tay vì dịch bệnh, thua lỗ.

Không “ngại” tàu lớn
Không “ngại” tàu lớn

Cùng với cảng Chân Mây, nhà khách T2 sân bay Phú Bài chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ là kỳ vọng đưa Thừa Thiên Huế trở thành địa chỉ có cảng hàng hải, hàng không quốc tế năng động nhất miền Trung.

Thi công cao tốc Bắc Nam xuyên Tết
Thi công cao tốc Bắc Nam xuyên Tết

Các Ban Quản lý dự án giao thông (BQLDA - đơn vị chủ đầu tư - Bộ GTVT) đều đã lên kế hoạch thi công xuyên tết trên công trường cao tốc Bắc Nam phía Đông cả giai đoạn I 2017 - 2020 và giai đoạn II 2021 - 2025, nhằm đảm bảo tiến độ lũy tiến về sản lượng, chất lượng, giải ngân vốn đầu tư công, đưa dự án về đích đúng hẹn.