Thứ Bảy, 12/03/2016 05:45

Tìm hướng khởi nghiệp

Đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế thành lập được 5 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, giới thiệu sản phẩm do phụ nữ làm chủ, đạt 500% kế hoạch của năm, trở thành đơn vị tiên phong trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp.

Thu hút chị em vào hộiChia sẻ và gắn bó

"Tổ liên kết đúc bờ lô" của phụ nữ An Tây tạo việc làm cho nhiều chị em

Nỗ lực

Từ ngày “Tổ liên kết đúc bờ lô” thuộc Hội LHPN phường An Tây được thành lập, các thành viên ai cũng phấn khởi. Các chị không còn sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm mà thực hiện theo quy chế chung là sản xuất đảm bảo chất lượng, không cạnh tranh giá cả, hỗ trợ nhau khi khó khăn. Các chị cũng tự đóng mỗi người 500 nghìn đồng/tháng để giúp nhau về vốn...

Chị Châu Thị Diệp, thành viên tổ liên kết cho biết: "Vào tổ liên kết, chị em có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, khi cần thiết có thể hỗ trợ máy móc, nhân công nên thuận lợi hơn nhiều". Còn chị Châu Thị Kim Tuyết bày tỏ: "Đúc bờ lô tuy vất vả nhưng thu nhập không đến nỗi, ngày kiếm vài ba trăm nghìn là bình thường. Thỉnh thoảng chị em đóng góp kinh phí tổ chức đi chơi, bù đắp những cực nhọc nên ai cũng rất vui".

Chị Phạm Thị Thu Cúc, Chủ tịch Hội LHPN phường An Tây cho biết: Đúc bờ lô là nghề được nhiều người dân phường An Tây chọn để lập thân lập nghiệp từ hàng chục năm nay, trong đó có nhiều hội viên phụ nữ. Để xây dựng mô hình liên kết bãi bờ lô giúp các chị phát triển kinh tế, Hội LHPN phường đã mất nhiều tháng khảo sát, thu thập thông tin về thực trạng lao động sản xuất kinh doanh sản phẩm bờ lô trên địa bàn phường; tổ chức ra mắt giới thiệu mô hình tạo việc làm tại chỗ cho lao động... Hiện tổ liên kết có 15 thành viên và ban quản lý gồm 3 người, tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động nữ, với mức thu nhập mỗi tháng từ 5 đến 6 triệu đồng/người. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm thủ tục để đăng ký thương hiệu sản phẩm bờ lô cho tổ liên kết để dễ cạnh tranh và mở rộng thị trường”, chị Cúc cho biết.

Hội LHPN TP. Huế còn xây dựng nhiều tổ liên kết sản xuất khác như: "Tổ liên kết giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bánh truyền thống của phụ nữ Huế" do Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt thành lập; “Tổ liên kết đào tạo nghề và sản xuất hàng may mặc” của chị em phụ nữ phường Phú Hậu; “Khu ẩm thực và mua sắm tại vườn hoa Diệu Đế” với 16 gian hàng của Hội LHPN phường Phú Cát... Chị Mai Thị Thuý Liên, chủ cơ sở bánh Kim Long phấn khởi: “Từ khi mô hình liên kết giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bánh truyền thống của phụ nữ Huế ra đời, các sản phẩm bánh của tôi có thêm kênh tiêu thụ mới, khá ổn định”.

Nhiều hội viên phụ nữ cũng mạnh dạn khởi nghiệp và đã thành công. Tiêu biểu là chị Huỳnh Thị Phương Ngọc, chi hội 19, phường Trường An kinh doanh thành công các mặt hàng sành sứ gia dụng; chị Phạm Thị Bảo Trâm, hội viên chi hội 7, Hội LHPN phường Phú Thuận khởi nghiệp thành công với sản phẩm nghề in lụa, in bao bì, thiệp…

Hội LHPN phường Phú Cát khánh thành khu ẩm thực mua sắm do phụ nữ làm chủ

Cần sự tiếp sức

Chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế cho biết, để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, hội đã tiến hành rà soát, thống kê các mô hình khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết giới thiệu sản phẩm của cán bộ, hội viên phụ nữ cũng như mô hình đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ. Tuy vậy, nhiều phụ nữ còn gặp khó trên con đường khởi nghiệp do hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ít thông tin về thị trường, do điều kiện thực tế của địa phương. Các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thường gắn với buôn bán nhỏ, ít có ý tưởng sản xuất, kinh doanh hàng hóa quy mô lớn nên khó tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, nhất là về vốn đầu tư.

Chị Lê Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Hậu, chủ nhiệm “Tổ liên kết đào tạo nghề và sản xuất hàng may mặc” chia sẻ: "Tổ thành lập được gần 2 năm, đào tạo miễn phí và tạo việc làm cho 15 thành viên,... Tuy nhiên, hiện nay mô hình còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở sản xuất đang tạm bợ, một số máy móc phục sản xuất còn thiếu... Chúng tôi rất cần được các cấp chính quyền hỗ trợ để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra".

Theo bà Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trong thời gian ngắn, Hội LHPN TP. Huế thành lập được 5 tổ lên kết sản xuất kinh doanh là nỗ lực đáng ghi nhận. "Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2025” và Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được thành lập. Trên cơ sở đó, quỹ sẽ có những chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; đồng thời, sẽ tổ chức kết nối giữa các đơn vị doanh nghiệp để hội viên học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường", bà Loan cho biết.

Bài, ảnh: Hải Thuận

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TP Huế khảo sát, điều chỉnh hồ sơ di tích
TP. Huế khảo sát, điều chỉnh hồ sơ di tích

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, đồng thời đảm bảo tính pháp lý và khoa học của hồ sơ di tích, UBND TP. Huế sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh và UBND các phường, xã khảo sát, thống nhất phương án điều chỉnh hồ sơ một số di tích đã được xếp hạng.

Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa
Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa

Sáng 23/2, Dự án (DA) Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (được tài trợ bởi Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thông qua WWF-Nauy) và Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh chính thức phát động cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa- Huế 2023” (Cuộc thi) với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) tại TP. Huế.